Dạy trẻ cách nhận lì xì Tết

GD&TĐ - Một mùa Xuân mới 2022 đang về, người với người lại có dịp quây quần bên nhau. Người già ngắm con cháu xum vầy. Trẻ con xúng xính quần áo mới. Thanh thiếu niên du Xuân vui vẻ…

Người lớn cần căn dặn con trẻ một số kỹ năng khi nhận phong bao lì xì (ảnh minh họa).
Người lớn cần căn dặn con trẻ một số kỹ năng khi nhận phong bao lì xì (ảnh minh họa).

Trong tiết thanh xuân ấy, trẻ em thường theo cha mẹ, đi chúc Tết ông bà, họ hàng và sẽ được nhận thật nhiều bao lì xì tươi thắm. 

Có những hình ảnh rất vui trong dịp như vậy nhưng, có không ít tình huống khó xử xảy ra khi con trẻ nhận lì xì.

Theo chị Lê Phương (giáo viên trường THCS Cẩm Bình, Thanh Hóa), trẻ con rất vô tư nên cần người lớn giúp chúng để có thái độ đúng đắn khi nhận lì xì: “Trẻ ở vùng sâu, vùng xa ngày trước ít khi được nhận lì xì hơn trẻ em thành phố. Tuy nhiên, những năm gần đây trẻ được tiếp xúc nhiều với tập tục này. Nhiều trẻ vì quá vô tư “cho là nhận” thậm chí cầm 1 tay và chả nói lời cảm ơn. Vì thế, ngay trong trường học, giáo viên cũng cần giúp các em để có thái độ văn minh hơn trong khi nhận lì xì”.

Còn theo nhà thơ Hạ Ly: “Con trẻ đôi khi quá vô tư nhưng làm người lớn chạnh lòng bởi thái độ nhận lì xì. Để tránh những trường hợp trên, không ai khác người lớn, sách báo, gia đình, trường học… phải hỗ trợ giúp các em hiểu về những câu chuyện liên quan đến nhận lì xì, hướng dẫn các em, dạy, thậm chí dỗ từng bước để tạo nên thói quen và trở thành nét văn hóa trong trẻ nhỏ khi nhận lì xì”.

Như vậy, người lớn nên giúp các bé với những điều căn dặn sau đây:

Câu chuyện thú vị về bao lì xì

Câu chuyện về nguồn gốc, xuất xứ của bao lì xì rất thú vị mà người lớn nên kể cho các bé biết. Đó là câu chuyện dễ nhớ, dễ đi vào lòng con trẻ trước dịp Xuân về:

“Ngày xưa, khi Tết đến Xuân về, ông Táo lên chầu trời, việc ở dưới trần không ai cai quản, bọn quỷ dữ thừa cơ hội gây ra nhiều tai họa. Đặc biệt là ở những nhà có các cháu nhỏ, khi cha mẹ mải mê lo việc sắm Tết, các cháu nhỏ thường bị quỷ dữ vào phá rối giấc ngủ, gây bệnh tật. Đã có cháu còn bị quỷ dữ cướp đi.

Thấy vậy, dân làng vô cùng lo lắng. Họ cầu xin Trời Phật giúp họ. Ông Phật xuống trần trong hình dáng của ông Bụt. Để tránh khỏi việc phá rối của quỷ dữ với mùa màng, ông bày cho người dân treo cây cột cao ở ngoài sân, rồi vắt chiếc áo của ông trên đó. Bóng chiếc áo đổ che khuất cả nhà, tránh được sự nhòm ngó của quỷ dữ. Đây chính là nguồn gốc của cây nêu.

Với trẻ nhỏ, ông cho bọn trẻ mỗi cháu một đồng xu nhỏ gói trong giấy đỏ đẹp và dặn gia đình đặt ở dưới gối khi cháu ngủ. Quỷ dữ xuống phá trẻ con sẽ bị ánh sáng của đồng tiền Phật làm cho chói mắt. Vì thế, chúng sợ mà bỏ chạy.

