Cảm thụ văn học

Người mẹ anh hùng nơi vườn cau bình dị

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Người mẹ vườn cau của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được bắt đầu từ một sự việc rất đỗi bình thường.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đó là một đề văn của cô giáo về chủ đề Người mẹ. Nhưng rồi, bài viết không phải là một bài văn mà chỉ vài câu văn ngắn ngủi về chủ đề ấy, những câu dường như ai cũng biết mà không cần nghĩ suy nhiều: Mẹ là người sinh ra em, nuôi em lớn, ngày thường mẹ nấu cơm em ăn, giặt đồ em mặc. Sự bình thường ấy làm nên sự độc đáo trong những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư.

Bàn về sáng tác truyện ngắn, nhà văn Nguyễn Minh Châu khẳng định: “Rất nhiều tác giả của những truyện ngắn hay là những người cầm bút có cái biệt tài có thể chọn trong cái dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất (…), thậm chí có khi đó là cái khoảnh khắc chứa cả một đời người, một đời nhân loại”.

Quả thật, đây là một quan điểm rất sâu sắc về đặc trưng trong nội dung và hình thức nghệ thuật của thể loại truyện ngắn, gắn với nhiều nhà văn có tên tuổi. Nguyễn Ngọc Tư cũng không còn là cái tên xa lạ với những bạn đọc thích thể loại truyện ngắn. Chọn thể loại văn học ấy “Người mẹ vườn cau” của chị đã trở thành một tác phẩm truyện ngắn nổi tiếng và đem lại nhiều cảm xúc trong lòng người đọc.

Tôi biết đến nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lần đầu tiên qua những trang truyện của tuyển tập “Cánh đồng bất tận”. Không hoa mỹ, cầu kỳ, các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bình dị, gần gũi và hết sức đời thường như chính con người chị. Thế nhưng chính những nét mộc mạc đó lại là điểm thu hút biết bao tâm hồn người yêu văn chương.

Nguyễn Ngọc Tư là một trong những nhà văn thuộc thế hệ 7X. Trước khi bén duyên với công việc viết lách, Nguyễn Ngọc Tư chỉ là một cô gái nông dân bình thường của vùng sông nước Cà Mau. Sau đó, nhờ sự động viên của cha cùng tài năng văn chương và sự đồng cảm với những hoàn cảnh con người vất vả, lam lũ, Nguyễn Ngọc Tư đã bắt tay vào viết những tác phẩm văn học đầu tiên của mình.

Những câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư tập trung kể về số phận, cảnh ngộ, nỗi niềm của những con người bình dị, mộc mạc ở những vùng quê Nam Bộ. Mỗi người một nỗi niềm, một câu chuyện khác nhau, nhưng đều đem đến cho bạn đọc sự đồng cảm, bùi ngùi xúc động qua lời kể vô cùng chân thật.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Đọc Người mẹ vườn cau bạn sẽ như mường tượng ra cả miền quê Nam Bộ mà không cần bất cứ trải nghiệm thực tế nào.

Đến với những trang viết ta như thấy trước mắt chúng ta không gian của vườn cau, giàn trầu, những người bà, người mẹ mộc mạc, chân chất, tảo tần, lam lũ; những người con bước ra khỏi cuộc chiến với nhiều cuộc đời khác nhau.

Viết về mẹ, chắc chắn là không thể có từ ngữ nào có thể kể hết công lao nuôi dưỡng sinh thành. Chính vì lý do đó mà mở đầu truyện ngắn, nhắc đến việc làm văn về mẹ, với đề bài mở nhưng nhân vật “tôi” vẫn không thể nghĩ ra là nên bắt đầu như nào. Và rồi từ những ý nghĩ miên man, sự đồng hiện của kí ức, những dòng văn đi theo một hướng khác – người mẹ của ba – người bà nội ở vườn cau. Sự đan xen giữa thời gian hiện tại và thời gian quá khứ góp phần soi chiếu những nỗi niềm nhân vật.

Cách đặt tên tác phẩm cũng thật đặc biệt. Nhân vật không có tên riêng, chỉ được gọi một cách thân mật, gần gũi theo không gian sống. Nhưng cũng từ danh từ chung ấy, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư muốn khẳng định một vấn đề mang tính phổ quát: Trên đất nước Việt Nam thân yêu có rất nhiều người mẹ, người phụ nữ anh hùng. Họ không cần Tổ quốc ghi công, không cần lưu danh tên tuổi, họ chỉ sống một cuộc đời bình lặng, nghĩa tình, cho đi mà không cần nhận lại.

