Với chủ đề “Bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến trong giáo dục đại học”, đây là hội thảo thứ 2 trong chuỗi 5 hội thảo tổ chức từ tháng 4 đến tháng 6/2022, thuộc khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP năm 2016, Úc và Việt Nam cam kết hợp tác song phương trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến. Chuỗi hội thảo nhằm chia sẻ kiến thức, kỹ năng, giúp học viên hiểu và nhận ra yếu tố cấu thành trải nghiệm học tập trực tuyến; kết hợp cho sinh viên theo học các chương trình giáo dục đại học và những điểm tương đồng, khác biệt với trải nghiệm học tập trực tiếp.
Liên quan đến đào tạo trực tuyến trong giáo dục đại học, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đề án phát triển đào tạo từ xa của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2015-2020; ban hành Thông tư 38, trong đó quy định về liên kết đào tạo nước ngoài theo các hình thức trực tuyến và trực tiếp kết hợp trực tuyến đối với đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Bộ cũng đã ban hành Quy chế đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, cho phép đào tạo chính quy với 30% thời lượng chương trình đào tạo là trực tuyến. Việc tổ chức hình thức học mới đòi hỏi rất nhiều thay đổi về hạ tầng kỹ thuật, nội dung học liệu, tổ chức hoạt động dạy học, hay tiêu chí cụ thể để đánh giá và công nhận kết quả học tập. Việc kiểm tra, đánh giá phải bảo đảm trung thực, khách quan theo yêu cầu của chuẩn chương trình đào tạo nói chung và chuẩn đầu ra nói riêng.
Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 39 quy định tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng, làm cơ sở để các cơ sở giáo dục đại học triển khai tự đánh giá chất lượng chương trình đào tạo. Các tổ chức kiểm định có công cụ để thực hiện việc đánh giá ngoài, thẩm định và công nhận hoặc không công nhận kiểm định chương trình đào tạo trực tuyến của cơ sở giáo dục đại học.
“Hội thảo hôm nay là hoạt động cần thiết giúp nâng cao năng lực quản lý chất lượng đào tạo trực tuyến cho các tổ chức, cá nhân liên quan, góp phần đạt được các chỉ tiêu của Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022-2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” - bà Nguyễn Thu Thủy nhận định.
Tại hội thảo, chuyên gia tư vấn cao cấp về giáo dục Tricia Roessler đã giới thiệu về Bộ tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo trực tuyến (APEC toolkits). Theo bà Tricia, bộ công cụ đánh giá cần dễ sử dụng, hiệu quả, hài hòa với quy định, luật pháp, và APEC toolkits là một tham khảo phù hợp với Việt Nam.
Bộ tiêu chuẩn này gồm 9 lĩnh vực, bao gồm: Lãnh đạo và quản lý; đội ngũ nhân viên và phát triển chuyên môn; đánh giá tổng kết và cải thiện; các nguồn tài nguyên; thông tin và dịch vụ hỗ trợ sinh viên; trải nghiệm của sinh viên; thiết kế chương trình giảng dạy; kiểm tra đánh giá và tính liêm chính; kết quả học tập.
Bộ tiêu chuẩn có thể được sử dụng để hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học xây dựng các chương trình trực tuyến/ kết hợp và hướng dẫn đánh giá và kiểm tra chất lượng, công nhận bằng cấp quốc tế.
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày với 6 phiên làm việc: Kết quả đầu ra; thiết kế giáo trình; đánh giá và sự liêm chính; trải nghiệm của sinh viên; thông tin và hỗ trợ sinh viên; phiên bế mạc.
Tại hội thảo, các chuyên gia chia sẻ về thực tế sử dụng Bộ tiêu chuẩn APEC toolkits, những mô hình hay, điển hình, đồng thời làm rõ những băn khoăn của học viên…