Ban hành luật Giáo dục đại học là một yêu cầu cấp thiết

Ban hành luật Giáo dục đại học là một yêu cầu cấp thiết

(GD&TĐ) - Giáo dục đại học (GDĐH) là một bộ phận quan trọng trong nền giáo dục của mọi quốc gia, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển đất nước. Những năm gần đây, GDĐH có sự phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu ngày càng cao của phát triển kinh tế - xã hội, GDĐH nước ta cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập như chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu xã hội; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng số lượng, quy mô với nâng cao chất lượng; một số trường điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo, làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo; cơ chế quản lý GDĐH chưa theo kịp sự đổi mới trên các lĩnh vực của đất nước... Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến GDĐH chưa hoàn chỉnh. Luật Giáo dục tuy có một số điều khoản về GDĐH nhưng chủ yếu vẫn là những quy định chung, mang tính nguyên tắc; GDĐH được điều chỉnh chủ yếu bằng các văn bản dưới luật. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng ta đã đề ra những định hướng lớn để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, là một đột phá chiến lược có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững. Vì vậy, chúng tôi cho rằng Quốc hội cần thông qua và sớm ban hành Luật Giáo dục đại học để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới và phát triển GDĐH; tạo hành lang pháp lý thuận lợi và thống nhất để điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến GDĐH.

(Ảnh MH: Internet)
(Ảnh MH: Internet)

Sau khi nhận được các Dự thảo của Luật Giáo dục đại học, Trường Đại học Vinh đã tổ chức nhiều hội nghị góp ý cho dự thảo Luật. Đa số cán bộ, giảng viên Trường chúng tôi đều cho rằng việc xây dựng Dự thảo Luật GDĐH đã bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, phù hợp với Hiến pháp; nội dung không mâu thuẫn với hệ thống pháp luật hiện hành; hầu hết các vấn đề lớn của GDĐH đã được đề cập trong Dự thảo Luật; một số quy định trong các văn bản dưới luật về tổ chức, tài chính, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế… được thực tiễn kiểm nghiệm và có tính ổn định đã được pháp điển hóa. Sau các lần góp ý, chúng tôi nhận thấy Dự thảo Luật Giáo dục đại học đã được ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý và Dự thảo trình kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa XIII có nhiều sửa đổi, bổ sung rất quan trọng như về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDĐH và hội đồng trường; về mô hình tổ chức và phân tầng các cơ sở GDĐH; về đại học quốc gia và hội đồng đại học quốc gia; về xã hội hóa và công bằng xã hội trong GDĐH... Nhìn chung, Luật Giáo dục đại học đã quy định khá cụ thể về tổ chức và hoạt động của GDĐH; cụ thể hóa các quy định còn mang tính khái quát trong Luật Giáo dục về GDĐH; hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong GDĐH bảo đảm công bằng xã hội trong GDĐH; đổi mới công tác quản lý giáo dục, tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GDĐH.

Hiện nay, có không ít ý kiến cho rằng kỳ họp lần này Quốc hội tạm thời chưa thông qua Luật Giáo dục Đại học vì Dự thảo Luật vẫn chưa thể chế hóa rõ ràng một số chủ trương, chính sách lớn, chưa giải quyết thấu đáo, triệt để một số vấn đề quan trọng như vấn đề lợi nhuận, phi lợi nhuận của các cơ sở GDĐH tư thục; chưa xử lý tốt mối quan hệ giữa Luật Giáo dục hiện hành (luật chung) và Luật Giáo dục đại học (luật chuyên ngành); một số điều khoản trong Luật chưa cụ thể sẽ gây khó khăn và chậm trễ cho việc triển khai thi hành Luật trong thực tiễn... đây cũng là những băn khoăn có cơ sở. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng Dự thảo Luật Giáo dục đại học được xây dựng dựa trên quan điểm thực tiễn, quan điểm toàn diện và quan điểm phát triển; đã tham khảo pháp luật về GDĐH của nhiều nước tiên tiến trên thế giới; đồng thời tổ chức lấy ý kiến rộng rãi và thu được nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm của các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý... trong nước và các nhà khoa học, các giáo sư là Việt kiều đang sống và làm việc ở các nước phát triển. Những điều khoản được đưa vào dự thảo Luật đã được nghiên cứu kỹ và một phần được kiểm nghiệm trong thực tiễn. Mặt khác, đã là Luật thì không nên quá cụ thể và chi tiết, những vấn đề còn gây băn khoăn sẽ được điều chỉnh bằng những văn bản dưới luật như nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ GD&ĐT để hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Quốc hội sớm thông qua Luật Giáo dục đại học để tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết có hiệu quả những vấn đề cấp bách của GDĐH Việt Nam hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.  

 PGS.TS Đinh Xuân Khoa 

                                                              (Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh)

a

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