Mẹ - suối nguồn yêu thương không bao giờ cạn

GD&TĐ - Bài thơ “Mẹ” (Ngữ văn 7, tập 1, Cánh diều) thể hiện nhiều nỗi niềm của nhà thơ Đỗ Trung Lai...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ những trải nghiệm sâu sắc, trăn trở trên hành trình tìm kiếm và giãi bày ẩn ức sáng tạo, nhà thơ Đỗ Trung Lai đã có nhiều yêu thương, suy ngẫm, đặc biệt về gia đình, về mẹ, về những giá trị truyền thống của dân tộc để ca ngợi tình yêu thương. Một bài thơ với nhan đề vô cùng giản dị, thân thuộc nhưng rất đỗi thiêng liêng “Mẹ” (Ngữ văn 7, tập 1, Cánh diều) đã thể hiện bao nhiêu nỗi niềm đó của nhà thơ.

Nhà thơ Đỗ Trung Lai là người con ưu tú của Hà Nội, nơi thấm đẫm bề dày văn hóa, văn hiến của cả dân tộc. Tốt nghiệp Khoa Vật lý, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, ông từng làm giáo viên Trường Văn hóa Quân đội, phóng viên rồi Phó Trưởng phòng Báo Quân đội Nhân dân cuối tuần. Sinh ra ở một vùng đất có tiếng hiếu học, trong một gia đình nhà Nho nên từ nhỏ Đỗ Trung Lai đã được tiếp cận những áng văn chương, những bài Đường thi từ rất sớm.

Những buổi tối thập thò ngoài hàng hiên nghe các bậc cao niên ngâm cổ thi, lẩy Kiều, những đêm được cha cho gối đầu lên đùi rồi ru bằng những bài thơ Đường đã theo tuổi thơ ông lớn dần, để rồi sau này, đường đời xô đẩy qua nhiều ngã rẽ mà lòng ông không lúc nào vơi nhớ thi ca.

Từ những trải nghiệm sâu sắc, trăn trở trên hành trình tìm kiếm và giãi bày ẩn ức sáng tạo, nhà thơ Đỗ Trung Lai đã có nhiều yêu thương, suy ngẫm, đặc biệt về gia đình, về mẹ, về những giá trị truyền thống của dân tộc để ca ngợi tình yêu thương. Một bài thơ với nhan đề vô cùng giản dị, thân thuộc nhưng rất đỗi thiêng liêng “Mẹ” (Ngữ văn 7, tập 1, Cánh diều) đã thể hiện bao nhiêu nỗi niềm đó của nhà thơ.

Có lẽ từ những nếm trải phong phú ấy thơ ông mang những nét trữ tình, đằm thắm, gửi gắm nhiều tâm sự, triết lý nhẹ nhàng, tự nhiên nhưng lại hết sức sâu sắc với nhiều tầng nghĩa, chứa đựng cả một chân lý vĩnh cửu.

Người đọc chắc chắn không thể quên được những câu thơ mộc mạc, viết về những sự việc, sự vật gần gũi quanh mình để đúc kết những ý niệm sâu sắc mà hiếm có một nhà cầm bút nào có thể viết như “Nếu Trái đất thiếu trẻ con” hay trong bài thơ“Tôi ru con gái tôi”. Chỉ là lời ru con gái thôi cũng thấm đẫm lẽ sống, nỗi đời: “Đừng ham ngũ sắc làm chi/ Trời xanh muôn thuở có gì cũ đâu/ Đò đầy, phà rộng, sông sâu/ Có qua thì lúc bạc đầu hãy qua…”.

Gửi vào thơ nhiều lớp nghĩa thế nhưng thơ Đỗ Trung Lai không mất đi vẻ tự nhiên mà dễ dẫn dụ cảm xúc của người đọc, chạm đến tầng sâu của tâm tưởng. Đặc biệt, viết về mẹ, những vần thơ của Đỗ Trung Lailuôn có sức lay động, truyền cảm bởi tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng đối với mỗi con người, bởi ai trong thẳm sâu tâm hồn, trái tim mình đều có hình bóng người mẹ kính yêu.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã chọn hình ảnh cây cau, trái cau để tạo ra sự song hành, đối sánh cùng với hình ảnh người mẹ.

Lưng mẹ còng rồi

Cau thì vẫn thẳng

Cau ngọn xanh rờn

Đầu mẹ bạc trắng.

Đây là một phát hiện tinh tế, nhiều biểu cảm. Nếu nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chọn quả bí, quả bầu để ẩn dụ cho hình ảnh những đứa con đang lớn trên tay mẹ thì Đỗ Trung Lai lại chọn cây cau, quả cau để nói về những thay đổi theo thời gian của cuộc đời mẹ. Có lẽ trong tiềm thức của mỗi người dân Việt chẳng có gì thân thuộc, gần gũi như cây cau, giàn trầu. Nó đã đi vào ca dao, vào thơ ca dân tộc… Quả cau nho nhỏ, miếng trầu cay cũng là đầu câu chuyện, là khởi nguồn của nhiều mối quan hệ lâu bền.

