Vì thế, nhu cầu nhân lực trong ngành công nghiệp ô tô rất lớn. Chính vì vậy, với các sinh viên đang theo học ngành này, cơ hội việc làm rất rộng mở.
Cơ hội việc làm rộng mở
Theo nhận định của PGS.TS Trần Quang Vinh - Trưởng khoa Kỹ thuật ô tô và Năng lượng, Trường ĐH Phenikaa: “Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu về phương tiện di chuyển càng lớn. Chúng ta có thể thấy trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng ô tô cá nhân tăng trưởng rất mạnh ở nước ta. Cũng chính sự tăng trưởng đó kéo theo chuỗi cung ứng từ sản xuất đến dịch vụ liên quan tới ngành công nghiệp ô tô cũng phát triển mạnh.
Trong những năm gần đây, số lượng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô; nhà máy công nghiệp phụ trợ, xưởng dịch vụ… liên tục tăng đã phản ánh rõ nét xu thế này. Vì thế, nhu cầu nhân lực trong ngành công nghiệp ô tô là rất lớn, đây chính là cơ hội “vàng” để sinh viên theo học ngành Kỹ thuật ô tô tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình”.
PGS Trần Quang Vinh dẫn chứng thêm: “Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, sửa chữa mà sinh viên ngành này còn có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp khác nhau như thiết kế, kiểm định, giám định phương tiện hoặc các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực có liên quan đến ô tô”.
Cũng đồng ý kiến này, TS Nguyễn Đức Ngọc, Trưởng ngành Kỹ thuật ô tô, Trường ĐH Thuỷ lợi cho hay: “Việt Nam đang vào xu hướng ô tô hóa, hiện trong 1000 dân thì 35 đến 50 người có xe. Trong khi đó, Thái Lan 60 người có xe trên 1.000 dân; Mỹ từ 600 - 700 người có xe trên 1.000 dân. Từ những con số đó cho thấy, thị trường ô tô ở Việt Nam đang tăng trưởng rất lớn. Do đó, các khâu từ thiết kế, sản xuất đến các dịch vụ chăm sóc khách hàng cần nhân lực rất lớn”.
TS Nguyễn Đức Ngọc cho biết thêm: “Hiện rất nhiều doanh nghiệp đặt hàng chúng tôi đào tạo nguồn nhân lực, ví dụ Nissan đặt hàng 200 sinh viên nhưng hiện tại chúng tôi không có đủ. Như vậy có thể thấy rằng, sinh viên theo học ngành này nếu yêu nghề, chăm chỉ, nắm vững kiến thức thì cơ hội việc làm luôn rộng mở”.
Sinh viên ngành Khoa Kỹ thuật ô tô và Năng lượng, Trường ĐH Phenikaa trong giờ học thực hành trên xe. Ảnh NVCC. |
Cơ hội lớn... thách thức càng cao
Nhu cầu nguồn nhân lực lớn song những đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cũng cao không kém. Bởi vậy, để giải được bài toán đáp ứng thực tế, các cơ sở đào tạo phải luôn cập nhật kiến thức, công nghệ; liên kết với các doanh nghiệp để tạo cơ hội cho sinh viên được trải nghiệm, thực hành và tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Theo TS Nguyễn Đức Ngọc: “Ngành Kỹ thuật ô tô của Trường ĐH Thuỷ lợi được đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần gì chúng tôi bám sát với cái họ đang cần. Bên cạnh đó, chúng tôi phân bố thời gian thực hành và lý thuyết 50 - 50 để giúp sinh viên từ năm thứ nhất đã được học thực hành; được tiếp xúc với doanh nghiệp.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có kết hợp với mạng lưới doanh nghiệp để họ cung cấp thêm các tài liệu, kỹ thuật mới cho sinh viên được học, nghiên cứu trên đó”.
Nhiều năm qua, Trường ĐH Thuỷ lợi đã kết nối với doanh nghiệp để sinh viên được đến đó thực tập, đặc biệt là sinh viên năm 4 sẽ thực tập từ 3 đến 6 tháng. Trong quá trình thực tập, những sinh viên chăm chỉ, chịu khó và hứng thú có thể ở lại doanh nghiệp vừa học hỏi thêm kinh nghiệm, vừa làm đồ án.
“Rất nhiều sinh viên của chúng tôi sau khi thực tập xong đã được giữ lại làm việc. Thậm chí một số sinh viên trong quá trình thực tập đã được doanh nghiệp trả lương”, TS Nguyễn Đức Ngọc cho biết.
Còn theo PGS.TS Trần Quang Vinh, nhu cầu nguồn nhân lực lớn như vậy đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải chú trọng hơn khâu thiết kế khung chương trình học cho sinh viên. Theo đó, chương trình đào tạo của ngành Kỹ thuật ô tô tại Trường ĐH Phenikaa có 2 định hướng gồm: Kỹ thuật ô tô và Cơ điện tử ô tô, cả hai đều có 3 học phần thực tập với tổng cộng 8 tín chỉ, bao gồm thực tập tại xưởng trong trường, thực tập kỹ thuật ngoài doanh nghiệp và thực tập tốt nghiệp.
Hầu hết các học phần chuyên ngành đều có thực hành, thí nghiệm được triển khai tại xưởng của khoa với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Sinh viên học lý thuyết tại phòng học chuyên ngành có trang bị các mô hình, thiết bị minh hoạ; sau đó các bạn trẻ lại tiếp tục được trải nghiệm thực tế trên các trang thiết bị của xưởng tại các phòng thực hành, thí nghiệm.
Tất cả các lớp thực hành, thí nghiệm tại trường cũng như thực tập ngoài doanh nghiệp đều được các thầy cô hướng dẫn và phối hợp với doanh nghiệp đánh giá mức độ đạt được yêu cầu của học phần.
“Song song với đó, chúng tôi có mạng lưới đối tác rộng, đa dạng lĩnh vực để sinh viên được trải nghiệm từ công tác tính toán thiết kế sản phẩm tới sản xuất lắp ráp và dịch vụ trong ngành công nghiệp ô tô.
“Đối với những sinh viên mới học năm thứ nhất, các em phải có định hướng, xây dựng kế hoạch học tập cụ thể cho bản thân. Tại Trường ĐH Thuỷ lợi có môn học nhập môn, môn này sẽ giúp định hướng cho sinh viên trong 5 năm đầu sẽ làm gì, 10 năm sau sẽ làm gì?…
Bên cạnh đó từ năm nhất, chúng tôi cũng chia sinh viên thành nhóm, phân công giảng viên có kinh nghiệm để hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ sinh viên xây dựng kế hoạch học tập cũng như làm quen với công việc nghiên cứu”, TS Nguyễn Đức Ngọc, Trưởng ngành Kỹ thuật ô tô, Trường ĐH Thuỷ lợi chia sẻ.