Ôi sáng xuân nay, Xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về... Im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ…
Để bảo đảm bí mật, Người sống trong hang Pác Bó - hang núi nhỏ sát biên giới Việt - Trung (thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Điều kiện sinh hoạt gian khổ nhưng với nhãn quan cách mạng sáng suốt, Người phát hiện thời cơ cách mạng sắp đến gần. Trong hoàn cảnh đó, Người viết bài Tức cảnh Pác Bó - bài thơ tứ tuyệt bình dị, tự nhiên:
Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Câu thơ mở đầu giới thiệu cho người đọc về không gian núi rừng hoang sơ, dân dã, có suối, có hang. Cách ngắt nhịp 4/3, tạo thành hai vế sóng đôi và đặc biệt có nhiều tiểu đối: “Sáng” - “tối”, “suối” - “hang”, “ra” - “vào” tạo sự đăng đối, nhịp nhàng, hài hòa, khoan thai, diễn tả một nhịp sống quen thuộc đã thành nếp: Sáng ra, tối vào của Người khi ở đây.
Cấu trúc thơ giản đơn, tựa như lời kể nhưng hết sức đặc biệt. Đặc biệt đến độ không thể đổi hay đảo trật tự cú pháp. Điều đó cũng chứng tỏ, Người sống giao hòa, giao cảm với thiên nhiên, gắn bó và yêu thiên nhiên sâu sắc.
Nếu câu thơ thứ nhất là không gian sống, điều kiện sinh hoạt, câu thơ thứ hai vẫn tiếp tục mạch cảm xúc đó, nhưng có thêm nét vui đùa: “Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”. Câu thơ có thể có nhiều cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất tuy chỉ có cháo bẹ và rau măng nhưng tinh thần cách mạng luôn sẵn sàng. Cũng có thể hiểu ở nơi đây có suối, có hang, có cháo bẹ rau măng luôn sẵn sàng phục vụ ta và cảm thấy mình thật giàu có, đủ đầy khi sống giữa thiên nhiên.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài viết Từ Pác Bó đến Tân Trào có kể lại: “Những khi trời mưa to, rắn rết chui cả vào chỗ nằm. Có buổi sáng, Bác thức dậy thấy một con rắn rất lớn nằm khoanh tròn ngay cạnh Người (...) Bác sốt rét luôn. Thức ăn cũng rất thiếu (…). Có thời gian, cơ quan chuyển vào vùng núi đá trên khu đồng bào Mán Trắng, gạo cũng không có, Bác cũng như anh em khác phải ăn cháo bẹ hàng tháng”. Như vậy, mặc dù bữa ăn chỉ có cháo bẹ, rau măng làm bạn nhưng qua giọng điệu vui đùa, hóm hỉnh toát lên tinh thần lạc quan, ung dung, tự tại. Đây là triết lý sâu xa về lẽ sống vui trong cảnh an bần lạc đạo.
Vui với thú lâm tuyền vốn là lẽ sống của các danh nho hiền triết ngày xưa như Nguyễn Trãi ở Côn Sơn:
Ao cạn vớt bèo cấy muống
Đìa thanh phát cỏ ương sen
Hay Nguyễn Bỉnh Khiêm bốn mùa xuân hạ thu đông với thú vui thuần đức:
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Tuy nhiên, các bậc hiền triết ngày xưa về với thiên nhiên là để lánh đời, gạn đục khơi trong, giữ gìn khí tiết thanh cao. Còn Bác Hồ, sống giữa thiên nhiên để lãnh đạo cách mạng.
Sau việc ở và thức ăn, thức dùng là chuyện công việc. Công việc ấy gắn với hình tượng trung tâm của bài thơ là người chiến sĩ. Người chiến sĩ ở đây dịch lịch sử của Đảng Cộng Sản Liên Xô ra tiếng Việt làm tài liệu học tập cho cán bộ đảng viên. Công việc ấy có ý nghĩa hệ trọng, có thể xoay chuyển vận mệnh quốc gia, dân tộc. Thế nhưng, nó được diễn đạt trong một câu thơ có cấu trúc đặc biệt:
“Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”
“Chông chênh” là từ láy miêu tả duy nhất trong bài, có tính tạo hình và gợi cảm. Qua “chông chênh” ta hình dung được sự chơi vơi, không bằng phẳng, đầy trắc trở, gian nan. Từ láy ấy lại được đặt bên cạnh danh từ thể hiện sự chắc chắn, vững chãi: “Bàn đá”. Hai vần bằng “chông chênh” được đặt bên cạnh 3 vần trắc “dịch sử Đảng” toát lên cái khỏe khoắn, mạnh mẽ, gân guốc.
Những hình ảnh thơ, tứ thơ, vần điệu đối lập nhau làm nổi bật cốt cách thi sĩ, khách lâm tuyền lãng mạn bên cạnh tư cách chiến sĩ, lãnh tụ cách mạng với tầm vóc lớn lao, một tư thế uy nghi, lồng lộng, tâm vững như núi không gì có thể chuyển dời. Cho nên, gánh trên vai trọng trách nặng nề mà Bác vẫn ung dung khẳng định: “Cuộc đời cách mạng thật là sang”. Câu thơ đã dồn tụ cảm xúc của toàn bài trong chữ “sang”. Chữ “sang” như nhãn tự, tỏa sáng cả bài thơ, năm tháng sống trong rừng sâu, hang tối của nhà cách mạng!
Đối với người đời, “sang” là sang trọng, lịch lãm, là sự hài hòa về cả nội dung và hình thức, là giàu có và đẹp đẽ… Nhưng với Bác, “sang” là được làm cách mạng mà vui sống giữa thiên nhiên. Một chữ “sang” đủ phủ nhận tất cả gian khổ, hiểm nguy, khẳng định tính cao quý của đời cách mạng bởi Người luôn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp đó. Đối với Người, dù sự nghiệp ấy, con đường ấy có gặp biết bao gian lao, khổ cực đi chăng nữa, cuối cùng cũng sẽ thành công. Và bởi niềm tin, sự lạc quan lớn lao đó, Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc, đập tan xiềng xích nô lệ, mở ra thời kỳ độc lập tự do cho đất nước.
Tức cảnh Pác Bó – một bài thơ tứ tuyệt nhẹ nhàng, giản dị, tự nhiên như hơi thở, lời ăn tiếng nói hàng ngày nhưng qua đó, chúng ta bắt gặp sự kết hợp hài hòa giữa con người thi sĩ và con người chiến sĩ với phong thái ung dung, chủ động, lạc quan, tin tưởng vào cách mạng của cốt cách Hồ Chí Minh.