Có lẽ những kinh nghiệm va chạm với đời đã làm cho một người có vẻ mặt hồn nhiên như nó trở nên già dặn trước tuổi. Dù đã cố điềm tĩnh nhưng nó vẫn chưa hết buồn, bộ óc non nớt phủ đầy cay đắng mùi đời đang suy nghĩ mông lung lắm.
Đổi nhầm vé số giả, đau lắm chứ. 10 tờ trúng giải 7, tức hai triệu đồng chứ đâu ít ỏi gì. Mẹ nó dặn, nếu một hai tờ thì đổi, nhiều quá thì thôi, vé số giả bây giờ vô cùng tinh vi, mắt thường đành chịu thua.
Nó nghe lời mẹ dạy ấy chứ. Nhưng do hôm nay khách mua đến cả hai trăm tờ, nó mừng ơi là mừng, còn nghĩ gì đến chuyện thật giả nữa. Vả lại, vẻ sang trọng của hai vị khách trung niên khiến nó mất đi sự cảnh giác.
Mất tiền, thằng bé không thiết gì đến chuyện quay về căn phòng trọ ọp ẹp nằm bên dòng kênh đen ngòm. Nó sợ làm mẹ buồn. Biết rằng mẹ sẽ không đánh, mắng như nhìn gương mặt buồn rầu rầu của mẹ làm cho nó chịu không nổi.
Cuối năm rồi, mẹ có biết bao nhiêu thứ phải lo, mà cái gì cũng cần đến tiền, giờ mà thông báo mất tiền thì căn bệnh tim của mẹ sẽ tái phát. Mà không về phòng chẳng lẽ bỏ đi luôn. Ôi chao, nó đang nghĩ đến chuyện làm thế nào để bù đắp số tiền thiếu hụt ấy, dù không đủ, chí ít cũng xêm xêm.
Ăn trộm, ăn cắp là thói xấu, tất nhiên nó không dám làm rồi. Bởi mẹ nó luôn dạy, nghèo cho sạch, rách cho thơm. Không làm chuyện ác mà làm lương thiện, trong một ngày tìm đâu ra hai triệu đồng kia chứ? Bán vé số cả ngày, giỏi lắm chỉ lời hai trăm ngàn là cùng.
Mà mấy hôm nay ế ẩm quá, người bán đi đầy trên phố, trong khi người mua chẳng thấy đâu. Người ta lục tục kéo nhau về quê ăn Tết hết cả rồi. Dân thành phố cũng rủ nhau đi du lịch. Dù ai cũng rủng rỉnh túi tiền nhưng họ dùng vào việc mua sắm hơn là trò chơi may rủi. Cảm thương lắm thì họ mua vài tờ ủng hộ là cùng.
Nghĩ tới là nó càng khó thở, đầu óc nặng trịch như có cả một rổ đá đang đội trên đầu. Nó lê từng bước mệt mỏi lại ghế đá vỉa hè ngồi nghỉ. Đôi dép tổ ong mỏng như dao lam hôm nay nặng hơn cả đôi bốt. Chợt nó khựng lại khi đôi dép đạp trúng vật gì màu đỏ.
- Ôi, một chiếc bao lì xì đỏ tươi nằm gọn lỏn dưới mớ lá cây. Theo quán tính nó cầm lên xem. Oa, bên trong có tờ một trăm đô la mới cáu.
- “Đây là tiền thật mà”, nó thảng thốt đến nỗi thốt ra thành tiếng. Bởi đã nhiều lần thằng bé đã đổi tiền đô la giùm người khác nên nó nhận biết được thật – giả.
Nó định tìm thông tin trên bao lì xì hoặc mang đến công an khu vực để trả cho chủ cũ nhưng rồi tâm lý nó phân vân. “Chẳng phải là mình đang cần tiền hay sao? Nếu đổi ra tiền Việt, mình sẽ đủ để bù vào khoản thiếu hụt. Mình chẳng ăn cắp mà may mắn nhặt được thì đâu có tội gì”. Nghĩ thế mà nó vội mang tờ đô la vào tiệm vàng trong chợ để đổi.
* * *
Trong khi chờ đến lượt mình, thằng nhóc lại bị tâm lý chi phối. “Mẹ mình đã dạy rất nhiều lần là không được tham của rơi, dù chỉ vài ngàn đồng. Nếu mình lấy, đồng nghĩa với việc mình tham lam. Dù học hành dang dở, nhưng mình cũng hiểu được cái gì đúng, cái gì sai”. Nghĩ thế mà thằng bé vội nhét tờ tiền đô la vào túi vé số. Nhân viên tiệm vàng hỏi:
- Này nhóc, chuyện gì mà mày đứng lảng vảng nãy giờ vậy? Đừng nói với tao là mày tính mua vàng nha? Hay là...
