Sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học - bước đột phá

GD&TĐ - Đó là chia sẻ của Theo GS.VS Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học được tổ chức chiều 15/12 tại Hà Nội.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Hướng tới hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học

Xã hội hóa không chỉ là phát triển khối các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập để sát cánh cùng các cơ sở giáo dục đại học công lập đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển kinh tế - xã hội mà còn bao gồm cả việc thu hút các nguồn lực ngoài NSNN để phát triển chính các cơ sở giáo dục đại học công lập.
GS.VS Đào Trọng Thi

Theo GS.VS Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học tập trung vào việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, chính sách đổi mới giáo dục đại học của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo bước đột phá theo hướng tăng cường quyền tự chủ, xã hội hóa, chuẩn hóa và hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học.

GS.VS Đào Trọng Thi – cho rằng, khi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học cần làm rõ một số nội dung như: Xã hội hóa là chủ trương lớn, quan trọng nhằm thu hút nguồn đầu tư ngoài nhà nước để phát triển giáo dục đại học.

Theo GS.VS Đào Trọng Thi, cần phân biệt rõ các loại cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, phi lợi nhuận, các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư… để áp dụng cơ chế quản lý và chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp, tương xứng.

Đồng thời, làm rõ hình thức sở hữu cộng đồng đối với khối tài sản chung không chia của cơ sở giáo dục đại học tư thục và vai trò đại diện phần tài sản này trong thành phần hội đồng quản trị.

“Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế là giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm chất lượng và hiệu quả đào tạo, từng bước tiếp cận các chuẩn mực khu vực, quốc tế thông qua công tác kiểm định chất lượng giáo dục cần xây dựng và áp dụng các chuẩn mực có tính hội nhập quốc tế đối với cơ sở giáo dục đại học nói chung cũng như đối với quy trình đào tạo, cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý” - GS.VS Đào Trọng Thi trao đổi.

GS.VS Đào Trọng Thi trao đổi với báo chí bên lề hội nghị
GS.VS Đào Trọng Thi trao đổi với báo chí bên lề hội nghị

Những đề xuấtcụ thể

Khoản 4, khoản 5 Điều 66 quy định cơ sở giáo dục đại học tư thục phải dành ít nhất 25% lợi nhuận để đầu tư phát triển và đưa phần tài sản chung không chia nhưng không quy định miễn thuế cho khoản này như Luật hiện hành. Đề nghị bổ sung quy định này.

                      GS.VS Đào Trọng Thi

Góp ý nội dung cụ thể của dự thảo Luật, GS.VS Đào Trọng Thi – đề xuất: Khoản 5 Điều 4 định nghĩa cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục đại học mà phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia. Nên gọi loại cơ sở giáo dục đại học này là hoạt động phi lợi nhuận theo đúng thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế - xã hội nước ta hiện nay số lượng các cơ sở giáo dục đại học phi lợi nhuận rất hiếm. Do đó, để phát huy hiệu quả chính sách khuyến khích thì vẫn cần quy định thêm loại cơ sở giáo dục đại học hoạt động không vì lợi nhuận theo cách hiểu của Luật hiện hành.

Về phân tầng, xếp hạng cơ sở giáo dục đại học (Điều 9), GS.VS Đào Trọng Thi – góp ý: Việc phân tầng là yếu tố rất quan trọng đối với quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học nên đối với cơ sở giáo dục đại học công lập sau khi Hội đồng trường quyết nghị vẫn cần trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn.

Việc xếp hạng quy định trong Luật hiện hành được hiểu theo nghĩa phân hạng cơ sở giáo dục đại học theo tinh thần phân loại, xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập của Chính phủ.

Việc phân hạng các cơ sở giáo dục đại học cần cho công tác quản lý nhà nước và nên được quy định trong Luật Giáo dục đại học. Còn việc xếp hạng trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lại được hiểu theo nghĩa xếp thứ hạng các cơ sở giáo dục đại học. Việc này cũng rất cần, thường do các tổ chức độc lập thực hiện và không nhất thiết phải quy định trong Luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