Bàn giao thế hệ

GD&TĐ - Trong 2 ngày 24 - 25/11, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 10. Có trên 500 đại biểu trong tổng số trên 1.000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam về dự đại hội.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa 9 đọc báo cáo tổng kết đánh giá tình hình sáng tác cũng như công tác quản lý của hội trong nhiệm kỳ qua, đồng thời nêu phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, 2020 - 2025. 

Có lẽ điều quan tâm nhất đối với những nhà văn tham gia đại hội lẫn những nhà văn không có điều kiện đến dự đại hội và công chúng yêu văn học nước nhà là đại hội sẽ bầu những nhà văn nào tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa 10 và Ban lãnh đạo nhiệm kỳ này sẽ là những nhà văn nào?

Liệu những đại biểu ưu tú của nền văn học nước nhà có bầu được người đại diện xứng đáng để lãnh đạo Hội Nhà văn sắp tới đây không? Liệu có xảy ra tình trạng “mỗi nhà văn là một úng cử viên cho chức chủ tịch hội” như một số lần đại hội trước đây không? Liệu những nhà văn là lãnh đạo hội trong nhiều nhiệm kỳ qua, hiện đã cao tuổi, có tái cử lần này không?...

Tất cả những mối quan tâm đó đã được đại hội “giải đáp” một cách gọn nhẹ và êm thắm nhất khi các đại biểu chỉ bầu một lần là tìm ra một Ban chấp hành với 11 thành viên, đủ năng lực và phẩm chất, đại diện cho các vùng miền trong cả nước sẽ nhận lãnh gánh vác nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.

Những thành viên này cũng đã tìm ra vị tân Chủ tịch và hai Phó Chủ tịch Hội Nhà văn khóa 10 qua một lần bầu cử dân chủ và công tâm mà không phải mất quá nhiều thời gian cho việc chọn lựa như những khóa trước. 

Có lẽ đây được xem là cuộc “bàn giao thế hệ” được những công chúng quan tâm đến văn học nước nhà kỳ vọng nhất. Một thế hệ trẻ trung, năng động có đủ phẩm chức đạo đức và tài năng, được khẳng định bằng tác phẩm của mình trên văn đàn lâu nay đã thay thế cho một thế hệ đã hoàn thành nhiệm vụ của mình đối với nền văn học nước nhà trong nhiều thập kỷ qua.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch cùng hai Phó Chủ tịch - nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Bình Phương là những nhà văn đã quá quen thuộc với bạn đọc cả nước trong nhiều thập niên qua.

Thực ra các nhà văn này cũng đã từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch hoặc ủy viên Ban chấp hành nhiệm kỳ qua, song với cương vị mới này, cách lãnh đạo, điều hành ở một hội nghề nghiệp có tính đặc thù như Hội Nhà văn, cũng sẽ có nhiều thay đổi so với trước đây.

Chưa lúc nào, các nhà văn Việt Nam đứng trước những thử thách như hiện nay, cả ở việc tìm tòi các nhân vật “điển hình” trong giai đoạn mới lẫn những thử thách về chủ quyền quốc gia dân tộc. Những quan niệm về văn chương, cách cảm, cách nghĩ cả trong nội dung lẫn hình thức biểu đạt cũng không còn theo lối mòn xưa cũ nữa.

Tuy nhiên, dù là viết dưới hình thức gì, ở lĩnh vực nào, không gian, thời gian ra sao thì nhân dân và Tổ quốc vẫn là “đối tượng” muôn đời mà mỗi nhà văn đều phải đặt lên trên hết.

Một thế hệ lãnh đạo mới ở Hội Nhà văn không có nghĩa là nền văn học cũng sẽ “mới” theo. Tuy nhiên, một thế hệ lãnh đạo mới của hội biết năng động sẽ làm nhiệm vụ “kích hoạt” những tiềm năng còn ẩn kín trong mỗi nhà văn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.