Cây cau cũng như mẹ, không chỉ sự tương đồng về hình thể gầy guộc, khẳng khiu bên ngoài, mà cả sự sâu lắng bấm đốt thời gian thân phận của một đời người. Bằng sự cảm nhận tinh tế, bằng sự thấu cảm những lẽ ở đời, Đỗ Trung Lai đã có những chiêm nghiệm sâu sắc ấy. Cây cau muôn đời vẫn thẳng, lưng mẹ mỗi ngày còng thêm; lá cau mãi vẫn xanh, tóc mẹ lại ngày thêm nhiều sợi bạc.

Tranh minh họa ITN.

Tranh minh họa ITN.

Rõ ràng sự đối lập hiển nhiên giữa mẹ và cau mà không phải ai cũng nhận ra ấy đã tạo ra một ám ảnh cho người đọc. Nghe như đâu đây tiếng lòng quặn thắt. Ta hình dung trước mắt mình là người mẹ đã già nua theo thời gian, tấm lưng ngày càng còng xuống, in hằn trên đó bao vết sẹo của thời gian, năm tháng. Cũng từ mái tóc thêm nhiều sợi bạc, đôi bàn tay chai sạn chúng ta đã lớn lên. Trên đôi vai gầy bé nhỏ ấy là bao công việc không tên, không tuổi. “Đầu mẹ bạc trắng” không phải là hình ảnh mới nhưng có sắc thái biểu cảm cao. Có người con nào không buồn, không thương, không khỏi xót xa trước màu tóc ấy. Trong bài “Trong lời mẹ hát”, nhà thơ Trương Nam Hương cũng đã từng viết:

Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến nôn nao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao.

Với hình ảnh cây cau tác giả đã khắc họa cụ thể hơn, gần gũi hơn hình ảnh mẹ mình – người mẹ lưng còng, tóc bạc. Thứ cây bình dị, quen thuộc muôn đời của vườn tược, xóm thôn như hồn đất, tình người ấy còn làm nổi bật sự tương phản giữa hình ảnh mẹ và cau, giúp người đọc hình dung rõ hơn sự gầy mòn của mẹ theo năm tháng. Xanh và trắng, còng và thẳng - hai sắc màu trái ngược nhau, hai hình dáng tương phản nhau tạo ra một ám ảnh khi “Cau ngày một cao, Mẹ ngày một thấp” để rồi “Cau gần với trời - Mẹ thì gần đất”.

Trên khuôn mặt của mẹ sẽ không chỉ xuất hiện những nếp nhăn, mái tóc không chỉ nhuốm màu bạc, mà tấm lưng kia đã mòn lõm theo thời gian khi đã chịu quá nhiều những vất vả, khi đã gắn trên vai những trách nhiệm của một đời bận rộn. Trời và đất, cao và thấp cứ chênh chao nhất là khi nhà thơ sử dụng nhịp thơ bốn chữ tạo ra cảm giác thổn thức, nghẹn ngào. Phép nói giảm nói tránh “mẹ thì gần đất” chắc hẳn đều làm ta xót xa trước lẽ tự nhiên.

Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật muôn đời của con người. Biết là vậy nhưng sao vẫn có những giọt nước mắt đậu nơi khóe mắt, có giọt nước mắt nào lặn ngược vào trong buốt nhói tâm can. Trên đời này có tình cảm nào vĩnh hằng, bao la như mẹ yêu con, như con yêu mẹ? Tác giả và mỗi chúng ta đều cảm nhận được bước đi của thời gian: Cau cao rồi cao mãi, mẹ lại thấp dần đi; trái cau xưa bổ sáu, nay bổ tám ngại to. Tất cả đều tương phản, duy chỉ một nét tương đồng giữa mẹ và cau thì gợi lên bao xót xa.

***

Một miếng cau khô

Khô gầy như mẹ

Con nâng trên tay

Không cầm được lệ.

