Bài toán khó

GD&TĐ - An ninh lương thực là một vấn đề nan giải trong năm vừa qua và dự đoán sẽ tiếp diễn trong năm 2024, khi những tác động xấu vẫn kéo dài.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Năm 2023 đang dần đi đến những ngày cuối cùng. Bên cạnh địa chính trị, kinh tế thì an ninh lương thực cũng là một vấn đề nan giải trong năm vừa qua và dự đoán sẽ tiếp diễn trong năm 2024 khi những tác động xấu vẫn kéo dài.

Sau khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra vào tháng 2/2022, các nước đã tăng cường áp dụng chính sách hạn chế thương mại thực phẩm nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước và bình ổn giá.

Tuy nhiên, điều này đã tạo nên cuộc khủng hoảng toàn cầu, gây mất an ninh khi hoạt động xuất khẩu lương thực bị đình trệ. Tính đến ngày 11/12/2023, 19 quốc gia đã thực hiện 27 lệnh cấm xuất khẩu thực phẩm và 9 quốc gia ban hành 17 biện pháp hạn chế xuất khẩu.

Trong bối cảnh trên, Nam Á trở thành tâm điểm mất an ninh lương thực trên thế giới. Khoảng 1,4 tỷ người, tương đương 72,2% dân số khu vực này không đủ khả năng chi trả những bữa ăn lành mạnh, giá rẻ nhất tại địa phương.

Câu chuyện của Nam Á là đại diện cho tình trạng mất an ninh lương thực của thế giới trong năm 2023. Vì thế, Nam Á rơi vào tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng và bất ổn xã hội nghiêm trọng.

Một trong những tác động lớn nhất của an ninh lương thực là giá cả tăng cao, gây ra lạm phát. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới cập nhật đến ngày 18/12/2023, lạm phát giá thực phẩm đã vượt quá lạm phát chung ở 74% trong số 167 quốc gia được khảo sát.

Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi giá lương thực lên cao nằm ở châu Phi, Bắc Mỹ, châu Mỹ Latinh, Nam Á, Trung Á và châu Âu. So với lần cập nhật đầu tháng 12, các chỉ số giá nông nghiệp, ngũ cốc và xuất khẩu hôm 18/12 lần lượt cao hơn 2, 6 và 1%.

Giá ngô và lúa mì lần lượt tăng 8 và 14% còn chỉ số giá ngũ cốc và giá gạo tăng 1%. So với cùng kỳ năm ngoái, giá ngô và lúa mì trên thế giới lần lượt thấp hơn 28 và 25% nhưng giá gạo cao hơn 36.

Giới chuyên gia kỳ vọng tình trạng mất an ninh lương thực trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 sẽ được cải thiện. Bởi lẽ, Ukraine đã thông qua “hành lang nhân đạo” mới dọc theo bờ biển phía Tây Biển Đen để xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Phi và châu Á. Một số quốc gia ghi nhận mức độ cải thiện về tình trạng mất an ninh lương thực như Sri Lanka, Niger...

Tuy nhiên, việc ăn mừng bây giờ là còn quá sớm. Tình trạng mất an ninh lương thực vẫn sẽ là vấn đề nghiêm trọng của năm 2024. Hiện tượng thời tiết El Nino, gây khô hạn tại châu Á trong năm nay, được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong nửa đầu năm 2024.

Kiểu thời tiết này sẽ ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch gạo, lúa mì, dầu cọ và nhiều nông sản khác ở những quốc gia mạnh về nông nghiệp như Ấn Độ, Thái Lan... Các thương nhân cũng dự đoán sản lượng gạo châu Á trong nửa đầu năm 2024 sẽ giảm do thời tiết khô hạn, hồ chứa nước thu hẹp vì hiện tượng thời tiết này.

Vì sản lượng thu hẹp nên khả năng xuất khẩu lương thực trong năm 2024 sẽ không cao. Chưa tính đến, các quốc gia sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp hạn chế hoặc cấm xuất khẩu lương thực nhằm đảm bảo an ninh trong nước.

Và với xung đột Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu ngã ngũ, cộng với xung đột Israel – Hamas, dòng chảy năng lượng toàn cầu đã thay đổi. Nhiều quốc gia buộc phải cắt giảm lượng dầu, khí đốt vì thiếu nguồn cung, gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Khi sản lượng bị thu hẹp, khả năng xuất khẩu giảm sẽ dẫn đến tình trạng giá lương thực bị đẩy lên cao, gây áp lực lên đời sống của hàng triệu người dân trên thế giới. Vấn đề lạm phát giá lương thực của năm 2023 có thể tiếp tục phủ bóng sang năm 2024. Vì vậy, việc kiểm soát giá lương thực phải nằm trong nhóm ưu tiên hàng đầu của chính phủ các quốc gia trong năm mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.