Bảo đảm nhân lực cả chất và lượng trong ngành công nghiệp bán dẫn

GD&TĐ - Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn đang rất cần được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn là rất lớn.
Nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn là rất lớn.

Nhân lực còn thiếu

Ngành công nghệ vi mạch hay công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Sản phẩm của công nghệ vi mạch được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, nhất là lĩnh vực điện tử, truyền thông, các ngành công nghiệp… đặc biệt là trong các thiết bị di động, máy tính, ô tô, xử lý dữ liệu, truyền thông, điện tử tiêu dùng.

Trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang không ngừng thay đổi về tư duy, giải pháp, máy móc, nguồn nhân lực nhằm hướng đến mục tiêu phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là thiếu hụt nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp này.

Theo Công ty Nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng lên 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025, với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 6,5%.

Hiện nay, cộng đồng vi mạch cả nước có hơn 40 công ty, doanh nghiệp về thiết kế vi mạch và hơn 5.000 kỹ sư, chuyên gia về thiết kế vi mạch. Theo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đòi hỏi sự tham gia của giảng viên và chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực này. Trong khi đó, tại Việt Nam, số lượng giảng viên và chuyên gia có chuyên môn cao và kinh nghiệm trong ngành bán dẫn còn hạn chế.

Một khó khăn nữa trong việc đào tạo là mức độ kết nối giữa doanh nghiệp - nhà trường - Nhà nước chưa đủ chặt chẽ, dẫn đến việc hợp tác hướng dẫn, đào tạo nhân lực còn sơ sài. Để cải thiện, Nhà nước cần có những chính sách thu hút, đẩy mạnh sự hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học.

Ông Nguyễn Duy Mạnh - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Thiết kế Vi mạch phân tích: “Nguyên nhân cốt lõi là việc đào tạo về ngành vi mạch, thiếu nhận thức về tầm quan trọng của ngành này. Ngành vi mạch là động lực để phát triển kinh tế của một quốc gia, là tiền đề để tạo ra sản phẩm, công nghệ mới. Khi ngành vi mạch phát triển, sẽ kéo theo công ăn việc làm ở tất cả các ngành khác”.

“Chương trình đào tạo nên có các khóa ngắn hạn của các chuyên gia, Việt kiều tâm huyết kể cả doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nhận thức lại ngành vi mạch bán dẫn đang phát triển đến đâu và làm thế nào để có thu nhập để duy trì hoạt động trước khi thành công”, ông Mạnh chia sẻ.

Tìm nguồn nhân lực chất lượng

Bà Võ Thu Hà - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp nhìn nhận, giai đoạn phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch ở Việt Nam được bắt đầu từ năm 2005 - 2006, đây là thời kỳ thế giới bùng nổ về Internet. Đặc biệt những năm gần đây, số lượng cán bộ Việt Nam ra nước ngoài làm việc cho các công ty nằm trong top 15 các công ty vi mạch bán dẫn lớn nhất toàn cầu đã gia tăng đáng kể.

Hiện nay, Việt Nam đang sở hữu đội ngũ kỹ sư khá lành nghề với tuổi nghề trung bình đang ở độ tuổi vàng, số năm kinh nghiệm trung bình khoảng 5 năm. Đây được coi là lợi thế rất lớn của Việt Nam vì độ tuổi này có nhiều sáng tạo và đóng góp được nhiều nhất cho ngành thiết kế, chế tạo vi mạch.

Trong bối cảnh áp lực của sự thiếu hụt nhân lực trên toàn cầu gia tăng, trong khi trình độ nhân lực Việt Nam ngày được cải tiến, các chuyên gia giỏi của Việt Nam đang được các công ty ở Singapore, Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… săn đón. Điều này vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường phát triển về số lượng nguồn nhân lực thiết kế, chế tạo vi mạch.

Chia sẻ tại Hội thảo: “Thiết kế và chế tạo vi mạch và chiến lược phát triển nguồn nhân lực hỗ trợ tại Việt Nam”, ông Nguyễn Trung Tập - Phụ trách tuyển dụng nguồn nhân lực HCL Technologies cho biết, HCL hiện đang tìm kiếm những nhân tài có thể định hướng công nghệ trong tương lai.

Trong bối cảnh công nghệ thay đổi một cách nhanh chóng, HCL không ngừng tìm kiếm những ứng viên có tư duy logic, tài lãnh đạo và có thể thích ứng trong môi trường làm việc với đội ngũ 159.000 nhân sự làm việc tại 50 quốc gia trên toàn thế giới. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo vi mạch gặp rất nhiều khó khăn.

Để phát triển nguồn lực phục vụ nhu cầu trong tương lại, HCL cho rằng, cần tập trung tối đa nguồn lực đầu tư công cho đào tạo, ví dụ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước hiện có cho vi mạch trực tiếp đưa về các cơ sở đào tạo dưới các hình thức như giảm học phí nếu sinh viên đăng ký học các học phần liên quan vi mạch, tăng phụ cấp cho các thầy, cô giáo đào tạo các môn học thiết kế chip…

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thái Hòa, cán bộ quản lý tại một công ty điện tử Nhật Bản cho rằng, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học kỹ thuật và cộng đồng doanh nghiệp để đảm bảo nguồn sinh viên ra trường nhanh chóng tham gia vào các dự án thiết kế hoặc công đoạn chế tạo tại doanh nghiệp. Các trường đại học khối ngành kỹ thuật cần cân nhắc mở chuyên ngành vi mạch trong chương trình đào tạo để đáp ứng hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong mảng đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