Cần cân nhắc kỹ càng khôi phục đào tạo CĐ trong các cơ sở GD ĐH

GD&TĐ - Đề xuất  khôi phục nhiệm vụ đào tạo tình độ cao đẳng chuyên nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học nhận được sự quan tâm...

Sinh viên Trường cao đẳng cơ điện Hà Nội. Ảnh: Xuân Trường
Sinh viên Trường cao đẳng cơ điện Hà Nội. Ảnh: Xuân Trường

Mới đây, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét khôi phục nhiệm vụ đào tạo trình độ cao đẳng chuyên nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học. Đề xuất này nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học.

Nên hay không?

Trao đổi về đề xuất trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 đã bãi bỏ trình độ cao đẳng khỏi bậc đại học.

Việc này khiến nhiều hội viên của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và không ít người quan tâm đến giáo dục đại học không thông suốt và đồng tình. Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo xây dựng dự án sửa đổi Luật Giáo dục đại học, trình Quốc hội đưa vào chương trình sửa luật sớm nhất có thể.

Trong khi chờ sửa đổi Luật Giáo dục đại học, Hiệp hội đề xuất, xem xét, cho phép khôi phục lại nhiệm vụ đào tạo trình độ cao đẳng chuyên nghiệp ở các cơ sở giáo dục đại học.

Đồng thời, xem xét, cho phép các cơ sở cao đẳng chuyên nghiệp (những đơn vị trước đây vận hành theo chỉ đạo, quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT) được tự đăng ký, lựa chọn hướng đi theo mô hình dạy nghề hoặc trở lại mô hình cao đẳng chuyên nghiệp. Mặt khác, Chính phủ chỉ đạo đánh giá tác động của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục làm căn cứ khắc phục những hạn chế của các luật có liên quan.

Nhắc lại thời điểm Luật Giáo dục nghề nghiệp chưa được ban hành, bà Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Dương) viện dẫn, khi ấy tồn tại song song hệ thống trường cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề. Theo đó, các trường cao đẳng chuyên nghiệp do Bộ GD&ĐT quản lý và các trường cao đẳng nghề do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm chủ quản. Khi Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 có hiệu lực, 2 hệ thống cao đẳng này được quy về một mối trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (trừ các trường cao đẳng sư phạm do Bộ GD&ĐT quản lý).

Nhấn mạnh, hiện nay, các trường đại học chỉ đào tạo đại học, thạc sĩ và tiến sĩ; đại biểu Quốc hội đoàn Hải Dương nhìn nhận, nếu theo đề xuất của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thì phải sửa đổi một số luật liên quan đến vấn đề này. Trong khi đó một số luật ban hành chưa lâu như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nên việc sửa đổi ở thời điểm này chưa khả thi. Do đó, cần rà soát lại vì sao Hiệp hội lại có đề xuất như trên.

Giờ thực hành trên máy của Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Ảnh: NTCC

Giờ thực hành trên máy của Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Ảnh: NTCC

Xem xét tính phù hợp

Bà Nguyễn Thị Việt Nga phân tích, sửa đổi luật là một quá trình không thể “một sớm, một chiều”. Từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ban hành đến nay chưa xuất hiện những khó khăn đáng kể. Ngay cả việc các trường đại học gặp khó khăn khi không được đào tạo cao đẳng. Do đó, việc xem xét, sửa đổi luật ở thời điểm này chưa phù hợp.

“Theo tôi, cần nhìn nhận khách quan, toàn diện để có giải pháp tháo gỡ phù hợp” - bà Nguyễn Thị Việt Nga nói, đồng thời nêu quan điểm, nên giữ mô hình như hiện tại. Tuy nhiên, cần nhận diện khó khăn, điểm nghẽn để có giải pháp tháo gỡ.

“Tôi đồng tình với một số quan điểm của các chuyên gia, nhà khoa học là cần có sự phối hợp tốt giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Nên chăng đưa bộ phận quản lý giáo dục nghề nghiệp về Bộ GD&ĐT. Như vậy hợp lý hơn quay lại hệ thống các trường đại học được đào tạo cao đẳng” - bà Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Đồng quan điểm, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông (Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc cho các trường cao đẳng lựa chọn mô hình cao đẳng nghề hay chuyên nghiệp là quay lại sự bất cập cũ, vô hình trung làm người học rối hơn.

Tuy nhiên, khi đào tạo liên thông các trường gặp một số khó khăn nhất định, nhất là chương trình đào tạo của các trường cao đẳng có sự khác nhau và khác biệt với trường đại học. Với người học tốt nghiệp THCS, phân luồng đi học nghề, chưa có bằng tốt nghiệp THPT sẽ không thể học tiếp lên đại học vì quy định của đại học là thí sinh phải tốt nghiệp THPT.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, đào tạo liên thông nên được duy trì nhằm đáp ứng ngày càng đa dạng nhu cầu của người học. Tuy nhiên, nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học không có nghĩa phải đẩy mạnh đào tạo liên thông. Do đó, cần sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong phân luồng, hướng nghiệp chứ không phải quay lại cái cũ là khôi phục nhiệm vụ đào tạo trình độ cao đẳng cho các cơ sở giáo dục đại học. Bởi những khó khăn, bất cập trước đây từ mô hình này đã được tháo gỡ, bây giờ không nên quay lại.

Cho rằng, nên có một bộ duy nhất chịu trách nhiệm về đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) đề nghị, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nên được chuyển về Bộ GD&ĐT để quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Việc thống nhất về một đầu mối quản lý sẽ có lợi, giúp việc phân vai, phân nhiệm rõ ràng; đồng thời thống nhất được các chương trình quy hoạch. Ngoài ra, việc liên thông sẽ dễ dàng hơn, nguồn lực không bị phân tán.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.