Bài tập về nhà có thực sự cần thiết?

GD&TĐ - Theo báo cáo hằng năm của cơ quan chuyên trách về giáo dục phổ thông của Anh (Ofsted), hơn 1/3 phụ huynh cho rằng bài tập về nhà chẳng những không cần thiết đối với trẻ trong độ tuổi tiểu học, mà còn tạo ra áp lực quá mức đối với nhiều gia đình. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến khẳng định bài tập về nhà sẽ giúp trẻ vươn lên trong việc học. Cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ.

Bài tập về nhà tạo áp lực cho học sinh?
Bài tập về nhà tạo áp lực cho học sinh?

Nên thay bằng đọc sách?

Theo ông Edward Balfour, Hiệu trưởng Trường Beechwood Park, ở Hertfordshire (Anh), cùng với việc giúp củng cố những gì một đứa trẻ học được trong lớp, bài tập về nhà là “một phần của sự phát triển kiến thức độc lập”.

Bằng cách đặt ra công việc đầy thách thức, “đẩy nhẹ nhàng trẻ ra khỏi vùng thoải mái”, bạn giúp phát triển sự độc lập, tự tin và chuẩn bị cho chúng trưởng thành”.

Hiệu trưởng Balfour cho biết thêm, mặc dù được coi là hoạt động do giáo viên hướng dẫn nhưng“bài tập về nhà có thể giải phóng cho học sinh”, cho phép chúng “thể hiện tính cách, sự tinh tế, khéo léo, sáng tạo”.

Mặt khác, ông lập luận rằng bài tập về nhà có thể tác động tích cực đến cuộc sống gia đình, nó khiến cả gia đình tham gia vào việc học của trẻ. Điều này giúp “củng cố mối quan hệ hợp tác giữa trẻ và nhà trường; trẻ và phụ huynh; phụ huynh và nhà trường”, do đó giúp gắn kết việc học.

Theo Christopher King, Giám đốc điều hành Hiệp hội Các trường dự bị (IAPS) của Anh, thực tế đã có một sự thay đổi đối với bài tập về nhà trong giáo dục tiểu học. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng các trường học đang chuyển dạng bài tập về nhà truyền thống - vốn bị qui kết là soạn ra cho phụ huynh chứ không phải cho học sinh, sang một thứ gì đó hiệu quả hơn, chẳng hạn như đọc sách đều đặn”.

Một cơ sở giáo dục đã thực hiện kiểu bài tập về nhà mới này là Trường Tiểu học Tư thục Littletown ở Honiton (Anh). Từ năm 2018, thay vì làm bài tập tiếng Anh và toán ở nhà, học sinh phải đọc sách 20 phút mỗi tối và được cung cấp danh sách các hoạt động tùy chọn mỗi học kỳ, liên quan đến một chủ đề mà các em đang học. Theo David Perkins, Hiệu trưởng của trường, cách tiếp cận thoải mái này đã khuyến khích việc học tập độc lập của học sinh.

Ông còn cho rằng, các trường học cần ý thức về sự tác động của bài tập về nhà lên đời sống gia đình của học sinh. Ông nói: “Hiện nay, thời gian dành cho gia đình của mỗi người ngày càng co hẹp hơn bao giờ hết nên tôi nghĩ, khi chúng ta yêu cầu con cái làm gì đó ở nhà, điều quan trọng là chúng phải cố gắng và làm chính xác. Đây là một lý do khiến các trường cần thực hiện giải pháp cho học sinh đọc sách 20 phút mỗi ngày, vì như thế sẽ tăng thời gian tích cực khi ở nhà”.

Áp lực từ bài tập về nhà

Bài tập về nhà có thể tác động đến trẻ em khác nhau tùy thuộc vào sự hỗ trợ mà chúng nhận được ở nhà. Tiến sĩ Howard Fine (chuyên gia tâm lý trẻ em của Anh) cho biết, nếu thuộc tầng lớp trung lưu, trẻ có nhiều sự hỗ trợ hơn khi làm bài tập về nhà, trái lại, nếu đến từ một gia đình có nền tảng kinh tế xã hội thấp, trẻ ít được hỗ trợ, gặp nhiều áp lực hơn đối với bản thân.

