Bài phát biểu chạm đến trái tim sinh viên của thầy Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm

GD&TĐ - Mới đây, trong lễ trao bằng Cử nhân cho sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thầy Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng nhà trường đã có bài phát biểu đầy xúc động dành cho sinh viên tốt nghiệp.

GS Nguyễn Văn Minh trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên khóa 65.
GS Nguyễn Văn Minh trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên khóa 65.

Gần gũi, chân thành và đầy cảm xúc là tất cả những gì có trong bài phát biểu của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh.

Bài phát biểu không giống như những lời được nghe theo cách truyền thống mà trong đó là lời thầy gửi gắm những lời dạy, lời khuyên, chỉ bảo tới các sinh viên chuẩn bị con đường mới, công việc mới sau khi tốt nghiệp Đại học. Đặc biệt là cách thầy dạy các em làm nghề cao quý - nghề giáo.

Những giọt nước mắt đã rơi, những tràng pháo tay không ngớt và cả những cái gật đầu như lời hứa: Chúng em sẽ cố gắng!

Báo GD&TĐ xin trích dẫn nguyên văn bài phát biểu của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh trong buổi lễ trao bằng Cử nhân cho sinh viên trường ĐH Sư phạm dưới đây:

"... Hôm nay, thầy đến đây để chúc mừng các em sinh viên. Thầy biết các em đang cố níu thời gian và không gian ngừng lại, nhưng thời gian vẫn mãi trôi và mái trường nằm ở phía rất xa. Tương lai đang ở phía trước. Vì vậy, các em hãy cứ đi, để đền đáp lại những tháng năm qua.

Chúng ta có mặt hôm nay ở đây vì chúng ta có tình yêu thương, có niềm tin, có khát vọng và chí hướng vì những điều cao cả. Chúng ta không thể đứng nhìn thời cuộc và đứng ngoài thời cuộc. Các em là một thành tố trong cấu trúc xã hội, là những người quyết định vận mệnh tương lai của đất nước.

Hãy dám nghĩ những điều chưa từng có, nhưng đừng bắt đầu từ những điều hoang tưởng và viển vông.

Thầy hằng mong sự khởi đầu hôm nay của các em không phải bắt đầu từ sự xa hoa, hào nhoáng mà hãy bắt đầu bằng những điều chân thực, từ những trăn trở với người, với đời và với thời cuộc. Hãy khởi đầu bằng tình yêu thương và lòng bao dung cao cả.

Hãy bắt đầu nơi những em bé còn ăn mèn mén thay cơm, phải co ro trong ngày đông giá rét. Hãy bắt đầu từ những đồng làng khô cằn, mẹ cha của các em vất vả dưới nắng chang chang. Hãy bắt đầu từ những điều thương tâm hàng ngày xảy ra trong cuộc sống.

Hãy bắt đầu bằng hành động để trả lời "Vì sao đất nước vẫn còn nghèo? Vì sao những giá trị cao sang đang bị bào mòn?". Hãy phá vỡ những giới hạn chúng ta có. Các em có dám dấn thân để thay đổi cuộc đời?

Ngày mai các em bước vào đời. Ngày mai sẽ không còn sự bình yên thơ mộng trên giảng đường, không còn chầm chậm bước chân trên con đường nhuốm sắc vàng mùa lộc vừng thay lá, không còn mơ mộng vu vơ. Bước ra đời là bước vào cuộc sống.

Ở đó, có sự diệu kỳ, có điều ngang trái, có điều lạ lẫm và có cả những nỗi chán chường. Nhưng đó là cuộc sống.

Hãy yêu lấy cuộc sống và làm cho cuộc sống tốt hơn. Hãy bắt đầu từ những điều bình dị và hãy bắt đầu từ tình yêu thương, lòng tha thứ để không còn những điều đau lòng, yêu thương sẽ xóa tan thù hận.

Đừng chọn thời gian cho mỗi riêng mình và đừng chọn lối mòn mà đời ta từng quen đi lại, chỉ trừ lối về quê cha đất mẹ. Hãy bắt đầu những điều tưởng chừng rất dễ để cảm hóa một con người, để họ nhận biết đúng sai. Biết gieo vào lòng người nhiều hy vọng và ngày mai sẽ tốt tươi hơn.

