Đang năm 3 đại học, nhưng Nguyên Vỵ vừa được tuyển chọn làm thực tập sinh tại một trong những công ty luật lớn nhất Việt Nam, điều mà bao sinh viên luật ao ước.
Theo thông lệ, công ty luật VILAF – Hồng Đức không tuyển sinh viên năm 3 mà chỉ năm cuối tuy nhiên Nguyên Vỵ đã thể hiện được khả năng của mình để các luật sư tin rằng tuy còn trẻ nhưng anh ấy vẫn xứng đáng với công ty của họ.
Cuối cùng Nguyên Vỵ đã trở thành 1 trong 2 sinh viên được chọn và hiện là người trẻ nhất làm việc cho VILAF – Hồng Đức.
Nguyên Vỵ trước Văn phòng công ty VILAF – Hồng Đức tại tòa nhà Kumho Asiana Plaza (Lê Duẩn, TP. HCM)
Song song đó, Nguyên Vỵ còn được các thầy cô tín nhiệm giao cho vai trò điều hành Văn phòng thực hành pháp luật của trường Đại học Luật TP. HCM chuyên tư vấn pháp luật miễn phí những vụ việc thật từ khách hàng và sẵn sàng đón chào bất kỳ ai có nhu cầu giải đáp các thắc mắc về pháp luật.
Đây là hai hoạt động mà Nguyên Vỵ vô cùng tự hào vì được nhiều thầy cô, bạn bè công nhận, ủng hộ nhất.
Chọn ngành luật sư cũng vì... mê truyện tranh
Ngay từ khi còn học cấp 2, qua báo chí, phim ảnh, truyện kể, Vỵ luôn được ba mẹ khuyên nhủ và tạo điều kiện để Nguyên Vỵ tiếp xúc với những con người tốt, mẫu mực luôn đấu tranh mang lại công lý cho xã hội (một trong số đó chắc các bạn đều biết là Sherlock Holmes hay Thám tử lừng danh Connan).
Theo thời gian, những động lực đó dần củng cố hoài bão của Nguyên Vỵ trở thành một luật sư trong tương lai.
Đến những năm cấp ba, anh ấy đã bắt đầu tìm hiểu kỹ về những kiến thức, kỹ năng, phẩm chất cần có ở một người luật sư để rèn luyện, phấn đấu. Nguyện Vỵ chia sẻ: Theo mình, năng khiếu không phải là một đặc tính bẩm sinh mà nó là kết quả của một quá trình rèn luyện, phấn đấu lâu dài khi người ta có đam mê và biết đặt ra cho mình những mục tiêu, lý tưởng cao đẹp.
Như nhà khoa học vĩ đại Edison từng phát biểu: “Thiên tài là 99% mồ hôi và 1% cảm xúc” – nghĩa là thiên tài hoàn toàn được định hình nhờ sự nỗ lực (99% mồ hôi) khi học có đam mê và sẵn sàng theo đuổi nó (1% cảm xúc)”.
Vận dụng "bảo bối" 9% và 1% để chiến thắng bản thân
Nguyên tắc “99% và 1%” nói trên là kim chỉ nam cho sự nghiệp của chàng sinh viên năm 3 trường Đại học Luật TP. HCM.
Nguyên Vỵ thú thật tuy anh ấy không có nhiều kỹ năng và kiến thức về chuyên môn lẫn xã hội tốt như một số bạn khác trong những ngày đầu ở giảng đường đại học, nhưng anh ấy hoàn toàn có thể thay đổi vì sự nghiệp mình đam mê.
Nguyên Vỵ đã từng gặp khó khăn trong việc làm sao vượt qua cơn buồn ngủ với muôn vàn chữ trong các văn bản luật và giáo trình luật.
Anh ấy cũng từng cảm thấy ngượng ngùng khi phải phát biểu trước rất nhiều người, hay thậm chí lúng túng khi trình bày một vấn đề pháp lý nào đó sao cho rõ ràng, dễ hiểu, chậm rãi cũng như làm sao có đủ khả năng ngoại ngữ để nghiên cứu rất nhiều tài liệu luật.
