Bài học từ những nghịch lí

GD&TĐ - “Chiếc thuyền ngoài xa” là tác phẩm in đậm phong cách tự sự - triết lí của Nguyễn Minh Châu, “vị khai quốc công thần của triều đại văn học mới” (Nguyên Ngọc).

Ảnh minh họa (nguồn IT)
Ảnh minh họa (nguồn IT)

Đọc truyện, người ta nhói đau cho số phận con người trong cuộc sống mưu sinh vất vả, nhọc nhằn; bừng ngộ nhiều bài học sâu sắc từ những nghịch lí cuộc đời.

Cảnh đời trái ngang, thiên nhiên thơ mộng

Tôi đã nhiều lần đọc “Chiếc thuyền ngoài xa”, lần giở bức tranh đời trong trang văn Nguyễn Minh Châu, ám ảnh ghê gớm xót đau nhất có lẽ là mấy câu ghi lại cảnh cay cực: “Lão đàn ông lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa, có vẻ như những điều phải nói với nhau họ đã nói hết, chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!”.

Chân thực, rất đời, đậm đặc chất hiện thực. Cảnh người đàn ông quật sức đánh vợ, vừa đánh, vừa thở, vừa đay nghiến như đập vào mắt, người đọc không khỏi căm giận, xót thương. Hình như hành động man rợ ấy có sự chủ động, mặc định, chắc hẳn lão chồng chỉ chờ đến thời điểm dời thuyền, không còn sự hiện diện của con trẻ là mặc sức trút hết ấm ức, hờn căm. Chiếc thắt lưng dáng xuống, tấm lưng người đàn bà đớn đau bởi hành động bạo tàn. Đứa con vì muốn chở che, bảo vệ lao vụt ra ngăn chặn, ngay lập tức nhận luôn hai cái tát ngã dúi, ngã dụi xuống bãi cát. Đoạn văn giàu chất tạo hình, tựa như một thước phim cận cảnh cuộc đời cay xót, trái ngang.

Người đọc bất ngờ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng kinh ngạc “há hốc mồm ra mà nhìn”, “vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới”. Cũng phải, bởi cách đó chưa lâu, chiếc thuyền người đàn bà khổ và người đàn ông độc ác vừa bước xuống là một “cảnh đắt trời cho”, đẹp đến mê hồn. “Bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ” vừa làm rung động tâm hồn người nghệ sĩ đã nhường chỗ cho bức tranh đời cơ cực, đớn đau. Dõi theo hai phát hiện của nhiếp ảnh Phùng, người đọc nhận thấy một nghịch lí tréo ngoe: Cảnh thiên nhiên đẹp mà cảnh đời đen tối; chiếc thuyền ngoài xa thơ mộng, tuyệt đỉnh, toàn bích nhưng khi vào bờ lại trái ngang, đẫm nước, chan chứa niềm đau.

Vậy đấy, cuộc sống luôn tồn tại những mặt đối lập và sự đối lập ấy có khi xảy ra trong cùng một sự vật hiện tượng. Người nghệ sĩ nói riêng và con người nói chung không nên chỉ một mực săn tìm cái đẹp mà cần phải biết tập trung nhãn lực, nhìn xuyên qua những cái bề ngoài đẹp để nhận ra được bản chất của sự vật, hiện tượng trong cuộc đời. Người nghệ sĩ nếu chỉ nhìn cuộc đời từ xa, từ bên ngoài sẽ không thể hiểu được sự thật về cuộc sống, về thân phận con người.

Nghệ thuật không thể tách rời cuộc sống. Cái đẹp phải đi liền với cái “thật”, con người phải được nhìn nhận ở “bề sâu, bề sau, bề xa” của nó. Đó là cái là cái chân, mỹ trong cuộc sống. Chiều sâu nhận thức giúp nhà văn gửi gắm bài học sâu xa về cách nhìn cuộc sống, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nghệ thuật và cuộc đời. Nghệ thuật sẽ vô nghĩa nếu không vị nhân sinh, gắn kết với cuộc đời, cho dù là “tiếng kêu đau khổ từ kiếp lầm than”.

Bầm dập đớn đau không buông bỏ, dời xa

Có lần dạy “Chiếc thuyền ngoài xa”, tôi cho học sinh chia sẻ suy ngẫm về một giả thuyết: Nếu em là người đàn bà hàng chài? Bất ngờ khi đón nhận ý kiến của học trò, chủ yếu là các em nữ. Đa phần các em chọn lựa việc li dị, bởi khổ quá thì bỏ, giải phóng bản thân khỏi bể khổ là cách tốt nhất. Sống thế nào được với những trận đòn  như cơm bữa “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày  một trận nặng”.

Có điều, người đàn bà trong truyện của Nguyễn Minh Châu không làm như vậy. Hứng chịu chiếc thắt lưng quật tới tấp, “người đàn bà với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn”. Kì lạ, phản ứng đó khác xa logic thông thường, áp bức thì vùng lên, không được thì trốn chạy, van xin. Người đàn bà khổ kia lại khác, chấp nhận chịu đòn, chịu đau, chịu nhục đến tội nghiệp, đáng thương.

