Báo động về tai nạn lao động

GD&TĐ - Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn cả nước, làm chết nhiều công nhân.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Chưa năm nào mà tai nạn lao động xảy ra nhiều và nghiêm trọng như năm nay.

Đây là điều đáng báo động về công tác bảo đảm an toàn lao động ở các nhà máy, công xưởng cũng như ở các hiện trường có nhiều người lao động. Cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân trong từng trường hợp cụ thể, song nguyên nhân chính vẫn là sự chủ quan của người sử dụng lao động lẫn bản thân người lao động.

Đơn cử như vụ chìm sà lan chở đá xây cảng ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hôm 24/4. Cho đến nay, sau hơn hai tuần xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định số người thiệt mạng trong vụ tai nạn là bao nhiêu người! Một công ty làm nhiệm vụ vận chuyển đá ra Lý Sơn để xây kè cho cảng biển.

Lên tàu tại cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) thì có 5 người đủ điều kiện để tham gia vận chuyển đá nhưng khi chìm tàu và sà lan thì phát hiện 4 người tử vong nhưng lại không nằm trong danh sách 5 người kia! Cơ quan chức năng liên hệ với thân nhân của 5 người được phép lên tàu hôm đó thì tất cả đều trả lời không liên lạc được với người thân.

Điều đó cũng có nghĩa, 5 người kia nhiều khả năng mất tích cùng sà lan đang chìm dưới đáy biển. Hàng loạt mâu thuẫn xuất hiện trong lời khai của bên sử dụng lao động lẫn người thân của các công nhân mất tích đủ thấy rằng tình trạng quản lý người lao động và công tác an toàn lao động của đơn vị này là cực kỳ lỏng lẻo!

Hay như vụ nổ nồi hơi ở Đồng Nai làm chết 6 công nhân hôm 1/5 cũng cho thấy sự bất cẩn từ cả hai phía. Nồi hơi có sự cố và đã đi sửa hôm 30/4 nhưng ngày hôm sau vẫn xảy ra vụ nổ đáng tiếc như thế. Công tác kiểm tra của bộ phận kỹ thuật ở đây chưa thật sự chuyên nghiệp nên mới dẫn đến sự cố.

Một trường hợp khác trước đó, hôm 22/4 tại một nhà máy xi măng ở Yên Bái đã xảy ra sự cố động cơ điện của nhà máy nghiền khiến 7 công nhân thiệt mạng, 3 người bị thương.

Sự bất cẩn, chủ quan không chỉ xảy ra ở các nhà máy, mà còn trên các công trường. Ví dụ như vụ sạt lở tại khu vực thi công móng cột đường dây 500 kV mạch 3 tại Hà Tĩnh làm 3 công nhân tử vong, 4 người khác bị thương hôm 6/5.

Những công nhân này đang trú mưa trong một lán trại tạm thời thì bất ngờ một lượng đất đá khổng lồ bên trên sạt lở vùi luôn họ! Những vụ sạt lở làm chết người khi trú trong lán trại lúc trời mưa to đã từng xảy ra nhiều năm nay, như vụ Rào Trăng ở Thừa Thiên Huế năm nào.

Các phương tiện truyền thông đã nhiều lần cảnh báo là không nên ở trong các lán trại bên dưới các điểm vừa mới san ủi mỗi khi trời mưa to nhưng bệnh chủ quan vẫn cứ tái diễn để rồi phải trả giá.

Các vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiệm trọng đã và đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ để xác định cụ thể lỗi từ bên nào. Nhưng dẫu lỗi từ bên nào thì người lao động vẫn thiệt nhất vì họ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.