Bảo đảm an sinh xã hội từ nâng cao kỹ năng nghề

GD&TĐ - Việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng nghề là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh.
Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh.

Vì thế, các cơ quan chức năng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm trang bị và nâng cao kỹ năng nghề cho lao động. 

Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với NGƯT.TS Nguyễn Quốc Huy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh về vấn đề này.

- Theo ông, việc đào tạo kỹ năng lao động trong nhà trường, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp có vai trò gì với    xã hội?

- Kỹ năng lao động về bản chất là năng lực chuyên biệt của cá nhân. Là năng lực về một hoặc nhiều hoạt động nghề nghiệp nào đó. Đây cũng là sự tích hợp nhuần nhuyễn kiến thức, kỹ năng, thái độ để có thể thực hiện hoạt động nghề nghiệp hiệu quả.

Có thể nói, cốt lõi của giáo dục nghề nghiệp chính là phát triển kỹ năng lao động. Vì vậy nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đó, đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp, thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra .

Ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 24 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Như vậy, có thể nói, phát triển kỹ năng lao động đã được Chính phủ rất quan tâm. Khi tỷ lệ lao động có kỹ năng được nâng cao, việc làm của người lao động sẽ ổn định với mức thu nhập cao. Điều này góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

- Nhiều bạn trẻ hiện lo ngại vấn đề học nghề xong sẽ khó khăn trong tìm việc. Nhất là trong thời điểm dịch bệnh khiến tình trạng lao động thất nghiệp tăng cao. Ông có lưu ý gì cho sinh viên và người học?

-  Trong những năm qua, tuyển sinh vào học các trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn sự mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo giữa khu vực thành thị, nông thôn, miền núi. Điều này dẫn đến nguồn cung nhân lực không đủ cho thị trường lao động.

Đại dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là sản xuất công nghiệp. Hiện nay, thất nghiệp chủ yếu tập trung vào đối tượng lao động tự do hoặc lao động chưa qua đào tạo. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, phải giãn cách xã hội, một số nhà máy, xí nghiệp không tổ chức sản xuất hoặc duy trì sản xuất với một tỷ lệ nhất định. Vì vậy, một số lao động phải nghỉ việc trong thời gian giãn cách.

Kinh nghiệm tại Bắc Ninh và Bắc Giang cho thấy, ngay sau khi khống chế được dịch bệnh, nhu cầu lao động phục vụ sản xuất tăng cao hơn. Đặc biệt lao động đã qua đào tạo, lao động có tay nghề cao.

NGƯT.TS Nguyễn Quốc Huy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh. Ảnh: NVCC
NGƯT.TS Nguyễn Quốc Huy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng 
Bắc Ninh. Ảnh: NVCC

Chúng ta đang chuẩn bị nguồn nhân lực để đưa Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới như mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra. Như vậy trong thời gian tới chúng ta vẫn thiếu hụt nguồn cung lao động đã qua đào tạo. Nhất là nguồn lao động chất lượng cao trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế số.

Những năm gần đây, giáo dục nghề nghiệp đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều chương trình đào tạo chuyển giao từ các nước phát triển được áp dụng. Các chương trình đào tạo chất lượng cao được nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng và tổ chức đào tạo. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã cam kết giải quyết việc làm sau tốt nghiệp ở vị trí phù hợp với thu nhập cao. Nhiều ngành nghề mới được mở ra để đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nếu lựa chọn giáo dục nghề nghiệp để làm điểm xuất phát trong quá trình lập thân, lập nghiệp thì phải đến bằng đam mê. Nếu quyết tâm theo đuổi với nghề mình học và tập trung phát triển kỹ năng nghề nghiệp của mình sẽ không lo thất nghiệp. Thậm chí còn có nhiều cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp của mình cũng như tìm kiếm được các vị trí việc làm với thu nhập cao.

- Theo ông, cần có những cơ chế, chính sách gì để phát triển kỹ năng lao động cho Việt Nam, nhất là lao động chất lượng cao?

-  Phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò đặc biệt quan trọng để góp phần tăng năng suất lao động. Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm theo nhu cầu và tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cạnh tranh toàn cầu hóa. Từ đó, khẳng định uy tín của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và vai trò của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp là xu hướng và yêu cầu tất yếu hiện nay. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chính là sự thay đổi số lượng và chất lượng về kiến thức, kỹ năng, thể lực và tinh thần.

Đây là quá trình tạo lập và sử dụng năng lực toàn diện của mỗi con người. Nhân lực chất lượng cao không chỉ thể hiện ở bằng cấp, chứng chỉ nghề nghiệp mà còn ở kiến thức, kỹ năng nghề để làm ra các sản phẩm có chất lượng cao.

Chính vì vậy, cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ trong thời gian tới. Cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy hoạt động đào tạo nhân lực chất lượng cao. Tập trung xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.

Tập trung đầu tư phát triển mạnh các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao. Gắn đào tạo nhân lực chất lượng cao với thị trường lao động và việc làm bền vững.

Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp từ bậc học trung học cơ sở, trung học phổ thông. Đảm bảo cho học sinh có định hướng đúng về ngành nghề đào tạo, có hoài bão, động cơ, thái độ học tập nghiêm túc.

Ngoài ra, cần quan tâm công tác đào tạo lại thông qua tổ chức các chương trình đào tạo thường xuyên. Tạo điều kiện để lao động tham gia bồi dưỡng và tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp. Qua đó, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực chất lượng cao tại cơ quan, doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