Chia rẽ vì Ukraine

GD&TĐ - Hồi tháng 8 vừa qua, Hungary đã công bố các chính sách nới lỏng yêu cầu thị thực với công dân 8 nước, trong đó có Nga và Belarus.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Bài phát biểu của Thủ tướng Hungary Viktor Orban về những ưu tiên của nước này trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội đồng EU đang một lần nữa làm lộ rõ sự chia rẽ của châu Âu liên quan đến vấn đề Ukraine.

Tranh cãi nổ ra ngay khi ông Viktor Orban mở đầu bài phát biểu tại Nghị viện Châu Âu (EP) ngày 9/10 khi ông mô tả châu Âu như một lục địa đang trong tình trạng hỗn loạn, do phải vật lộn với hai vấn đề lớn nhất là cuộc chiến tại Ukraine và khủng hoảng nhập cư. Theo ông, EU cần phải thay đổi để củng cố thị trường chung và đối phó với những thách thức này.

Đặc biệt, ông Orban đã đề cập đến các ưu tiên gây tranh cãi khi Hungary giữ nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU kéo dài 6 tháng, bắt đầu từ tháng 6/2024 vừa qua. Ngay khi kết thúc bài phát biểu này, sự chia rẽ của châu Âu lộ rõ khi nghị trường của Nghị viện châu Âu tại Strasbourg (Pháp) đã chia làm hai phe rõ ràng, với một bên vỗ tay tán thành và một bên la ó phản đối.

Sau đó, cuộc họp biến thành cuộc đấu khẩu giữa hai phe, khi một bên là các nhà lập pháp lên án chế độ của Thủ tướng Hungary Viktor Orban và một bên là nhóm bác bỏ các cáo buộc nhằm vào ông. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursurla von den Leyen còn lên tiếng chỉ trích gay gắt Thủ tướng Hungary và các chính sách của nước này trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội đồng EU.

Một trong những chỉ trích nặng nhất mà bà Ursurla nhằm vào Hungary là cho rằng nước này luôn tìm cách cản trở nỗ lực viện trợ vũ khí của phương Tây cho Ukraine. Người đứng đầu EC cũng chỉ trích các chuyến thăm được cho là “sứ mệnh hòa bình” của ông Viktor Orban tới Nga, Ukraine và Trung Quốc mới đây nhằm tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine.

Tiếng nói gay gắt của bà Ursurlar phần nào phản ánh sự bất đồng của nhiều nước châu Âu với quan điểm của Hungary về cuộc xung đột Ukraine luôn khác biệt so với phần còn lại trong EU. Chức Chủ tịch Hội đồng EU được các nước thành viên luân phiên nắm giữ trong 6 tháng, nhưng khi đến lượt Hungary lập tức gây tranh cãi xuất phát từ sự khác biệt quan điểm này.

Chính phủ của Thủ tướng Orban có truyền thống đi ngược lại dòng chảy chung của khối về vấn đề Ukraine. Một trong những ý kiến chỉ trích ở châu Âu nhằm vào chính phủ của ông là Hungary không thực hiện cam kết của khối EU về việc chấm dứt phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga. Ngoài ra, trong bối cảnh các nước châu Âu thắt chặt các yêu cầu thị thực nhằm vào công dân Nga và Belarus nhằm trừng phạt Moscow và Minsk thì Hungary lại có động thái đi ngược lại.

Hồi tháng 8 vừa qua, Hungary đã công bố các chính sách nới lỏng yêu cầu thị thực với công dân 8 nước, trong đó có Nga và Belarus. Ngay lập tức, một nhóm gồm khoảng 70 thành viên Nghị viện châu Âu (EC) khi đó đã yêu cầu Ủy ban Châu Âu (EC) đình chỉ sự tham gia của Hungary trong khu vực tự do đi lại Schengen của khối EU. Yêu cầu này không được thực hiện nhưng cũng đã phản ánh thêm thái độ phản đối của một bộ phận châu Âu đối với chính sách được cho là thân Nga của Hungary.

Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban vẫn không ngừng các quan điểm có phần khác biệt với EU trong việc tiếp cận cuộc xung đột tại Ukraine. Ông luôn kêu gọi giải quyết xung đột bằng biện pháp ngoại giao và kiên quyết phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trong khi đó, các đồng minh Mỹ và phương Tây giữ quan điểm muốn xung đột sớm kết thúc thì “bơm” thêm vũ khí cho Ukraine để buộc Nga “phải chấp nhận hòa bình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