Quảng Nam: Học sinh vùng cao “khát” nước sạch

GD&TĐ - Học sinh vùng đồng bào dân tộc ở huyện Nam Trà My thiếu thốn nhiều thứ, từ quần áo, sách vở, giấy bút, giầy dép… Đặc biệt, hầu hết các điểm trường ở thôn, nóc của nhiều xã vùng cao huyện Nam Trà My rất thiếu nước sạch để các em sử dụng.

Quảng Nam: Học sinh vùng cao “khát” nước sạch

Tại trường mẫu giáo Trà Linh (xã Trà Linh), điểm trường ngay trung tâm xã, các cháu mới may mắn được uống nước đun sôi để nguội, còn ở các điểm trường xa trung tâm xã thì các em không thể sử dụng nước sạch.

Quảng Nam: Học sinh vùng cao “khát” nước sạch ảnh 1
Quảng Nam: Học sinh vùng cao “khát” nước sạch ảnh 2
Các em học sinh miền núi Quảng Nam thường xuyên sử dụng nước lạnh dẫn từ suối về
Các em học sinh miền núi Quảng Nam thường xuyên sử dụng nước lạnh dẫn từ suối về

Một cô giáo ở điểm trường thôn 3, xã Trà Linh cho hay, ở điểm trường này các cháu dùng nước tự chảy từ suối, không có bể và thùng chứa. Các cháu học sinh ở đây toàn uống nước lạnh, không qua đun nấu.

Cô Trương Thị Hiền, phụ trách điểm trường Lấp Loa, xã Trà Tập cho hay, tại điểm trường này có 46 em học sinh, trong đó Tiểu học có 29 em, mầm non có 17 em. Hàng ngày, các em học sinh và giáo viên đều đi ra nhà dân xin nước uống vì không có ống (dây nước) dẫn về và cũng không có dụng cụ để chứa.

Điểm trường Lăng Lương, thôn 2, xã Trà Tập, Nam Trà My lưng chừng núi và không có nước sạch
Điểm trường Lăng Lương, thôn 2, xã Trà Tập, Nam Trà My lưng chừng núi và không có nước sạch

Theo cô Hiền, việc ăn học của các em bị ảnh hưởng rất nhiều vì thiếu nước. Điểm trường này cũng dạy bán trú cho các em nên việc nấu ăn, sinh hoạt cả cô và trò đều khổ vì không có nước sạch. Điểm trường này gần nhà dân nên hàng ngày các cô phải mang bình ra xin nước về sử dụng.

Dây dẫn nước từ suối về nhà của đồng bào vùng cao Nam Trà My
Dây dẫn nước từ suối về nhà của đồng bào vùng cao Nam Trà My

Trao đổi với PV Dân trí, hầu hết các cô ở các điểm trường đều cho hay, ở vùng cao Nam Trà My này nước sinh hoạt rất thiếu. Mùa nắng thì nước thiếu, còn mùa mưa thì nước đục, không sử dụng được. Điều mong mỏi nhất của các cô là được tài trợ dây (ống) nước và bình chứa, để hàng ngày các cô có thể nấu sôi để nguội cho các cháu học sinh sử dụng cho an toàn.

Điểm trường ở trung tâm xã mới có bể chứa nước cho các cháu sử dụng
Điểm trường ở trung tâm xã mới có bể chứa nước cho các cháu sử dụng
Khi có bồn chứa, các cô nấu chín và để nguội rồi đổ vào bình cho các cháu uống
Khi có bồn chứa, các cô nấu chín và để nguội rồi đổ vào bình cho các cháu uống

Trao đổi với PV Dân trí, thầy Nguyễn Trần Vỹ - chuyên viên Phòng giáo dục huyện Nam Trà My – cho biết, ở trên này mùa mưa thì nước suối đục, mùa nắng thì thiếu nước nên cần bồn chứa để tích trữ. Bồn trữ thông dụng từ 500-1.000 lít là tốt. Ngoài ra còn cần hệ thống ống dây để dẫn nước từ suối về nữa.

“Uống trực tiếp từ ống dẫn có hai nguy cơ. Một là côn trùng, sên theo nước vào cơ thể, hai là đất cát theo ống vào luôn. Nếu có bể chứa thì lắng xuống đỡ phần nào, để các cháu được sử dụng nước sạch”, thầy Vỹ nói.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục huyện Nam Trà My, hiện có 70 điểm trường trên toàn huyện với gần 3.000 học sinh ở các điểm thôn, nóc cần nước sạch để sử dụng. Theo đó, cần khoảng 70 bồn chứa nước sạch và trên 30.000m dây dẫn đưa nước từ suối về bồn chứa. Tuy nhiên, kinh phí rất khó khăn nên ngành giáo dục huyện vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho các điểm trường để các em học sinh có nước sạch sử dụng.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