Đến đây, hình ảnh mẹ không được miêu tả trực tiếp, mà là miêu tả gián tiếp qua cách so sánh “cau khô – khô gầy như mẹ”. Như vậy, mẹ đã trở thành thước đo của sự “khô gầy”.Tính từ “khô gầy” cho thấy dáng vẻ già nua, thiếu sức sống của mẹ khiến người con thấy bùi ngùi, xúc động. Mẹ không còn khỏe mạnh minh mẫn như ngày xưa. Bao nỗi đắng cay, buồn vui cuộc đời của mẹ đều được miếng trầu cau chứng kiến, để rồi héo hắt khi “Con nâng trên tay - Không cầm được lệ”. “Nâng” và “cầm” là những động từ chỉ động thái của tình cảm. Nếu “nâng” diễn tả sự cẩn trọng, nhẹ nhàng, gửi bao niềm kính trọng người mẹ kính yêu thì “cầm” lại nén bao đắng cay bấy nhiêu. Con nâng chứ không phải là “cầm”, “nắm” miếng cau khô héo.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Vì cau đã quắt lại nên người con không nỡ dùng sức khi cầm trên tay hay vì miếng cau gợi liên tưởng đến mẹ nên con cảm thấy xót xa và muốn nâng giữ, trân quý? Cảm xúc của người con gói trọn trong chữ “cầm” trong sự phủ định “không cầm được”. Đó là sự trào dâng của cảm xúc mà không thể nào ngăn nổi.

Nghĩ đến tuổi già và sự lìa xa của mẹ, người con nào ngăn được nỗi đau đớn, xót xa trong lòng mình. Cảm xúc nghẹn ngào kết tinh thành những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt của tình yêu, tình thương… Cái độc đáo trong thơ Đỗ Trung Lai còn là ở việc ông sử dụng từng cặp từ ngữ, cặp hình ảnh biểu cảm song hành tạo ra bao chất chứa, lời ít mà ý nghĩa vang xa. Sự vận động cảm xúc của bài thơ “Mẹ” đã dồn nén để buột ra câu cảm thán mang âm hưởng dân gian:

“Ngẩng trời hỏi vậy

- Sao mẹ ta già?”.

Câu hỏi tự vấn đất trời cũng chính là tự vấn lòng mình. Câu thơ hỏi đất trời cũng chính là tự vấn lòng mình, thể hiện được sự cô đơn, trống vắng của người con khi nghĩ đến ngày phải xa mẹ, đến ngày xa mẹ càng gần. Ai rồi cũng phải ra đi, để lại sự xót xa cho người ở lại. Quy luật tàn nhẫn của thời gian là thứ không bao giờ tránh được và cũng không kết thúc. Thơ đã chạm được đến tận cùng nỗi niềm con người, cõi người, vừa đăm đăm vừa trống trải. Thế nhưng một sự cô đơn ngỡ như vô vọng.

***

“Không một lời đáp

Mây bay về xa”.

Bài thơ kết thúc với thanh bằng, một tín hiệu nghệ thuật tâm trạng của nhân vật trữ tình cứ lặng dần, trầm buồn. “Mây bay về xa” hay mái đầu mẹ bạc hòa vào mây trắng. Sự ra đi của mẹ tựa như đám mây trên trời cao xa, nhìn thấy được nhưng không bao giờ níu giữ, nắm bắt được. Người con đã phải bất lực đứng nhìn mà nhói buốt tận tâm can. Bất lực trước thời gian để mỗi đứa con càng có ý thức yêu mẹ hơn, sống tốt hơn, làm tất cả những gì ý nghĩa khi còn có mẹ trên đời. Chất nhân văn thấm đẫm ở những lời thơ bình dị ấy. Thơ Đỗ Trung Lai luôn ẩn tồn những giá trị ở tầng sâu tư duy được “cấy trổ” một cách khéo léo trên bề mặt ngôn ngữ tường minh.

Mỗi khi đọc bài thơ này, tôi ước mình bé lại, để quay ngược về tuổi thơ khi tóc mẹ còn xanh, lưng mẹ còn thẳng, nét xuân sắc còn trong khóe môi, nét cười… Tôi vẫn mong rằng những năm tháng ấy sẽ lưu giữ mãi trong cuộc đời này, để cho chúng ta, dù có bị dòng đời thử thách vẫn luôn vững vàng một niềm tin, một niềm lạc quan bởi hạnh phúc nhất là khi chúng ta còn mẹ! Cảm ơn Đỗ Trung Lai, một nhà thơ đã sống sâu sắc, đã có tình yêu sâu sắc với cuộc đời và con người, tâm hồn sẵn sàng rung ngân như sợi tơ đàn để đặt hết tâm huyết của mình vào từng con chữ dòng thơ, để ta cảm nhận được những lẽ sống cao đẹp nhất!

Bàn về thơ, cánh chim đầu đàn của thơ ca Cách mạng Việt Nam – nhà thơ Tố Hữu từng quan niệm: “Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn con người”. Quả thực như vậy, thơ là những rung động, những cảm xúc riêng tư, thầm kín nhất trong lòng mỗi người nghệ sĩ trước cuộc đời và con người. Bởi vậy, trong thơ không bao giờ có thể thiếu tình yêu, thiếu đi những khát khao, yêu thương của một người để rồi chạm đến trái tim của triệu con người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