Mấy hôm sau, được mời lên tòa án về công việc gia đình, vị bao công Đẩu của xóm chài một mực: “Chị không sống nổi với cái lão đàn ông vũ phu ấy đâu”. Li dị, bỏ chồng là giải pháp khả dĩ nhất theo vị quan tòa xóm biển. Cả nước không có lão chồng nào như vậy cả. Thế nhưng, người đàn bà chắp tay vái lia vái lịa trong giật mình thảng thốt: “Con lạy quý tòa. Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó...”.

Nghĩ cũng lạ, quả là một nghịch lí trong cuộc sống đời thường.Tủi nhục, đớn đau bởi bạo hành, đánh đập, thế mà chẳng thể buông bỏ, dứt nghĩa dứt tình. Muối mặn gừng cay, duyên vơi nhưng nợ lại nhiều, gánh nặng gia đình trên dưới mười đứa con đè nặng trên vai. Bởi thế, không thể đơn giản mà viết giấy ra tòa. Sau tấm giấy mỏng là gia đình li tán, đứa có cha thì không còn mẹ ở bên. Nghĩ vậy, ta mới thương, mới phục người đàn bà độ lượng vị tha với trái tim yêu thương thăm thẳm.

Ẩn sâu trong sự cam chịu nhẫn nhục đến tội nghiệp là một tấm lòng nhân hậu vị tha, hiểu thấu lẽ đời, hiểu thấu nỗi ấm ức của gã chồng tội nghiệp. Thuyền chật, đông con, nghèo khổ túng quẫn biến “anh con trai hiền lành cục tính” khi xưa trở nên tàn độc, đánh vợ như cách giải tỏa bi kịch của cuộc sống đói nghèo. Hiểu chồng, thương con, người đàn bà nuốt nước mắt vào trong để chịu đựng đớn đau, ê chề, tủi nhục, nguyện gắn bó để nuôi con khôn lớn. Lời nói từ tâm can người mẹ “đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình” sẽ làm tỏa sáng, rạng ngời kì quan tuyệt diệu trái tim người mẹ yêu thương con tha thiết, đậm sâu giữa chông chênh nước mắt.

Ẩn sau nghịch lí cuộc đời, khổ không buông, đau không bỏ của người đàn bà hàng chài sẽ là nhiều bài học vô giá, bài học đó như những chân lí muôn đời. Cuộc sống vốn không đơn giản, xuôi chiều mà chứa đựng những gồ ghề, và cả những góc khuất.

Con người cũng vậy, vốn không nhất phiến, đơn chiều, lí tưởng mà là con người bề bộn, phức tạp. Vì vậy, không nên nhìn con người, cảnh ngộ, số phận một cách đơn giản xuôi chiều mà cần nhìn nhận một cách đa chiều, đa diện mới hiểu hết bản chất đích thực của con người sau vẻ ngoài lấm lem, khuất lấp. Ngòi bút nhân đạo của người nghệ sĩ chân chính đã phát hiện “hạt ngọc ẩn dấu trong bề sâu tâm hồn” người đàn bà “rỗ mặt, tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới”.

Bìa truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu.
Bìa truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu.

Hiền lành hóa tàn độc, ác nhân

Xuất phát điểm của con người là tính thiện, “khi ngủ ai cũng như lương thiện”. Có điều hoàn cảnh sống, sự kém cỏi về bản lĩnh sẽ biến người ta dần mất bản tính nguyên sơ. Đọc truyện, nhiều người cho rằng, gã chồng vũ phu chỉ một chút cảm thông nhưng muôn phần đáng ghét, đáng nguyền rủa hờn căm.

Cũng phải, thái độ hùng hổ, mặt đỏ gay, hành động man rợn dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào vợ của lão đáng phải lên án, bất bình. Vả lại, sự bạo hành như kiểu lập trình, “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” lại càng ghê sợ, không dễ dung tha. Lão chồng tàn độc trở thành nguồn cơn gây ra nỗi khổ cho người phụ nữ đáng thương, và cả những đứa trẻ tội nghiệp.

Tuy nhiên, tinh ý một chút, người ta sẽ nhận thấy cả tấn bi kịch xót xa sau hành động vũ phu. Hai hàm răng nghiến ken két, giọng nguyền rủa đau đớn “chết hết đi cho ông nhờ” vừa đủ giúp ta hiểu được nỗi đau. Gánh nặng mưu sinh, cuộc sống đói nghèo túng quẫn đẩy lão chồng vào bi kịch, cứ khi nào thấy khổ thì lôi vợ ra đánh. Trong truyện, người đàn bà hiểu rõ về bản tính của chồng. Gã trai năm xưa “cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi”. Chỉ vì thuyền chật, đông con, cái nghèo, cái túng làm tha hóa, đổi thay bản tính con người. Bế tắc, không tìm thấy lối thoát đành trở nên tàn độc đáng khinh, đánh vợ, nguyền rủa mà vẫn chung sống trên chiếc thuyền chật hẹp, túng quẫn.

