Bài học từ quá khứ

GD&TĐ - Theo báo chí phương Tây, Mỹ đã lên kế hoạch tấn công phủ đầu Triều Tiên nhằm xoá bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Hành động này sẽ chính thức châm ngòi cho một cuộc chiến tranh có mức độ huỷ diệt khủng khiếp. 

Bài học từ quá khứ

Thiệt hại nặng nề trong những cuộc chiến mà Mỹ tham dự gần đây đưa ra một dự báo đen tối về thiệt hại nhân mạng và tài sản nếu xảy ra chiến tranh Mỹ - Triều.

Ngoái nhìn quá khứ

Năm 2003, quân đội Mỹ can thiệp quân sự vào Iraq vốn được dự đoán chỉ như một “cuộc dạo chơi” - nhưng thực tế hoàn toàn khác. Khoảng 25.000 dân thường Iraq thiệt mạng cùng khoảng 2.000 binh sĩ liên quân trong năm 2005. Nhưng đó chỉ là khúc dạo đầu. Đến năm 2013, khoảng 100.000 thường dân Iraq đã chết bởi xung đột kéo dài, cũng có thêm 2.800 lính liên quân khác thiệt mạng (hầu hết là người Mỹ).

Đi kèm là tổn thất kinh tế lớn cho nước Mỹ. Trước khi đưa quân vào Iraq, chính quyền cựu Tổng thống Bush dự đoán phí tổn chiến tranh khoảng 50 tỉ USD, nhưng con số thực tế thì khó ai tưởng tượng được. Cơ quan Nghiên cứu Chính sách Mỹ ước tính năm 2005, tốn phí chiến tranh Iraq là khoảng 700 tỉ USD, đến năm 2008, con số này vọt lên khoảng 3.000 tỉ USD.

Quan điểm của người dân Mỹ với cuộc chiến Iraq cũng đảo ngược. Tỉ lệ người Mỹ ủng hộ cuộc chiến vào năm 2003 là 70%. Tuy nhiên đến năm 2008, rất nhiều cử tri Mỹ bỏ phiếu ủng hộ ứng viên Tổng thống Barack Obama bởi quan điểm phản đối cuộc chiến Iraq.

Vào năm 2016, nhiều người ủng hộ ứng viên Tổng thống Donald Trump bởi ông này bày tỏ hoài nghi về những chiến dịch quân sự gần đây của Mỹ. Là một ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hoà, ông Trump tuyên bố cuộc chiến Iraq là một sai lầm và cá nhân chưa bao giờ ủng hộ cuộc chiến này. Theo nhiều chuyên gia thì phát ngôn của ông Trump lúc đó là cách “xa lánh” quan điểm “diều hâu” của một số đảng viên hiếu chiến trong đảng Cộng hòa - để tranh cử với hình ảnh của một ứng viên “chống chiến tranh”.

Mất mát khổng lồ

Tuyên bố cứng rắn tấn công phủ đầu Triều Tiên của ông Trump cho thấy sự đảo ngược lập trường quan điểm của chính ông. Vậy nhưng nếu chấp nhận bước vào một cuộc chiến có quy mô huỷ diệt lớn nhất lịch sử thế giới, ông Trump sẽ phải cân nhắc kĩ càng những tổn thất cho nhân loại từ cuộc chiến này.

Trong trường hợp 2 bên sử dụng vũ khí thông thường (phi hạt nhân), Lầu Năm Góc ước tính 20.000 người thiệt mạng mỗi ngày khi nổ ra chiến tranh với Triều Tiên. Con số này dựa trên thực tế có 25 triệu người sống trong và quanh Seoul - nơi nằm trong tầm bắn của các khẩu đội pháo tầm xa của Triều Tiên, có khoảng 1.000 khẩu được bố trí ngay phía Bắc khu phi quân sự (DMZ) nằm giữa 2 miền Triều Tiên.

Còn nếu là chiến tranh hạt nhân thì hậu quả ngoài sức tưởng tượng. Trên tờ The Washington Post, chuyên gia kiểm soát vũ khí Jeffrey Lewis đưa ra kịch bản: Sau khi Mỹ tấn công phủ đầu bằng bom thường xuống Triều Tiên, Triều Tiên sẽ đáp trả bằng việc phóng hàng chục đầu đạn hạt nhân vào Mỹ. Mặc dù một số chệch đích và hệ thống phòng thủ tên lửa có thể bắn chặn khoảng 1 nửa - thì cuộc tấn công trả đũa vẫn sẽ khiến 1 triệu người dân New York thiệt mạng và thêm 300.000 nhân mạng khác ở Washington.

Nếu Triều Tiên nhắm bắn đầu đạn hạt nhân vào những mục tiêu gần hơn, tổng số thiệt mạng còn cao hơn nhiều: Sẽ có hơn 2 triệu người chết riêng tại Seoul và Tokyo.

Thương vong sẽ không chỉ với người dân Triều Tiên và Hàn Quốc. Có khoảng 38.000 lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, cộng với 100.000 người Mỹ sống tại nước này.

Thiệt hại kinh tế của Hàn Quốc sẽ ảnh hưởng tới cả kinh tế toàn cầu. Theo dự báo GDP 2017, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới, ngay sau Nga. Mức sụt giảm 50% GDP của Hàn Quốc có thể gây giảm 1% GDP toàn cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