Ông Balfour đồng ý khi cho rằng, một số trẻ em đang ở thế bất lợi, nhưng: “Tôi nghĩ vấn đề ở đây là bài tập về nhà có thể là một thách thức đối với một số học sinh trong môi trường gia đình của các em. Nhưng theo tôi, đó không chỉ là bài tập về nhà, mà còn là toàn bộ việc học”.

Các chuyên gia giáo dục cũng bất đồng về tác động của bài tập về nhà đối với sức khỏe của trẻ. Trong khi Balfour lập luận, bài tập về nhà khuyến khích “sự độc lập và tự tin” của học sinh, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe tinh thần, thì TS Fine lại cho rằng, điều này chỉ có thể đúng trong phạm vi hẹp.

Ông nói: “Có nên bắt trẻ em phải làm quá nhiều bài tập về nhà khi chúng còn quá nhỏ không? Nếu có, điều này sẽ tác động đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Làm quá nhiều bài tập về nhà, quá nhiều áp lực, sẽ ảnh hưởng đến sự tự tin của trẻ, chúng luôn tự hỏi “Tôi có đủ tốt không? Tôi có thể theo kịp không?”.

Thường có áp lực nhiều hơn nếu trẻ em có “phụ huynh trực thăng” (Khái niệm chỉ các ông bố bà mẹ luôn lởn vởn như chiếc trực thăng xung quanh con cái để giám sát và bảo vệ chúng một cách thái quá), vì đây là những bậc cha mẹ “có thể thúc đẩy con làm việc ngày càng nhiều”.

Điều này có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe của một đứa trẻ “vì càng cho chúng làm nhiều bài tập về nhà, chúng càng lo lắng, tăng trầm cảm, có thể gặp một số vấn đề về hành vi cũng như xáo trộn tâm trạng”. Điều cốt yếu là trẻ em không bị quá tải với công việc. Có những bậc cha mẹ đã nói rằng: “Con tôi không có thời gian để sống như một đứa trẻ...”.

Lời khuyên dành cho phụ huynh

Trong trường hợp trẻ vẫn phải làm bài tập ở nhà, lời khuyên của các chuyên gia giáo dục Anh dành cho phụ huynh như sau:

Đối với trẻ tiểu học:

- Tạo không gian cho trẻ làm bài tập về nhà: Dành một nơi yên tĩnh trong nhà, sắp xếp bút, vở ngăn nắp, sẵn sàng cho trẻ học.

- Xem việc làm bài tập của con là nghiêm túc: Điều này sẽ khuyến khích trẻ cũng nghĩ như vậy. Do đó, không TV, không radio trong lúc chúng làm bài. Hãy cho trẻ thấy bạn tắt điện thoại, để chúng nghĩ rằng bản thân cũng không được xao lãng.

Nếu chúng thật sự chật vật để hoàn thành bài tập, bạn khuyên chúng nên ngưng, đừng để chúng mệt mỏi, lo lắng. Hãy trấn an rằng, bạn sẽ gửi một bức thư ngắn đến trường, nói cho giáo viên biết con bạn cần giúp đỡ. Trường học luôn hoan nghênh điều này và giáo viên sẽ quan tâm hướng dẫn con bạn.

Đối với trẻ trung học:

- Không làm thay bài tập về nhà của con bạn. Nếu chúng đã làm hết cách mà vẫn không giải quyết được bài làm, hãy hướng dẫn chúng về nguồn tài liệu trên mạng để chúng tham khảo, tìm ra sự giúp đỡ phù hợp.

- Hãy giúp chúng tập trung thời gian làm bài tập bằng cách tắt điện thoại và những thiết bị làm xao lãng khác. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần nhắc trẻ nghỉ giải lao sau một khoảng thời gian nào đó.

“Có nên bắt trẻ em phải làm quá nhiều bài tập về nhà khi chúng còn quá nhỏ không? Nếu có, điều này sẽ tác động đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Làm quá nhiều bài tập về nhà, quá nhiều áp lực, sẽ ảnh hưởng đến sự tự tin của trẻ, chúng luôn tự hỏi “Tôi có đủ tốt không? Tôi có thể theo kịp không?” 
Tiến sĩ Howard Fine (Chuyên gia Tâm lý trẻ em)
Theo Telegraph

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.