Cảm thụ văn học

Bài thơ 'Mẹ của anh' của Xuân Quỳnh: Tiếng lòng tha thiết tình người, tình đời

GD&TĐ - Thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh không chỉ là cảm xúc mà còn là sự kết tinh của trí tuệ, của chân lí giản dị mà vô cùng sâu sắc...

Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Ảnh tư liệu: INT
Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Ảnh tư liệu: INT

Tôi rất thích “Mẹ của anh” khi đang là sinh viên năm nhất, và nay khi đã làm dâu hơn hai mươi năm, là mẹ của những đứa trẻ thì sự yêu mến đối với thi phẩm không đổi thay, thậm chí cảm nhận về bài thơ thêm sâu sắc và sự yêu quý, khâm phục, ngưỡng mộ nữ sĩ Xuân Quỳnh vẫn là điều bất biến. Tôi yêu con người và thơ của chị. Thơ của chị không chỉ là cảm xúc mà còn là sự kết tinh của trí tuệ, của chân lí giản dị mà vô cùng sâu sắc.

MẸ CỦA ANH

Phải đâu mẹ của riêng anh

Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi

Mẹ tuy không đẻ, không nuôi

Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong

Ngày xưa má mẹ cũng hồng

Bên anh, mẹ thức lo từng cơn đau

Bây giờ tóc mẹ trắng phau

Để cho mái tóc trên đầu anh đen

Đâu con dốc nắng đường quen

Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần

Thương anh thương cả bước chân

Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao

Lời ru mẹ hát thuở nào

Truyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh:

Nào là hoa bưởi, hoa chanh

Nào câu quan họ mái đình cây đa...

Xin đừng bắt chước câu ca

Đi về dối mẹ để mà yêu nhau

Mẹ không ghét bỏ em đâu

Yêu anh em đã là dâu trong nhà

Em xin hát tiếp lời ca

Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn

Hát tình yêu của chúng mình

Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng

Giữa ngàn hoa cỏ núi sông

Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ

Chắt chiu tự những ngày xưa

Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.

Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vốn rất phức tạp, khó hòa hợp. Điều này đã được cha ông xưa nhắc nhở qua những bài ca dao có hài hước, mỉa mai mà cũng ẩn ý trong đó thật nhiều điều, ví như “Mẹ chồng là lông con phượng/ Cha chồng là tượng mới tô/Nàng dâu mới về là bồ đựng chửi” hay “Thật thà cũng thể lái trâu/ Thương nhau cũng thể nàng dâu, mẹ chồng”.

Cũng chính những câu ca này ít nhiều hình thành “đường ray cảm xúc” trong mỗi người về mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu là thứ khó có thể cải thiện. Ấy vậy mà khi đọc bài thơ “Mẹ của anh” của nữ sĩ Xuân Quỳnh chúng ta sẽ có cái nhìn hoàn toàn khác.

“Mẹ của anh” được sáng tác năm 1967, theo thể thơ truyền thống lục bát. Bài thơ đã khơi gợi trong lòng bạn đọc tình cảm đẹp đẽ, cái nhìn nhân văn để cuộc đời này đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Lời thơ thật tự nhiên như lời tâm sự hết sức chân thành của người con gái: “Phải đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi”.

Hai câu thơ mở đầu đã xích mối quan hệ “mẹ của anh” và “em” trở nên gần gũi – “mẹ của anh” chính là “mẹ của chúng mình”, là mẹ của em nữa. Lời chia sẻ thật tha thiết và rất thật lòng, bởi “Mẹ tuy không đẻ, không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong”.

Câu thơ chính là tiếng lòng của cô gái hiểu chuyện, thấu đạo lí. Người con gái ấy hiểu được những hi sinh thầm lặng của mẹ chồng khi nuôi “anh” khôn lớn để nay là chỗ dựa vững chắc cho cô. Vì thế, cô biết ơn và chắc chắn cả đời không bao giờ trả hết ơn nghĩa này. Đó là chân lí giản dị nhưng không phải ai cũng hiểu và nhớ ghi.

Xuân Quỳnh là người phụ nữ có trái tim tha thiết yêu thương, luôn thấu hiểu những hi sinh của người khác. Chính vì thế chị nhìn thấy cả tuổi thanh xuân đẹp đẽ của mẹ chồng đã mỏi mòn vì những đứa con trong đó có “anh” của chị.