Sau này, người lớn trong gia đình cũng làm theo Bụt, cứ đến Tết là tặng trẻ những đồng xu nhỏ để xua đuổi quỷ dữ, để chúng không còn cơ hội quấy nhiễu trẻ em”

Một câu chuyện ngắn chỉ với khoảng 200 chữ ấy sẽ giúp trẻ hiểu rõ ý nghĩa của tục lệ tặng lì xì. Điều ấy ngầm định giáo dục trẻ “người tặng bao lì xì là người muốn mang đến cho trẻ sự an bình, mong muốn trẻ gặp điều tốt lành, che chở và bảo vệ trẻ khỏi những điều xấu xa”.

Thái độ nhận lì xì

Nhận những bao lì xì xinh xinh, màu sắc bắt mắt, nhiều bé cứ thế hồn nhiên nhận mà không bày tỏ cảm xúc hay sự biết ơn với người trao. Lại có bé có khi không thích màu sắc của bao lì xì nên mặt ỉu xìu, thậm chí vứt bao lì xì ấy xuống đất. Rồi có bé lại mở ngay lì xì trước mặt người trao… Tất cả những điều ấy đều cần thay đổi.

Khi kể câu chuyện xuất xứ của bao lì xì ở trên, sau khi kết thúc, người lớn ngay lúc ấy không quên căn dặn: “Các con thấy đó, người lớn tặng lì xì cho các con với mục đích là mong muốn xua tan quỷ dữ cũng như xua đi những điều xấu xa xảy ra cho các con. Vì vậy, các con nên cảm ơn người tặng và trân trọng bao lì xì ấy.

Nhận lì xì bằng hai tay với thái độ vui vẻ và đừng mở chúng ra ngay lập tức. Sau này khi mở rồi, nếu trong đó dù ít hay nhiều thì cũng đều là tấm lòng của người lớn muốn trao gửi cho các con. Các con cần cảm ơn vì điều ấy và tuyệt đối không nên cằn nhằn về số tiền. Bởi, dù ít hay nhiều, đó cũng là ước nguyện của người trao mong tốt đẹp cho các con”.

Đặc biệt, cũng nên dạy con về việc không nên xé phong bao lì xì khi đang ở trước mặt khách. Như vậy, làm cho khách chạnh lòng bởi họ sẽ nghĩ “hóa ra con lại quan tâm đến số tiền hơn là lời cầu ước…”.

Ứng xử với bao lì xì

Sau khi nhận lì xì, người lớn cũng giúp các con ứng xử phù hợp với những bao lì xì xinh xắn ấy. Nếu các con đã đến tuổi sử dụng tiền thì người lớn cần dạy con cách sử dụng hợp lý số tiền lì xì đó. Cách thức đơn giản là giúp con lên kế hoạch sử dụng số tiền đó.

Đó là những đồng tiền có thể giúp các em chi tiêu trong mua sắm đồ dùng học tập, chiếc áo mới hoặc đăng ký tham gia môn học đòi hỏi tài chính nhiều…

Nếu đối với các bé nhỏ hơn chưa biết cách sử dụng hợp lý thì giúp các bé bỏ ống tiết kiệm, giảng giải cho con “sau này lớn ống lợn này sẽ giúp con trong nhiều việc thiết thực” hoặc người lớn có thể đưa con đi đến cửa hàng, cho con tự chọn đồ và tự trả tiền.

Nói chung, ứng xử chưa đúng với bao lì xì không hẳn là lỗi chỉ ở trẻ nhỏ, người lớn cần giúp chúng ngay từ những năm đầu non nớt. Ngoài kia, tiết xuân đang tràn ngập, hy vọng các bé sẽ hiểu và có ứng xử đẹp trong câu chuyện lì xì năm mới 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