Với đam mê nghề nghiệp Nguyên Vỵ đã cố gắng vượt qua những khó khăn trên. Không chỉ tìm hiểu sâu kiến thức, anh ấy còn tham gia nhiều cuộc thi, hội thảo đòi hỏi kỹ năng thuyết trình, trình bày, biên tập với mục tiêu làm sao cho đề tài của mình càng lúc càng lôi cuốn, dễ hiểu.
Bên cạnh đó, Nguyên Vỵ tự học ngoại ngữ (Anh, Pháp) hằng ngày bằng cách thường xuyên tự đọc, viết, nghe, nói từ các tài liệu Anh văn pháp lý trên mạng, thư viện trường.
Song song với rèn luyện kỹ năng chuyên môn, Vỵ cũng cố gắng chủ động chia sẻ, trao đổi với thầy cô, bạn bè, thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện, các lớp học kỹ năng để tạo mối quan hệ tốt với mọi người, biết cách cân bằng thời gian giữa việc học và hoạt động ngoại khoá.
“Nhìn chung, khi vào môi trường đại học, với áp lực khá lớn, để đảm bảo đủ kiến thức, kỹ năng, tham gia hoạt động ngoại khoá, tạo dựng mối quan hệ xã hội thì mỗi bạn sẽ gặp phải những trở ngại và khó khăn riêng.
Tuy nhiên, mình tin chắc rằng một khi các bạn đã xác định được đam mê cho bản thân và biết cách tiếp thu, học tập kinh nghiệm từ bạn bè, thầy cô thì các bạn sẽ dễ dàng vượt qua mọi trở ngại, khó khăn.” Nguyên Vỵ tâm sự.
Trải nghiệm nghề luật sư: Thử như thật
Để trau dồi kỹ năng liên quan đến nghề luật, Nguyên Vỵ đã tham gia rất nhiều hoạt động như giảng dạy, tư vấn pháp luật cho các đối tượng khác nhau trong xã hội như người lao động nghèo, người chấp hành án phạt tù, người khuyết tật, người sống chung với HIV…
Đây là những hoạt động vừa mang tính tình nguyện xã hội vừa mang tính rèn luyện chuyên môn mà Nguyên Vỵ đã rất thích và theo đuổi từ khi còn là sinh viên năm nhất đến nay.
Bên cạnh đó, Nguyên Vỵ chủ động tham gia nhiều cuộc thi học thuật để củng cố, trau dồi kiến thức, kỹ năng mà nổi bật nhất là các cuộc thi phiên toà giả định quốc tế và thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.
Cuộc thi phiên toà giả định quốc là một hoạt động rất tiêu biểu cho sinh viên luật trên thế giới mà từ những ngày đầu bước vào giảng đường, Nguyên Vỵ đã rất thích và chủ động tìm hiểu tham gia.
Đây là hoạt động đòi hỏi các sinh viên tham gia phải lĩnh hội toàn diện các kỹ năng cần thiết như một luật sư thực thụ như kỹ năng nghiên cứu và phân tích luật, kỹ năng viết bài biện hộ, kỹ năng tranh tụng, vv…
Vì thế, một khi sinh viên luật đã tham gia và đạt kết quả tốt trong cuộc thi phiên toà giả định thì gần như họ đã đảm bảo đầy đủ các yêu cầu cần thiết của một luật sư giỏi.
Cho đến nay, anh ấy đã tham gia hai cuộc thi thì phiên toà giả định quốc tế, trong đó đoạt giải “Nghị lực” (Spirit) đồng đội cuộc thi phiên tòa giả định về thương mại, dân sự cấp thế giới tổ chức tại đảo Bali, Indonesia năm 2012; và hạng nhì đồng đội cuộc thi phiên toà giả định về Luật nhân đạo quốc tế diễn ra năm 2013 tại Hà Nội.
Nguyên Vỵ dự định sau khi tốt nghiệp sẽ kiếm cơ hội để du học thạc sĩ ngành luật ở nước ngoài, sau đó sẽ về nước tiếp tục làm việc tại một công ty luật tốt, chuyên nghiệp và học lấy chứng chỉ hành nghề luật sư, để chính thức hiện thực hoá hoài bão của mình.