Khắc họa nhân vật người đàn ông hàng chài, nhà văn day dứt khôn nguôi cho cuộc sống nhân sinh. Cuộc sống đói nghèo lạc hậu tăm tối là nguyên nhân dẫn tới nạn bạo hành gia đình. Cuộc chiến đấu bảo vệ quyền sống của cả dân tộc trải qua bao hi sinh gian khổ nhưng cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống của từng con người còn đầy cam go, lâu dài, đâu chỉ ngày một ngày hai, cần có sự chung tay của toàn xã hội. Hoàn cảnh tạo ra tính cách, nó có thể làm xói mòn, tha hóa con người nên con người phải biết cải tạo hoàn cảnh làm cho hoàn cảnh trở nên nhân đạo hơn. Có lẽ, nhà văn nhận thấy ở gã đàn ông khổ sở, cùng cực vẫn không hoàn toàn mất hết nhân tính và vẫn sống có trách nhiệm, chửi đấy, bạo hành đấy mà vẫn phải thức trắng kéo lưới mỗi đêm cùng vợ nuôi cả một sắp con.

Sẵn lòng giúp người mà vẫn bị chối từ

Trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, nhiếp ảnh Phùng là người chứng kiến những hành động vũ phu của người đàn ông, nỗi đau khổ cam chịu của người đàn bà. Thái độ của anh chàng nghệ sĩ “người dưng nước lã” tựa như chàng hiệp sĩ giữa đường thấy cảnh bất bình. Ngạc nhiên, bất ngờ, thậm chí bất bình, xông ra can thiệp, bảo vệ kẻ yếu, chống lại cái ác. Thế mà, biết Phùng chứng kiến sự bạo hành của cha mình, thằng bé Phác đâm ra ghét anh. “Mấy ngày sau, thằng Phác đối xử với tôi như một kẻ hoàn toàn xa lạ, như chưa bao giờ trò chuyện ngủ chung với tôi. Nó vẫn nhìn tôi bằng con mắt âm thầm dấu kín đầy một sự thù ghét”. Nghĩ lại buồn cho lòng tốt bị chối từ của người nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Chánh án Đẩu, bạn của Phùng nhân danh công lí, bảo vệ người đàn bà, khuyên bà ta bỏ chồng để thoát khỏi kiếp sống khốn khổ. Hết lòng giúp người, mà một mực bị chối từ, thứ nhận lại duy nhất là lời cảm ơn thành thực, và cả những bài học cuộc đời. Thiện chí, lòng tốt, công lí đâu phải lúc nào cũng được thực thi, phải căn cứ vào cảnh ngộ cụ thể. Muốn giúp người hãy dựa vào hoàn cảnh cụ thể, đừng vội vàng mà quy chụp mọi thứ.

Bảo vệ mẹ, chút nữa lỗi đạo với cha

Trong câu chuyện với Đẩu và Phùng ở tòa án huyện, người đàn bà đã khóc khi nhắc tên thằng Phác. Đứa con mụ yêu nhất, và cũng vì yêu mà mụ gửi con lên ở với ông ngoại, mong nó không làm điều gì dại dột với cha. Chiếc dao găm trên tay, cô chị gái vật lộn, vất vả mới dành lại được trong lần thứ hai Phùng chứng kiến cảnh bạo hành tiềm ẩn nhiều hiểm họa. Thương mẹ, giận cha, thằng bé có thể làm điều tội lỗi. Vậy nên, không ngẫu nhiên mà người mẹ mếu máo, “chắp tay vái lấy vái để” thằng con. Tất cả cũng bởi lòng thương và ước mong vẹn tròn đạo nghĩa.

Văn xuôi Việt Nam từ sau đổi mới đến nay hình thành một diện mạo riêng. Chất thế sự đậm đặc, nhiều áng văn mang hơi thở cuộc đời của Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Nguyễn Quang Lập...luôn cuốn hút người đời. Trong sự phát triển ấy, người ta ghi ơn “người mở đường tinh anh và tài năng” Nguyễn Minh Châu. Những văn phẩm với phong cách tự sự - triết lí của ông, người đọc vẫn luôn trăn trở, nghĩ suy để cùng đau nỗi đau cuộc đời, thương cho những kiếp người.

Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, chắc hẳn là áng văn ấn tượng bậc nhất trong số những câu chuyện ông viết. Sự điêu luyện trong nghệ thuật truyện ngắn giúp nhà văn sáng tạo được một tình huống độc đáo: Những vỡ lẽ, nhận thức về những nghịch lí cuộc đời, con người sau vẻ ngoài của nó. Ẩn sau nghịch lí là nhiều bài học bổ ích thiết thực về cách nhìn đời, nhìn người, về mối quan hệ gắn bó giữa nghệ thuật với đời sống. Trang văn kết thúc, sự sống của nó còn đọng mãi trong tâm trí bạn đọc xa gần đâu chỉ hôm nay, mà cả mai sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