Với suy nghĩ ngây thơ của trẻ con, nhân vật “tôi” không thể hiểu sao mình chỉ có một mẹ còn ba thì lại có hai mẹ, và cũng cho tôi có hai nội: Nội ở Phố Đông, Nội ở vườn cau. Khi còn nhỏ, “tôi” đã được về nhà Nội ở vườn cau chơi. Trong kí ức của tôi, con đường đến nhà bà là con đường đất, những khi trời mưa đường bùn ướt nhẹp. Nhà Nội là nhà mái lá nhỏ xíu, nấp dưới những rặng cau.

Gia tài của Nội là những tấm bằng Tổ quốc ghi công trên ban thờ nghi ngút khói hương. Đó là những người con của Nội lần lượt ngã xuống trên chiến trường. Nội gầy gò, cười phô cả lợi. Dù cuộc sống có nhiều cay đắng, mất mát, hy sinh, mang vết thương đau nhưng Nội vẫn luôn lo lắng cho các con các cháu. Nội mở rộng trái tim mình để yêu thương, để bao bọc, chở che. Nội sợ trời mưa mấy đứa sẽ bị cảm, Nội sợ cháu ăn không được ngon, món ăn không hợp…

Nhà tôi ở xa, thi thoảng mới được về nhà Nội. Hôm ấy nhà “tôi” về nhà Nội là do có giỗ của chú Sơn. Bữa cơm giỗ chỉ vài ba món ăn giản đơn, quê kiểng. Vài bát canh chua cá rô đồng, mắm kho, bông súng đơn giản. Nhưng trong lòng tôi bữa cơm ấy vẫn rất ngon và ấm áp vô cùng. Trong gian nhà đơn sơ, đơn bạc, ba gắp thức ăn cho bà rồi bà lại gắp thức ăn cho “tôi” và bà xoa đầu bảo tôi ăn cho chóng lớn. Đọng trong mắt Nội là những giọt nước mắt ấm áp pha nụ cười hiền hậu đã cho tôi thấy được khung cảnh gia đình ấm áp và hạnh phúc.

Bữa cơm hôm ấy không chỉ có bố con tôi mà có thêm những người con của Nội. Trời tạnh mưa cũng là lúc mọi người ào ào về nhà Nội tụ tập. Tiếng gọi “má Tư” cứ liên tục vang vọng khiến “tôi” thắc mắc rằng sao Nội lại nhiều con như thế. Lớn bằng ấy nhưng các chú vẫn phải xin phép bà. Mọi người cùng hàn huyên chuyện cũ, tiếng cười vang vọng khắp gian nhà nhỏ.

“Tôi” được Nội dẫn ra vườn cau, khi cái nắng sau mưa nồng ngả vàng pha sắc đỏ, những giọt nước còn đọng trên tán lá non. Vườn cau nhà Nội thật thú vị, hương cau nồng nàn trắng xóa một góc trời. Có lẽ cũng vì lý do này, ba gọi Nội là “Mẹ vườn cau”. Ở vườn, cái gì cũng chín, từ trái mít, trái đu đủ, trái chanh, đến cả buồng cau. Cả khu vườn là dấu ấn của bàn tay Nội chăm sóc, nâng niu. Chắc hẳn những thứ quả vườn nhà ấy sẽ dành cho những đứa con, đứa cháu mà Nội sinh ra từ trái tim mình.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đêm hôm ấy, tôi được Nội mắc mùng cho ngủ, nhưng vì lạ giường mà mãi không ngủ được, Nội liền kể cho tôi nghe về câu chuyện của bà. Người trên bàn thờ hôm nay là hai đồng chí thân thiết với bố. Các chú đều là những người hiên ngang và anh hùng, và bà chính là mẹ anh hùng. Người anh hùng ấy không cao to, đẹp khỏe như trong suy nghĩ của tôi.

Bà mẹ anh hùng ấy chỉ là người nhặt ve chai, không có súng, gánh giỏ đi đầu làng cuối xóm. Sau cái gánh ve chai trên đôi vai gầy ấy là thức ăn, là tin tức, là công việc cách mạng mà Nội đã âm thầm, không quản hiểm nguy mang đến cho ba, cho các chú. Một công việc rất đỗi anh hùng. Làm anh hùng tuy tự hào, tuy vui nhưng Nội rất buồn. Nỗi buồn ấy đọng lại trong đôi mắt già nua nhăn nheo, ánh mắt trũng sâu, mái tóc trắng phau phau, dáng người còm cõi. Phải chi những người con của Nội còn sống thì giờ Nội đã không phải ở một mình.