- Dạ... không, em chỉ mời mua vé số thôi. – Nó lanh trí nói – Mấy bữa nay bán ế quá, mua giúp giùm em vài tờ đi anh.
- Đi chỗ khác mà bán. Tao không chơi trò may rủi.
Bước ra khỏi tiệm vàng, nó bước đi vô định. Giờ nỗi lo của nó lại hối hả hơn. Trời đã trưa rồi mà không bán được tờ vé số nào, số tiền hai triệu cũng không kiếm được: “Chắc kỳ này tiêu quá”.
Nó thở dài thườn thượt như những người khắc khổ có nhiều mối bận tâm. Đi đến mòn đôi dép, mỏi cả chân, khát khô cả họng nhưng mời chẳng ai thèm mua. Quá nản, nó nghĩ đến chuyện phải nói thật với mẹ: “Trước sau gì mẹ cũng biết, thôi thì mình về thú nhận cho xong”.
* * *
Thế là thằng bé mang bao lì xì đến trụ sở công an để nhờ cán bộ trả lại cho người bị mất. Vì cuối năm nên chỉ có một người trực. Tiếp thằng bé, chú công an khá ngạc nhiên khi đây là lần đầu tiên có người trả phong bao lì xì đã nhặt được. Đón nhận phong bao lì xì rồi nhìn dáng khắc khổ của thằng bé trong chiếc áo màu cháo lòng, chiếc quần jeans rách lỗ chỗ, chú công an tỏ ra động lòng:
Cháu quả thật là một cậu bé ngoan, một công dân tốt.
Thằng bé cười, nụ cười như một thiên thần:
- Dạ, có gì đâu chú. Đó không phải là của mình mà. Thôi cháu phải về đi bán vé số đây, kẻo không kịp bù lỗ là mẹ la.
- Bù lỗ? Cán bộ công an ngạc nhiên hỏi.
- Dạ... Thằng bé gãi đầu nhăn nhó. Hồi sáng cháu đổi nhầm vé số giả. Cháu chào chú nhé!
Thằng bé chạy nhanh ra cửa, nhưng chợt khựng lại vì có tiếng gọi:
Cháu vào đây một chút, chú bảo.
Thằng bé quay lại, hỏi:
- Có chuyện gì chú?
- Chú tính thế này nhé. Giờ cháu cứ giữ tờ tiền này, mang đi đổi để đắp vô số tiền vé số bị lừa khi sáng mang về cho mẹ xoay xở lo Tết...
- Nhưng... Thằng bé ngắt lời: Còn chủ nhân bao lì xì này thì sao ạ? Cháu không thể làm thế được.
- Cháu cứ yên tâm đi, nếu có ai báo mất thì chú sẽ trả cho họ. Chứ giờ bao lì xì này không địa chỉ, cái nào cũng như cái nào, làm sao mà tìm ra chủ nhân đây?
- Nhưng nếu vậy cấp trên sẽ khiển trách chú, rồi tiền đâu chú trả lại khi chủ nhân tìm đến?
- Cháu cứ lo xa, chú sẽ bỏ tiền túi ra đền. Còn thủ trưởng khiển trách, chú sẽ chịu trách nhiệm. Chú nghĩ trong trường hợp này thì bất cứ ai cũng làm như thế.
- Làm sao mà cháu để cho chú chịu thiệt như vậy được.
- Coi như chú cho cháu mượn, khi nào có thì gửi lại.
- Nhưng....
- Không lấn cấn gì nữa, quyết định vậy đi. Mà nè, chuyện này chỉ có hai chú cháu mình biết thôi nhé!
Thằng bé ngoan ngoãn vâng dạ chào chú công an rồi cầm bao lì xì ra về. Chú công an chạy theo nhét vào túi quần thằng bé bao lì xì:
- Còn đây là món quà chú tặng mừng tuổi cho cháu.
Thằng bé từ chối nhưng chú công an bảo:
Quà của thủ trưởng cho chú đấy. Giờ chú tặng lại cho cháu lấy lộc. Về nghỉ sớm mua một bộ đồ mới mặc chơi Tết. Cháu là một công dân tốt, xứng đáng được như thế.
Bước ra khỏi trụ sở công an, thằng bé thầm cảm ơn chiến sĩ công an trực ban tốt bụng. Nó nở nụ cười mang hơi thở mùa xuân, hòa vào dòng người đông đúc đang đi chợ Tết với lòng háo hức lâng lâng.