Tránh để xáo trộn
Trong văn bản gửi Thủ tướng hôm 15/5, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị khôi phục nhiệm vụ đào tạo trình độ cao đẳng chuyên nghiệp ở các trường đại học và cho phép trường cao đẳng được tự đăng ký lựa chọn mô hình dạy nghề hoặc chuyên nghiệp.
Theo đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa - Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội, hiện các trường cao đẳng gặp khó khăn trong tuyển sinh, bởi đang nằm ngoài hệ thống phổ thông và giáo dục đại học.
Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT chỉ hỗ trợ các trường đại học, còn các trường cao đẳng không trực thuộc quản lý (trừ các trường cao đẳng sư phạm) nên không được hỗ trợ, dẫn đến tình trạng thí sinh có ít thông tin, khó tuyển sinh.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa. |
Hiện chưa có đánh giá tổng thể từ Chính phủ về việc đưa hệ thống các trường cao đẳng trực thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý đạt kết quả như thế nào, hạn chế ra sao.
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cần đưa ra số liệu khảo sát cụ thể, minh chứng cho đề xuất thêm thuyết phục. Chính phủ sẽ căn cứ vào đó để xem xét. Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, cần giữ ổn định hệ thống giáo dục nghề nghiệp và quản lý, tránh để người học xáo trộn.
Nên giữ mô hình như hiện tại
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Dương) – cho biết, thời điểm Luật Giáo dục nghề nghiệp chưa được ban hành, khi ấy tồn tại song song hệ thống trường cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề.
Theo đó, các trường cao đẳng chuyên nghiệp do Bộ GD&ĐT quản lý và các trường cao đẳng nghề do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm chủ quản. Khi Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 có hiệu lực, 2 hệ thống cao đẳng này được quy về một mối trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (trừ các trường cao đẳng sư phạm do Bộ GD&ĐT quản lý).
Hiện nay, các trường đại học chỉ đào tạo đại học, thạc sĩ và tiến sĩ; đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, nếu theo đề xuất của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thì phải sửa đổi một số luật liên quan đến vấn đề này.
Trong khi đó một số luật ban hành chưa lâu như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nên việc sửa đổi ở thời điểm này chưa khả thi. Do đó, cần rà soát lại vì sao Hiệp hội lại có đề xuất như trên.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích, sửa đổi luật là một quá trình không thể “một sớm, một chiều”. Từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ban hành đến nay chưa xuất hiện những khó khăn đáng kể. Ngay cả việc các trường đại học gặp khó khăn khi không được đào tạo cao đẳng. Do đó, việc xem xét, sửa đổi luật ở thời điểm này chưa phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. |
“Theo tôi, cần nhìn nhận khách quan, toàn diện để có giải pháp tháo gỡ phù hợp” – đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói, đồng thời nêu quan điểm, nên giữ mô hình như hiện tại. Tuy nhiên, cần nhận diện khó khăn, điểm nghẽn để có giải pháp tháo gỡ.
Nữ đại biểu đồng tình với một số quan điểm của các chuyên gia, nhà khoa học là cần có sự phối hợp tốt giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Nên chăng đưa bộ phận quản lý giáo dục nghề nghiệp về Bộ GD&ĐT. Như vậy hợp lý hơn quay lại hệ thống các trường đại học được đào tạo cao đẳng.
Theo đại biểu đoàn Hải Dương, đào tạo liên thông nên được duy trì nhằm đáp ứng ngày càng đa dạng nhu cầu của người học. Tuy nhiên, nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học không có nghĩa phải đẩy mạnh đào tạo liên thông.
Do đó, cần sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong phân luồng, hướng nghiệp chứ không phải quay lại cái cũ là khôi phục nhiệm vụ đào tạo trình độ cao đẳng cho các cơ sở giáo dục đại học. Bởi những khó khăn, bất cập trước đây từ mô hình này đã được tháo gỡ, bây giờ không nên quay lại.
Mới đây, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét khôi phục nhiệm vụ đào tạo trình độ cao đẳng chuyên nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học. Đề xuất này nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học.
Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 đã bãi bỏ trình độ cao đẳng khỏi bậc đại học. Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo xây dựng dự án sửa đổi Luật Giáo dục đại học, trình Quốc hội đưa vào chương trình sửa luật sớm nhất có thể.
Trong khi chờ sửa đổi Luật Giáo dục đại học, Hiệp hội đề xuất, xem xét, cho phép khôi phục lại nhiệm vụ đào tạo trình độ cao đẳng chuyên nghiệp ở các cơ sở giáo dục đại học.
Đồng thời, xem xét, cho phép các cơ sở cao đẳng chuyên nghiệp (những đơn vị trước đây vận hành theo chỉ đạo, quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT) được tự đăng ký, lựa chọn hướng đi theo mô hình dạy nghề hoặc trở lại mô hình cao đẳng chuyên nghiệp. Mặt khác, Chính phủ chỉ đạo đánh giá tác động của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục làm căn cứ khắc phục những hạn chế của các luật có liên quan.