Chỉ là những đoạn đối thoại ngắn, lối trần thuật tự nhiên, những câu văn đậm chất khẩu ngữ đã góp phần tạo nên lối kể chuyện mộc mạc, giản dị. Không tô vẽ, không cường điệu hóa, người mẹ vườn cau anh hùng đã hiện lên rõ nét trước mắt người đọc như chính những người con Nam Bộ chân thành, bộc trực, giàu đức hy sinh.

Không chú trọng xây dựng tình huống truyện, Nguyễn Ngọc Tư chỉ tạo ra một sự kiện, một biến cố đặc biệt hơn trong dòng đời xuôi chảy. Do ba chuyển công tác nên gia đình cũng chuyển công tác lên phố luôn. Thời gian thay đổi, không gian thay đổi cũng đã khiến con người thay đổi theo. Có lẽ vì vậy, đã lâu lắm rồi ba không trở về thăm lại Nội vườn cau dù mẹ có nhắc.

Không gặp má, không thấy má nhưng ba vẫn không lo lắng vì “Ôi dào, má ở dưới, mấy anh dưới lo”. Ba không lo nhưng Nội vẫn đợi, vẫn dõi theo đứa con một thời cưu mang, đùm bọc. Nội chỉ thấy ba trên vô tuyến. Cuộc sống và công việc bộn bề nơi phố thị khiến ba quên đi những chuyến về quê, quên đi có người mẹ lặng thầm chờ mình dưới bóng cây, bóng lá. Chỉ đến khi chú Biểu đến nhà, nghe câu chú nói “Lũ mầy bạc làm sao đâu”, ba mới giật mình suy nghĩ. Bên ngọn đèn ba ngồi rít thuốc, trăn trở.

Cái ba quên không phải chỉ là quên đi bóng hình người mẹ anh hùng nơi làng quê mà đó là quên cả những năm tháng gian lao, nghĩa tình, là quên đi những phần đời đầy ý nghĩa đã gắn bó trong những năm tháng gian lao. Chỉ một câu nói thôi nhưng đã chạm đến tiếng lòng sâu thẳm nhất, để ba nhận rõ tâm hồn mình, thức tỉnh bản thân mình.

Câu chuyện về người mẹ kết thúc với quyết định ngày mai người ba sẽ về lại “Người mẹ vườn cau” “Mai về Nội vườn cau, con ha?”. Đó là những kỉ niệm về mẹ vườn cau của bố. Bố đã trở về với vườn cau nghĩa là những phần đời tốt đẹp vẫn còn đó. Quá khứ không mất đi, quá khứ chỉ ngủ yên và sẽ trở lại vẹn nguyên khi con người biết trở về với những giá trị bền vững.

Ba trở về với mẹ vườn cau, còn với tôi thì mẹ là “Mẹ là người sinh ra em, nuôi em lớn, ngày thường mẹ nấu cơm em ăn, giặt đồ em mặc”. Bài văn tuy 4 điểm nhưng “tôi” cũng không hề buồn vì viết về mẹ đâu chỉ bằng vài câu mà phải viết bằng tất cả tấm lòng, viết bằng chiều dài bằng cả cuộc đời.

Câu chuyện tuy chỉ vài trang giấy, là “kỳ quan nhỏ bé” nhưng nó lại “có sức chấn động phi thường” bởi những giá trị nhân văn sâu sắc. Ngôn từ giản dị nhưng dạt dào cảm xúc, chất thơ thấm đẫm, truyện ngắn “Người mẹ vườn cau” đã mang gợi đến cho mỗi chúng ta những kỉ niệm hạnh phúc về mẹ và những bài học về việc báo đáp công ơn mẹ, cách ứng xử của con người với quá khứ. Mỗi chúng ta có thể có nhiều mẹ, nhưng mẹ sinh ra và nuôi dưỡng ta chỉ có một mà thôi. Ai rồi cũng có gia đình riêng nhưng mái ấm có người mẹ chờ mong luôn là ngôi nhà mà chúng ta nên trở về nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiết mục rap hề chèo mới lạ và thú vị tại sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'. Ảnh: Bình Thanh

Khi hề chèo mời gọi...

GD&TĐ - Dù trời tối và mưa, nhưng rạp Kim Mã (Hà Nội) vẫn gần như kín chỗ khi mở cửa đón khách tới sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'.