Các giải pháp nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên

GD&TĐ - Thiếu kỹ năng là nguyên nhân chính dẫn đến việc sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc, dẫn đến tình trạng thất nghiệp.

Các giải pháp nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên

Đưa ra nhận định này, cô Phùng Thị Trung - khoa Sau ĐH, Trường ĐH Đại Nam - chia sẻ các tiêu chí hành động mà các cơ sở đào tạo ĐH theo định hướng thực hành cần có để việc đào tạo đáp ứng yêu cầu tuyển dụng đạt hiệu quả cao.

Chủ động tham gia vào mối liên kết “kiềng 3 chân”

Các cơ sở đào tạo ĐH cần xác định việc thiết lập, trao đổi, tìm hiểu nhu cầu đào tạo và các yêu cầu ngành nghề trên thực tế với các doanh nghiệp, tổ chức là đặc biệt cần thiết để đảm bảo sinh viên ra trường có kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu tuyển dụng.

Khi xác định được mục tiêu và tiêu thức để hành động thì lúc đó các hoạt động khác như chương trình đào tọa, phương thức đào tọa, phương pháp giảng dạy, nội dung giảng dạy… sẽ được định hướng theo năng lực người học nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.

Đào tạo kỹ năng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường

Các trường ĐH cần có trách nhiệm cung cấp cho sinh viên tốt nghiệp những chuẩn bị tốt nhất cho tương lai, cả trong phạm vi ngành đào tạo và các lĩnh vực khác. Đó chính là việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.

Cụ thể, các trường ĐH cần sẵn sàng và đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.

Các năng lực này phải đo được, thiết lập các tiêu chí đo năng lực của sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, có đánh giá và các biện pháp nâng cao kỹ năng cho sinh viên yếu kém.

Việc nâng cao kỹ năng cho sinh viên cần được thực hiện thành công và hiệu quả, có thể được xã hội nhận ra và thừa nhận.

Các chương trình nâng cao kỹ năng cho sinh viên không cần thiết kéo dài thời gian đào tạo.

Việc nâng cao kỹ năng nghệ nghiệp cần thích hợp với nuh cầu của các nhóm sinh viên khác nhau, nhóm mong muốn tiếp tục học cao hơn và nhóm mong muốn đi làm ngay sau khi ra trường.

Các chương trình nâng cao kỹ năng cho sinh viên cần dựa trên trải nghiệm thực tế.

Nâng cao khả năng thực hành cho sinh viên

Các cơ sở đào tạo cần trao đổi, liên lạc với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng với phương châm: “Tôi nghe tôi quên, tôi nhìn tôi nhớ, tôi làm tôi hiểu”; hay “trăm nghe không bằng mắt thấy”. Cần thực hiện việc mang các bài giảng từ trường học đến nơi làm việc thông qua các cuộc thực tế, thực hành, trao đổi với các doanh nghiệp, để sinh viên được học tập và giải quyết các tình huống thực tại doanh nghiệp, tổ chức.

Tại các nước phát triển, việc nhà trường và doanh nghiệp liên kết, hợp tác trao đổi các hoạt động chuyên ngành là rất phổ biến. Sinh viên được đi thực tế, tham gia các buổi tham quan, thậm chí được tham gia giải quyết các tình huống công việc, các dự án thực tế của doanh nghiệp.

Nhà trường cần kết hợp với doanh nghiệp trong công tác nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên thực hiện các dự án nghiên cứu.

Ngược lại, cũng cần mang nơi làm việc đến giảng đường thông qua các xưởng thực hành, xưởng mô phỏng, tùy ngành nghề mà sử dụng các mô hình mô phỏng khác nhau, tạo điều kiện cho sinh viên học tập và nghiên cứu các tình huống thực tế, tăng kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống thực tiễn.

Nâng cao năng lực giảng viên

Các cơ sở đào tạo cần xây dựng một bộ năng lực tối thiểu cần thiết cho giảng viên. Trên cơ sở này, các cơ sở đào tạo cần:

Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ của mình bằng cách kết hợp các loại hình đào tạo khác nhau để phát triển đội ngũ.

Cần có các thang đo/tiêu chuản về năng lực của giảng viên, kiểm tra đánh giá mức độ đạt đến đâu, năng lực của giảng viên không chỉ được đánh giá bởi sinh viên mà cần được đánh giá ở đầu ra sinh viên có đạt được các tiêu chuẩn đầu ra của nhà trường và đáp ứng được yêu cầu xã hội hay không?

Điều này, nhà trường cần có điều tra thấu đáo đầu ra, nắm được tỷ lệ có việc làm của sinh viên, sự hài lòng với công việc, sự thích nghi với công việc, làm đúng hay trái ngành, tỷ lệ thành đạt của sinh viên ra trường trong các giai đoạn khác nhau…

Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần được tham gia vào các khóa đào tạo nâng cao năng lực và được đánh giá xem có đạt các tiêu chuẩn về năng lực của nhà trường hay không…

Xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tế yêu cầu công việc

Một chương trình đào tạo chất lượng có vai trò quyết định cho chất lượng đầu ra. Bất kỳ một chương trình đào tạo nào cũng phải thực hiện đảm bảo mục tiêu đào tạo phù hợp với yêu cầu ngành nghề đào tạo, với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Dựa trên mục tiêu đào tạo và định hướng của mình, các cơ sở đào tạo ĐH, đặc biệt các cơ sở đào tạo theo định hướng thực hành cần xây dựng chương trình đào tạo dựa trên cơ sở tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để xác định yêu cầu của nhà tuyển dụng nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.

Định hướng tốt ngành nghề cho sinh viên

Người học cần được định hướng sớm về ngành nghề, không chỉ dựa trên các yếu tố bên ngoài như định hướng của gia đình, ngành nghề có nhiều lựa chọn khi xin việc… mà còn dựa vào năng lực của bản thân, những điểm mạnh, sở thích cá nhân…, để có thể phát huy trong quá trình học tập.

Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải có những chiến lược marketing định hướng cho người học, tư vấn ngay từ đầu khi người học lựa chọn ngành học.

Trong quá trình học, nhà trường cần giúp người học nhận rõ tiềm năng bản thân để chọn nghề phù hợp; làm thế nào để sinh viên không còn mơ hồ nghĩ “ngành học của mình sau này ra trường sẽ làm gì”, hay “công việc ấy đòi hỏi những kỹ năng cụ thể nào?”…

Kinh nghiệm thế giới, các trường ĐH tại các nước phát triển thường có phòng tư vấn cho sinh viên từ lúc nhập trường, sinh viên được cung cấp tất cả các thông tin cần thiết cho quá trình học tập, nghiên cứu, trong đó có định hướng nghề nghiệp cho người học khi ra trường.

Bài viết được biên tập từ tham luận của cô Phùng Thị Trung - khoa Sau ĐH, Trường ĐH Đại Nam trong kỷ yếu hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực người học tại các cơ sở đào tạo ĐH ngoài công lập”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.