Anh: Học sinh áp lực tâm lý do thi cử

GD&TĐ - Kết quả từ cuộc khảo sát do trang tin Mumsnet thực hiện mới đây đã hoàn toàn gây bất ngờ, khi phần lớn trẻ nhỏ cảm thấy áp lực tâm lý nặng nề bởi kết quả học tập, hơn cả nỗi lo bị bắt nạt tại trường hay trên mạng xã hội.

Nhiều học sinh gặp vấn đề về tâm lý bởi áp lực học tập
Nhiều học sinh gặp vấn đề về tâm lý bởi áp lực học tập

Áp lực đè nặng

Theo kết quả của cuộc khảo sát mới đây tại Anh, cứ 3 phụ huynh được hỏi thì 2 người cho rằng, áp lực thi cử đang ảnh hưởng lớn đến tâm lý trẻ em. Con số này tương đương với hơn 1/3 phụ huynh cho biết, con em họ thường xuyên mất ngủ do quá lo lắng về kết quả học tập. Ngoài ra, nhiều cha mẹ có con từ 13 tuổi trở lên khẳng định, trẻ bị ảnh hưởng “nghiêm trọng” tới tâm lý và thể chất do thi cử. 9% phụ huynh tham gia cuộc thăm dò chia sẻ, con họ đã phải tới những cơ sở y tế vì gặp vấn đề về tâm lý.

Cuộc khảo sát của trang tin Mumsnet với sự tham gia của hơn 1.500 phụ huynh có con ở độ tuổi đến trường, được thực hiện vào thời điểm hàng chục nghìn học sinh trên cả nước Anh bắt đầu tham gia các kỳ thi SATS, GCSE và A-level.

Trước câu hỏi đâu là nguyên nhân chính gây ra áp lực cho con trẻ, thay vì mạng xã hội hay việc các em bị bắt nạt tại trường học, hầu hết các bậc phụ huynh đều lựa chọn chính kết quả học tập đã tác động tiêu cực tới trẻ . Ông Justine Roberts - nhà sáng lập Mumsnet cho rằng: “Nhiều thanh thiếu niên khẳng định không hề cảm thấy bận tâm về kết quả học tập. Tuy nhiên, phụ huynh lại thường lo ngại về áp lực học tập của các con”.

Học sinh thường xuyên phải chịu áp lực lớn từ kỳ thi và điểm số sau đó, khiến tâm lý trở nên bất ổn, đặc biệt là ở bậc tiểu học. Trước bối cảnh này, chính phủ Anh đã cam kết sẽ loại bỏ các kỳ thi SATS; đồng thời cho biết sẽ đưa ra kế hoạch đánh giá mới đối với trẻ 4 tuổi ở các trường tiểu học nước này. Chính trị gia Jeremy Corbyn khẳng định, “hệ thống những bài kiểm tra gây áp lực” sẽ bị gỡ bỏ bởi kết quả từ cuộc khảo sát cho thấy, trẻ em thường xuyên khóc, gặp áp lực và thậm chí là nôn mửa vì quá lo lắng về kết quả bài thi.

Giải pháp cấp thiết

Theo Thanh tra trưởng của Văn phòng Tiêu chuẩn về Giáo dục, Dịch vụ và Kỹ năng của trẻ em (OFSTED) bà Amanda Spielman, giáo viên không nên thông báo trước cho học sinh tiểu học về bài kiểm tra sắp tới, tránh gây lo lắng cho các em. Bà Spielman cho rằng, việc nhà trường hỏi thăm học sinh về cảm giác trước khi thi sẽ càng khiến họ áp lực.

Tuy nhiên, vị thanh tra trưởng này cho biết, chính phủ không nên bỏ hết các bài kiểm tra ở bậc tiểu học. Thay vào đó, giáo viên có thể làm nhiều hơn để bảo đảm các em không gặp phải những tác động tiêu cực. “Trường học tốt là khi có thể cho học sinh thực hiện các bài kiểm tra mà các em vẫn không biết rằng đó là bài kiểm tra”, bà Spielman chia sẻ. “Tôi cũng từng là một học sinh tiểu học cách đây không lâu và chứng kiến hiệu trưởng vỗ vai một số học sinh, hỏi thăm liệu họ có thấy ổn sau bài kiểm tra”. Vị thanh tra khẳng định, những câu hỏi thăm như vậy thực chất càng làm học sinh bận tâm hơn tới điểm số.

Khi ngày càng nhiều học sinh trở nên quá áp lực, chịu ảnh hưởng tâm lý nặng nề bởi các kỳ thi và điểm số, bà Amanda Spielman đã đưa ra lời khuyên tới không chỉ nhà trường, mà còn cả các bậc phụ huynh. Chia sẻ với truyền thông, bà cho rằng, các giáo viên nên hạn chế hỏi về cảm giác của trẻ sau thi cử, điều này sẽ giúp cải thiện phần nào tâm lý các em.

Bên cạnh đó, vị thanh tra của OFSTED khẳng định, người lớn không nên coi kết quả thi cử là một việc quá nghiêm trọng. “Vấn đề sẽ chỉ trở nên to tát đối với các em nhỏ khi người lớn coi là như vậy”, bà Spielman nói thêm.

Nhiều thông tin cho biết, các tiêu chí đánh giá học lực của học sinh sẽ được thay đổi và chính thức áp dụng vào tháng 9 tới. Theo đó, việc đánh giá năng lực sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào điểm số từ các bài kiểm tra như trước. OFSTED cũng hy vọng sự thay đổi này sẽ khiến các trường học không còn tập trung vào phương thức “giảng dạy chỉ để thi” và chỉ cung cấp kiến thức lý thuyết cho trẻ.

Được biết, những hành vi bắt nạt bạn học và phân biệt đẳng cấp trong trường cũng sẽ trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực học sinh. Bên cạnh đó, các trường học cũng phải bảo đảm sẽ cung cấp cho các em nhỏ một môi trường học tập tốt, cởi mở và công bằng.

Hiện nay, hầu hết các trường vẫn đánh giá học sinh dựa trên sự phát triển cá nhân, hành vi và phúc lợi của họ, nhưng OFSTED sẽ đưa ra 2 yếu tố mới để đánh giá về sự phát triển cá nhân và hành vi thái độ. Những thay đổi này được đưa ra sau một cuộc thăm dò ý kiến của cộng đồng, thu về hơn 15.000 câu trả lời.

Bà Spielman nhấn mạnh: “Những tiêu chí mới đặt việc thanh tra và hỗ trợ các nhà lãnh đạo cũng như giáo viên lên hàng đầu. Chúng tôi hy vọng trong những năm tới, các nhà lãnh đạo trường học sẽ không còn cảm thấy cần phải thiết lập và phân tích hàng loạt dữ liệu nội bộ để kiểm tra. Thay vào đó, chúng tôi muốn họ dành thời gian giảng dạy và tạo ra sự khác biệt thực sự cho cuộc sống của trẻ - lý do tại sao họ theo nghề giáo”.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục Anh, ông Damian Hinds: “OFSTED có vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống GD và việc giới thiệu khuôn khổ mới này là một bước cần thiết trong nỗ lực hỗ trợ nâng cao các tiêu chuẩn trong hệ thống trường học, giúp trẻ em được tiếp cận với thế giới GD”. Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác với OFSTED trong việc triển khai tiêu chí mới, đặc biệt là trong năm chuyển tiếp đầu tiên để bảo đảm rằng, đây là một thay đổi tích cực trong hệ thống trường học.

Theo Independent

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.