Cần quy định điều kiện thực hiện quyền tự chủ
Góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH, GS.VS Đào Trọng Thi cho rằng, quyền tự chủ cần được mở rộng về phạm vi và nâng cao về mức độ tương xứng với năng lực tự chủ của cơ sở giáo dục đại học được xác định bằng điều kiện thực hiện tự chủ, phạm vi tự chủ không chỉ giới hạn trong hoạt động học thuật (đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế) mà còn bao gồm cả hoạt động tổ chức, cán bộ và tài chính, tài sản.
Điều kiện thực hiện tự chủ về học thuật chủ yếu phụ thuộc vào kết quả kiểm định chất lượng giáo dục và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học. Điều kiện thực hiện tự chủ về tổ chức, cán bộ phụ thuộc vào hình thức sở hữu, phạm vi phân cấp, ủy quyền từ cơ quan chủ quản và khả năng bảo đảm chi thường xuyên. Điều kiện thực hiện tự chủ về tài chính, tài sản phụ thuộc vào khả năng tạo nguồn thu ngoài NSNN cấp trực tiếp, khả năng tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư, phương thức đầu tư thông qua dự án và đặt hàng đào tạo giúp chuyển hóa NSNN cấp thành nguồn thu loại này.
Thay vì giao quyền tự chủ cho một hoặc một nhóm cơ sở giáo dục đại học cụ thể như hiện hành, Luật sửa đổi cần quy định điều kiện thực hiện quyền tự chủ cụ thể và tạo cơ hội cho mọi cơ sở giáo dục đại học đáp ứng điều kiện đó được thực hiện quyền tự chủ tương ứng.
Đi đôi với quyền tự chủ, cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm giải trình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, xã hội và các bên liên quan về việc thực hiện trách nhiệm và cam kết của mình, công khai minh bạch các thông tin và kết quả hoạt động theo quy định. Tăng cường tự chủ đại học là một giải pháp quan trọng nhằm tạo động lực cho sự phát triển giáo dục đại học.
GS.VS Đào Trọng Thi cũng cho rằng, cần phân biệt rõ các loại cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, phi lợi nhuận, các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư… để áp dụng cơ chế quản lý và chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp, tương xứng.
Quyền tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình
Nhất trí về sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến tự chủ và quản trị đại học, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: “Quy định chung về quyền tự chủ được thể hiện tại khoản 5 Điều 12 và Điều 32. Điều 32 (sửa đổi) khẳng định về quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH đi đôi với trách nhiệm giải trình và năng lực tự chủ, đồng thời giao chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện. Tôi nhất trí với quy định này vì có như vậy mới đảm bảo việc tổ chức thực hiện quyền tự chủ là phù hợp với thực tế của các cơ sở GDĐH và phát huy hiệu quả mong muốn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo”.
Về tự chủ trong lĩnh vực đào tạo: Dự thảo đã làm rõ quyền tự chủ trong các hoạt động sau: Mở ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, quyết định số tín chỉ cho từng chương trình đào tạo, xây dựng, thẩm định, ban hành, thực hiện chương trình đào tạo, tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, duyệt giáo trình GDĐH, thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát văn bằng cho người học. Trong tương quan so sánh với thông lệ quốc tế về tự chủ đại học trong lĩnh vực đào tạo, có thể thấy cơ sở GDĐH nước ta khá thông thoáng.
Tuy nhiên, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đặt vấn đề, tại Điều 34 về chỉ tiêu tuyển sinh, cần làm rõ liệu cơ sở GDĐH có được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với cả trình độ thạc sĩ và tiến sĩ hay không? Điều 35 về thời gian đào tạo: Việc thay đổi quy định về thời gian đào tạo cần đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD. Vì vậy nên thiết kế Điều 35 như cũ.
Vai trò của hội đồng trường phải được làm rõ trong luật
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, vai trò của hội đồng trường chính là ở chỗ đại diện cho cơ quan chủ quản trong giám sát việc thực hiện tự chủ của cơ sở GDĐH. Nó là thiết chế bắt buộc phải có để Nhà nước có thể giao quyền tự chủ cho cơ sở GDĐH. Điều này phải được làm rõ trong luật. Vì vậy đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 16 như sau: Hội đồng trường được thành lập ở trường đại học, học viện công lập và phải đảm bảo cơ cấu và năng lực thực hiện theo quy định của Điều này trước khi giao quyền tự chủ.
Về quyền tự chủ trong lĩnh vực nhân sự, bao gồm quyền tự chủ trong việc quyết định quy trình tuyển dụng, số người được tuyển dụng, tiền lương, nâng ngạch, nâng bậc và việc sa thải giảng viên, nhân viên nhà trường. Hiện nay tất cả các điều này được quy định trong Luật Viên chức và vì vậy, cơ sở GDĐH nước ta hầu như không có quyền tự chủ nào trong lĩnh vực nhân sự, trừ những cơ sở thí điểm theo NQ77 có một số quyền trong việc quyết định cơ cấu và số người làm việc, tuyển dụng viên chức, nhân viên hợp đồng.
Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 24 Luật Viên chức, theo đó “đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức và chịu trách nhiệm về quyết định của mình” thì với tinh thần mở rộng quyền tự chủ đại học, cần xem xét đưa vào quyền tự chủ nhân sự trong tuyển dụng và bổ nhiệm, thay đổi chức danh giảng viên.