Hãy biết khát vọng và gieo mầm khát vọng, nghèo nàn rồi sẽ đi qua, căn nhà gió lùa ngày mai rồi sẽ kín. Và đồng làng rồi sẽ mỡ màng. Những câu chuyện cổ tích rồi sẽ đến, nhưng không phải là những giấc chiêm bao ngồi chờ ông bụt hiện hình mà phải thực hiện bằng bàn tay và khối óc, bằng nhọc nhằn và gian khó của mỗi người. Đừng gieo vào lòng người những ảo tưởng vì không làm sẽ không có cái ăn.

Hãy bắt đầu tạo dựng niềm tin giữa con người. Niềm tin phải được bắt đầu từ chân thành và tôn trọng, từ sự trung thực của mỗi người. Một xã hội văn minh được dựng lên từ những con người trung thực. Vì vậy, hãy thay đổi chính mình đầu tiên. Đừng kỳ vọng thay đổi xã hội khi chính mình chưa đổi thay.

Các em là những người hạnh phúc vì các em không bị ám ảnh bởi tiếng súng, tiếng bom. Các em được tiếp cận những thành quả mới nhất của nhân loại và các em đang sống trong một thời đại tuyệt vời.

Thầy đang cố gắng để theo kịp các em, học hỏi các em nhưng không dễ. Có lúc, thầy cảm nhận sự lạc hậu của mình trong các quan niệm, trong cách thức, trong điều kiện và trong hành động. Thậm chí, có lúc cảm thấy hụt hơi.

Nhưng thầy lấy đó làm niềm hạnh phúc để cố gắng. Bởi vì nếu thế hệ trước vượt qua thế hệ sau thì đó là rủi ro. Trong tiến trình đi tới, thế hệ sau đi chậm hơn là điều đáng buồn. Thầy thường hoài nghi và lo lắng quan niệm của mình có lạc hậu hay không và hôm nay thầy mạo muội chia sẻ với các em.

Thầy tự hỏi rằng một con người không hiểu biết về cội nguồn thì sẽ ra sao, có bơ vơ và vô vọng hay không? Có lúc thầy liên tưởng đến robot. Hay chăng tương lai của chúng ta sẽ hành động theo lập trình? Tự nhiên thầy cảm giác rùng mình và một lần nữa tự hỏi bản thân mình quá lạc hậu chăng?

Thầy quyết định thử một vài trò chơi và chiêm nghiệm nhân vật mà thời bé thầy coi như dị nhân. Những màn đâm chém tóe lửa và thi thoảng đâu đó trên báo có những vụ án chém giết kinh hoàng, khiến thầy liên tưởng có gì đó đáng sợ trong xã hội mình.

Rồi những điều đang gây sốt trên cộng đồng mạng. Có phải thế giới ảo đang tấn công, đang xâm chiếm thế giới thực hay không? Hay chính con người của thế giới thực đang bị đe dọa và tự biến mình thành nhân vật trong thế giới ảo vì họ chưa xác định được ý niệm cuộc đời và chưa xác định được mục đích cuộc sống.

Thầy không rõ ở đây có bao nhiêu em biết thu nhập bình quân của người Việt Nam hay biết bố mẹ mình kiếm đồng tiền gian khổ đến nhường nào?

Có bao giờ các em dành một khoảng lặng để nghĩ về những người đồng trang lứa của các em ngày đêm đang chắp tay súng bên biên cương tổ quốc, tuổi xuân của họ trôi qua để dành bình yên cho các em thong thả trên giảng đường? Ai đó sống vô ơn và thờ ơ với những người vì mình thì làm sao lớn lên giữa cuộc đời này được.

Dạo rồi, rất nhiều người hỏi thầy về những vụ lùm xùm liên quan đến nhà giáo. Đau lắm các em ạ. Cho dù điều đó chạm đến lòng tự trọng, đến tâm can của chúng ta, làm hoen ố thanh danh nhà giáo. Lùm xùm đó bùng lên dữ dội bởi gió bão trong không gian mạng.

Nhà trường, thầy cô đã cố gắng tất cả nhằm giúp các em định hình giá trị và cuộc sống là một quá trình rèn luyện. Ai lơ là, ai thờ ơ, ai buông xuôi chắc chắn sẽ vướng vào những điều không mong muốn.

Nghề nghiệp và giá trị nghề nghiệp quan trọng lắm. Không yêu quý, chăm chút cho nghề mình thì làm sao có thể giáo dục được. Không ít người hỏi thầy liệu với đồng lương ít ỏi và khó khăn, có còn nhiều học sinh mặn mà với nghề giáo hay không? Kỳ lạ thay, rất ít câu hỏi nền giáo dục sẽ về đâu nếu không có những người thầy tận tâm và giỏi giang với nghề nghiệp.

