Họ để những cuốn sách ấy lên các nan hoa của một guồng quay và dùng tay xoay nó đến các vị trí mong muốn. Công cụ này được gọi là bánh xe sách, lấy ý tưởng từ những minh họa về một cỗ máy trang nhã, vừa như một thú chơi vừa phục vụ người bị bệnh khỏi phải đi lại.
Tác giả của những minh họa đó là nhà phát minh, kỹ sư quân sự người Ý Agostino Ramelli.
Năm 1588, Agostino Ramelli đã cho ra một cuốn sách, tên là những cỗ máy tài tình của Đại úy Agostino Ramelli. Trong sách chứa 195 bản vẽ rất chi tiết về hàng chục cỗ máy, mà nếu được sản xuất sẽ rất thiết thực, hữu ích, gồm máy xay lúa, máy bơm nước, cần cẩu hàng…
Và đặc biệt, có một thiết kế về một guồng quay không phải để múc nước mà để đưa sách đi vòng tròn từ dưới lên trên hoặc ngược lại nhờ bánh răng. Tuy ông chưa thật sự làm được nó, song các nhà sáng chế về sau đã áp dụng các bản vẽ này để tạo nên nhiều bánh xe sách hay các khay sách, tủ sách hình tròn xoay vòng.
Từ thế kỷ 16 - 18, có rất nhiều nước đã làm bánh xe sách, vì giảm thiểu được sự đi lại, mang vác. Mọi sự bắt đầu từ năm 1440, khi máy in được sáng chế, có thể in ra hàng chục, hàng nghìn cuốn sách trong thời gian ngắn.
Thế là mọi người, ai cũng thích đọc sách, nhất là giới tăng lữ và quý tộc hay phải chép sách để đọc và gìn giữ chúng. Nhờ đó, họ chỉ cần mua về để đọc. Những người sở hữu giá sách cao đến trần nhà, mỗi lúc xem sách khá bối rối vì không biết nó ở chỗ nào và đặt ở đâu để đọc.
Do tham vọng chứa được nhiều kiến thức, từ thời Trung Cổ tới Phục Hưng, người ta thường làm ra những cuốn sách cực lớn và nặng, chỉ cần bê ra bàn thôi cũng là một vấn đề.
Đó là lý do để nhà phát minh người Ý nghĩ ra một guồng nước song không chở nước mà chở sách. Ông thiết kế nó với nhiều bánh răng như thể một đồng hồ thiên văn học, với mỗi bánh răng tương ứng một khay sách, và người ngồi có thể dùng tay hoặc chân để xoay bánh xe, đến cuốn nào cần đọc thì dừng lại.
Bánh xe sách này có thể được ví như một trang Internet cổ đại. Vì thế, vào thế kỷ 17 - 18, nó được sản xuất hàng loạt. Nhưng do bánh xe sách chủ yếu được làm bằng gỗ và trải qua thời gian đến giờ chỉ còn 14 cái ở Italy, Đức, Pháp, Bỉ, Séc, Ba Lan, Hà Lan... và được trưng bày tại các thư viện đại học.
Dựa theo mẫu này, nhiều nhà thiết kế hiện đại cũng đã làm được không ít bánh xe để đồ, sách vở, tranh tượng trong nhà và trang trí tại các quầy hàng.
Năm 2018, vì yêu mến những cỗ máy tri thức, một nhóm sinh viên, dẫn đầu là Ian Kurtz và Reese Salen của viện công nghệ Rochester (Mỹ) đã đóng lại một bánh xe sách theo đúng cách ngày xưa bằng gỗ.
Bánh xe sách này khi sử dụng có sự trợ giúp của máy tính, nặng tới 300 kg, chứa được 8 cuốn sách, tương ứng 8 khay.