Lý luận phê bình nghiên cứu được mùa
Năm nay, Hội Nhà văn VN nhận được 188 tác phẩm tham dự của 162 tác giả, trong đó có 54 tác phẩm văn xuôi, 84 tác phẩm thơ, 28 lý luận phê bình và 22 tác phẩm dịch thuật. Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, số lượng tác phẩm khá dồi dào, đa dạng về bút pháp, phong phú về nội dung.
Ngày 7/1, sau khi xem xét các tác phẩm, tác giả được các hội đồng chuyên môn đề cử cho Giải thưởng Hội Nhà văn (HNV) Việt Nam năm 2019, Ban Chấp hành HNV Việt Nam đã bỏ phiếu trao giải cho 8 tác phẩm - tác giả.
Đó là tập truyện ngắn Quán thủy thần của tác giả Nguyễn Hải Yến. Tập ký sự Trụ lại của Hồ Duy Lệ. Tập thơ Bay trong mơ của Trần Quang Đạo. Tập thơ Nguồn của Trần Quang Quý. Tập lý luận phê bình Nhận diện và lý giải các hiện tượng văn học của Phan Trọng Thưởng. Tập lý luận phê bình Những sinh thể văn chương Việt của Lý Hoài Thu. Tập lý luận phê bình Tư tưởng và phong cách nhà văn những vấn đề lý luận và thực tiễn của Trần Đăng Suyền. Tập thơ Kiếm Hồ hoài cổ (tập 2 - thơ chữ Hán danh nho Việt Nam) do Nguyễn Hữu Thăng dịch.
Mảng văn xuôi năm nay có hai tác phẩm đoạt giải. “Quán Thủy thần” là tập truyện ngắn của Nguyễn Hải Yến, một cô giáo dạy Văn ở Gia Lộc – Hải Dương ít nhiều còn là cái tên mới mẻ với bạn đọc. Song tác giả lại là một phát hiện mới của HNV năm nay.
Theo đánh giá của nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch HNV Việt Nam, ngòi bút của Nguyễn Hải Yến khá tinh tế, sắc sảo và linh hoạt. Tác giả có cái nhìn khá mới mẻ vè đời sống của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều vấn đề nhạy cảm, rất khó nhưng tác giả viết rất nhuần nhuyễn, khá sâu sắc. Cuốn sách đã được bạn đọc trong cả nước hồ hởi chào đón và nhiều đồng nghiệp đánh giá cao như Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Thế Quang, Nguyễn Thị Minh Thái, Nguyễn Việt Nga…
Theo đánh giá của Hội đồng Thơ, tập thơ “Bay trong mơ” của tác giả Trần Quang Đạo rất giàu hình ảnh, đậm chất suy tưởng và không bị ràng buộc bởi vần điệu. Bay trong mơ nhưng khát vọng của nhà thơ không nhẹ nhàng, không chỉ có màu hồng…
Tập thơ “Nguồn” của nhà thơ Trần Quang Quý không chỉ nói về nguồn cội và dòng chảy của văn hóa sông Đà – núi Tản huyền ảo, uy linh, là nơi chốn trở về trong tâm thức mà còn nói về đất đai, văn hóa, con người, tình yêu, cuộc sống mà tác giả trải nghiệm, gắn bó…
Mảng văn học dịch ghi dấu ấn bằng tập thơ “Kiếm hồ hoài cổ” tập 2, bản dịch của dịch giả Nguyễn Hữu Thắng. Tác phẩm tập hợp khoảng 200 bài thơ quý của các vị vua, các nhà khoa bảng từ nhà Trần đến cuối nhà Nguyễn, phần lớn mới được khám phá trong kho thư tịch ở nhiều nơi, được dịch đầy đủ thành thơ.
Lý luận phê bình nghiên cứu văn học năm nay khá được mùa với 3 tác phẩm. Hội nhà văn đã dành một giải đặc biệt trao cho cuốn ký sự lịch sử “Trụ lại” dày hơn 700 trang của nhà văn Hồ Duy Lệ với nhiều tư liệu quý để lại cho hậu thế về những con người và vùng đất cách mạng kiên cường, cụ thể là Quảng Nam - Đà Nẵng...
800 đơn xin, chỉ duyệt 59
Phó Chủ tịch HNV Việt Nam Trần Đăng Khoa cho biết, hiện số lượng hội viên của HNV Việt Nam là 1251, năm qua đã mất 28 hội viên. Việc kết nạp hội viên luôn là vấn đề lớn, nhạy cảm của Hội. Nó đòi hỏi sự thận trọng, kỹ lưỡng và công tâm.
Hiện con số xin vào Hội lên đến 800 tác giả. Hội đồng chuyên môn và Ban chấp hành đã tham khảo ý kiến của các Liên chi hội và chi hội nhà văn cơ sở. Ban chấp hành cũng lắng nghe ý kiến trình bày của các chủ tịch hội đồng, phó chủ tịch hội đồng về từng trường hợp cụ thể rồi bỏ phiếu kín. Tuy đặc biệt ưu tiên các tác giả trẻ, nhưng cũng không quên những người tuổi cao mà khả năng sáng tạo vẫn dồi dào cũng như chú ý đến yếu tố địa phương và thành phần dân tộc.
Mùa kết nạp năm nay Hội đồng Thơ giới thiệu 42 người, trong đó có 24 người bảo lưu. Hội đồng văn xuôi giới thiệu 21 người, trong đó có có 9 ngươi bảo lưu. Hội đồng Dịch thuật giới thiệu 7 người, 4 người bảo lưu. Hội đồng lý luận giới thiệu 6 người, không có bảo lưu. Ban nhà văn Trẻ giới thiệu 5 người. Ban Thiếu nhi giới thiệu 4, bảo lưu 1.
Từ kết quả bỏ phiếu kín, Ban chấp hành Hội đã bầu chọn được 50 tác giả để kết nạp. Trong đó: Thơ 27, Văn 20, Dịch 5, Lý luận phê bình 4, Văn học Thiếu nhi 3.