Thầy lo lắng thực sự nhưng thầy không bi quan. Các em cho thầy niềm tin, các em là minh chứng cho một thế hệ nhà giáo mới, thế hệ trí thức mới. Vì thế, thầy tin rằng trong huyết quản các em - thế hệ sinh viên ngày nay có dòng máu hào hùng của cha anh thuở trước và dám xả thân.

Quê thầy có nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, có nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, có dòng sông Bến Hải chia cắt đất nước suốt 20 năm ròng rã. Có rất nhiều nấm mồ chưa xác định được tên. Hầu hết họ đã ngã xuống, đánh đổi tuổi thanh xuân và mang vào lòng đất mẹ cả những nỗi đau cháy bỏng.

Thầy tin rằng các em là người luôn biết ơn và trách nhiệm. Thầy tin rằng các em và thế hệ sinh viên ngày nay, tất cả không chỉ sống cho riêng mình mà sẵn sàng dấn thân vì nghiệp lớn. Chắc chắn các em hiểu rằng giáo dục là động lực phát triển để mang lại hạnh phúc.

Ngoài cái ăn, cái mặc, con người còn có những đam mê và khát vọng. Khát vọng của tuổi trẻ là cống hiến. Trách nhiệm của thế hệ trước là thổi bùng ngọn lửa trong trái tim của thế hệ sau, truyền niềm đam mê để họ dốc sức dời non lấp bể vì một đất nước tự cường.

Các em phải hành động để gắn kết và thay đổi. Các em hãy dám nghĩ điều lớn lao cho đất nước, phải trăn trở, lo toan vì thời cuộc. Và tìm cho mình trọng trách để dấn thân.

Thầy mong các em đừng an phận, lười biếng và tự bằng lòng. Thời đại hiện đại đòi hỏi kỹ thuật, năng suất lao động tạo ra từ trí thông minh. Không ít em cứ khó là thoái thác, là đi tìm việc dễ; cũng không ít em an phận từ rất sớm, tự bằng lòng với những gì mình có được để sống qua ngày.

Thiếu khát vọng, tự thân thì sẽ không có động lực nội tại và dẫn đến không còn chí tiến thủ. Mong rằng ai đó còn chơi vơi sẽ phải đổi thay.

Thầy mong các em chắt chiu thời gian để dành cho tương lai. Ở đó không chỉ có vườn hồng đầy hoa trái mà có cả những ngày nắng hạ hanh khô, những đêm đông giá buốt. Những bổn phận và vinh quang của các em là đi để thay đổi cuộc đời, sẽ là thầy giáo, cô giáo, sẽ là những trí thức. Hãy đi vào tâm bão, đi để khôn lớn, đi để thay đổi cuộc đời...".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống phòng không Patriot.

Nhận thêm Patriot để chặn Oreshnik?

GD&TĐ - Đức cùng Đan Mạch đã cung cấp cho Ukraine thêm 15 xe tăng Leopard, gửi một hệ thống IRIS-T SLS, một IRIS-T SLM và tăng cường Patriot.

Rashford công khai đòi rời Man Utd

Rashford công khai đòi rời Man Utd

GD&TĐ - Marcus Rashford tuyên bố "sẵn sàng cho thử thách mới" sau khi bị gạch tên khỏi trận Man Utd thắng Man City 2-1 ở vòng 16 Ngoại hạng Anh.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Nậm Ban, Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh minh họa: Nguyễn Lâm

Nỗi sợ của người thầy!

GD&TĐ - Bao giờ các bậc thầy cô giáo mới được quyền giáo dục con trẻ như chính cha mẹ giáo dục con cái “thương cho roi cho vọt”...

Nhiều năm dạy học ở miền núi, cô Hải luôn tận tâm với học sinh. Ảnh: NVCC

'Bắc nhịp cầu' giúp trò miền núi

GD&TĐ - Dạy học ở địa bàn vùng sâu, xa nhiều năm, nữ nhà giáo ở Quảng Trị luôn trăn trở khi nhận thấy học sinh thiếu thốn nhiều mặt...

Trà từ lõi ngô của nhóm sinh viên Đại học Duy Tân.

Sinh viên chế biến trà từ lõi ngô

GD&TĐ - Trà từ lõi ngô thơm ngon, giàu chất oxy hóa, vị ngọt thanh, không sinh năng lượng, tốt cho người tiểu đường, người ăn kiêng là sản phẩm của nhóm SV ĐH Duy Tân.