Lời thơ cứ tuôn trào như bao thấu hiểu được sẻ chia “Ngày xưa má mẹ cũng hồng/ Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau/ Bây giờ tóc mẹ trắng phau/ Để cho mái tóc trên đầu anh đen”. Những câu thơ đã gợi nhắc hai mốc thời gian “ngày xưa” và “hiện tại”. Đã có một sự đổi thay, một sự đổi thay ghê gớm giữa thanh xuân rực rỡ “má mẹ hồng” và hiện tại “tóc trắng phau” của mẹ. Đây là hệ quả tất yếu của quá trình nuôi con, chăm sóc con với những trằn trọc, lo âu, nhất là những khi con đau ốm.

Là phụ nữ, là mẹ hơn ai hết Xuân Quỳnh hiểu rõ điều này. Những câu thơ không chỉ là sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại của mẹ mà còn là sự tương phản giữa hiện tại của “mẹ” và “anh”. Nhưng mẹ chấp nhận tất cả, trái tim mẹ luôn dạt dào tình yêu thương và đức hi sinh.

Edmondo De Amicis từng viết: “Người mẹ sẵn sàng từ bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn, người mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con” (Trích “Mẹ tôi”). Ta gặp được sự đồng điệu trong cảm xúc khi đọc những dòng thơ của nữ sĩ và trang văn của nhà văn, nhà báo, nhà thơ nước Ý này. Và ta hiểu hơn, trân quý và yêu hơn những sự hi sinh thầm lặng của những người mẹ kính yêu!

* * *

Từ sự thấu hiểu mà cô gái đã yêu thương, kính trọng và biết ơn “mẹ của anh” mãi mãi. Từ tình yêu dành cho “anh”, cô yêu kính mẹ nhiều hơn bởi cô biết “anh” chính là phiên bản của mẹ. Mẹ đã tạo cho anh cả yếu tố di truyền và môi trường giáo dục. Chính mẹ đã tác động lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của anh.

Vậy nên, đừng “dối mẹ để mà yêu nhau” giống như câu ca thuở nào “Yêu nhau cởi áo cho nhau/ Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”. Đây là sự thấu hiểu và cũng là sự hi sinh của cô gái khi đang yêu. Ta trân trọng biết bao lời nói hết sức dứt khoát của cô: “Xin đừng bắt chước câu ca/ Đi về dối mẹ để mà yêu nhau”.

Hiểu như cô gái, hi sinh như cô gái, biết điều như cô gái, hiếu đễ như cô gái ai mà “ghét bỏ” cho cam. Và cô cũng rất tự tin về điều này: “Mẹ không ghét bỏ em đâu/ Yêu anh em đã là dâu trong nhà”. Câu thơ thật nhẹ nhàng mà quả quyết. Nó không chỉ là cảm xúc mà gửi vào trong đó trí tuệ tuyệt vời của nữ sĩ. Độc giả dễ dàng nhận ra chân lí được gửi gắm trong đó.

bai tho me cua anh cua xuan quynh5.jpg
Nhà thơ Xuân Quỳnh khi còn trẻ. Ảnh minh họa: INT

Tình cảm vốn dĩ là một thứ cảm xúc mang tính tương tác rõ nét nhất. Khi chúng ta yêu ai đó bằng cả con tim chân thành và thiết tha thì chắc chắn ta không nhận về được tình yêu thì cũng là sự “không ghét”. Rồi “mưa dầm thấm lâu” tình yêu ấy tất yếu sẽ được đền đáp.

Quả thực hôn sự giữa Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ ban đầu bị bà Khánh – mẹ của Lưu Quang Vũ phản đối kịch liệt nhưng sau đó bà đã đồng ý rồi yêu thương cô con dâu tảo tần, chịu khó và nhân hậu với trái tim tha thiết yêu thương. Từ ý thơ bạn đọc cũng nhận ra được nguyên lí của tình cảm để sống có nghĩa, có tình rồi sẽ đón nhận những tình cảm đẹp mà người khác dành cho mình.

Cũng từ đây, chúng ta đã hoàn toàn thay đổi cách nhìn nhận, không còn “mặc định” rằng mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu là mối quan hệ phức tạp không thể hòa hợp và khó có được tình cảm thật lòng.

Thực tế cuộc sống hôm nay đã chứng minh biết bao người con dâu được mẹ chồng yêu thương như con gái bởi chính họ cũng yêu kính mẹ chồng như mẹ ruột của mình. Những câu chuyện rất cảm động được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện truyền thông như mẹ chồng tìm chồng cho con dâu khi con trai mình đoản mệnh đã khiến chúng ta vô cùng xúc động và trân quý. Cuộc đời này, ta hãy tin “trao yêu thương sẽ nhận được những thương yêu” miễn sao chúng ta sống thật lòng, đối đãi với mọi người bằng trái tim nồng ấm, thiết tha!

bai tho me cua anh cua xuan quynh (1).jpg
Để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp mẹ chồng – con dâu sẽ cần rất nhiều sự cố gắng. Trong đó, con dâu cũng phải hết mực hiểu chuyện. Ảnh minh họa: INT

Người con gái ấy đã trao yêu thương và gieo những yêu thương tới mọi người. Cô nguyện “hát tiếp bài ca” để “Ru anh sau những lo âu nhọc nhằn” nghĩa là cô sẽ chia sẻ bớt những vất vả mà mẹ đã trải qua với anh, vì anh. Trái tim thiết tha, nồng nàn ấy còn hát vang tình yêu đôi lứa “nhỏ nhoi” trong tình người, tình đời rộng lớn, mênh mông. Tình yêu lứa đôi hòa quyện với tình yêu gia đình, tình yêu mẹ, tình yêu quê hương, đất nước. Và cũng chỉ như vậy, tình yêu tuổi thanh xuân mới trọn vẹn, bền chặt và ý nghĩa.

* * *

Bài thơ cứ nhẹ nhàng với lời thủ thỉ thiết tha của cô gái đã đem lại niềm tin vào tình yêu, tình người, tình đời cho tất cả chúng ta. Câu thơ kết bài thật giản dị mà có sức lan tỏa mạnh mẽ: “Chắt chiu từ những ngày xưa/Mẹ sinh anh để bây giờ cho em”.

Đến đây chúng ta hoàn toàn cắt nghĩa được câu thơ “Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong” là bởi vì đâu. Vì sự hi sinh một đời của mẹ cuối cùng là cho cô, vì cô. “Anh” là kết tinh của tình yêu, niềm tin, hy vọng một đời của mẹ, và “mẹ” đã trao tất cả cho cô. Cô quý mẹ, biết ơn mẹ, trân trọng mẹ, cảm thấy suốt đời nợ mẹ là có căn cứ.

Đọc “Mẹ của anh” của Xuân Quỳnh chúng ta vỡ ra được nhiều lẽ, ngộ ra được nhiều điều. Những điều tưởng chừng như tất yếu mà không có chị chúng ta đâu dễ nhận biết. Thế mới nói thơ Xuân Quỳnh giản dị mà đầy chất trí tuệ. Thật sự biết ơn chị!

Với sự đồng điệu trong cảm xúc nhạc sĩ Trịnh Vĩnh đã phổ nhạc bài thơ này, góp phần làm cho thi phẩm trở nên bất tử. Cái hay của bài thơ không chỉ nằm ở cấu tứ, ngôn từ, âm hưởng mà cái hay của tác phẩm là ở cái nhìn đầy chiêm nghiệm, triết lí từ những điều giản dị của cuộc sống.

Giá trị của bài thơ nằm ở chỗ thi phẩm không chỉ là tiếng lòng riêng của nữ sĩ mà đã nói được thật nhiều điều cho cuộc sống của muôn người. Bài thơ không chỉ dừng lại ở mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu mà còn nói đến tình người, tình đời muôn thuở.

Mở đầu là lời khẳng định “Mẹ của chúng mình” và kết thúc bài thơ “Mẹ sinh anh để bây giờ cho em” đã phần nào giúp chúng ta hiểu rõ được tấm lòng, tình cảm của người con dâu dành cho mẹ chồng, đó là sự hàm ơn, sự thấu hiểu xuất phát tự tận đáy lòng mình.

Câu thơ không gồng mình, không sáo rỗng mà cứ tự nhiên, tha thiết như dòng chảy của huyết mạch yêu thương chân thành. Thì ra, trái tim thổn thức sẽ rung lên những cung bậc thiết tha làm lay động bao con tim của muôn người. Và lời yêu thương xuất phát từ trái tim ấm nồng sẽ có sức lan tỏa và đem lại sự ấm áp cho tình người, tình đời.

Thi phẩm “Mẹ của anh” xứng đáng là một bài thơ hay cả cảm xúc và trí tuệ của nữ sĩ Xuân Quỳnh! Là tiếng lòng tha thiết yêu thương mà gửi gắm triết lí giản dị mà vô cùng sâu sắc.

Xuân Quỳnh (1942 – 1988) tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, là một nữ nhà thơ nổi tiếng của nền thơ hiện đại Việt Nam. Chị được biết đến với tài năng vượt trội trong nghệ thuật viết thơ. Những tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc trong nền văn học dân tộc và trái tim độc giả như “Thuyền và biển”, “Thơ tình cuối mùa thu”, “Tiếng gà trưa”… bởi chất chứa trong mình tình cảm sâu lắng và tầm nhìn đầy sáng tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