Dưới đây là một trong những câu chuyện mà tôi được trải nghiệm và ấn tượng khó phai về một học sinh mà tôi trực tiếp dạy trong năm học 2020-2021 vừa qua.
Một sáng đầu thu, tôi đến lớp trong không khí mát mẻ, vui tươi. Mọi việc diễn ra như mặc định mỗi ngày. Tôi đáp lời chào học trò; ghi tên bài dạy “Bảng đơn vị đo thời gian” lên bảng.
Đây là chương kiến thức mới cuối cùng của chương trình toán lớp 5 được mở đầu với những đơn vị đo thời gian quen thuộc. Do đó, tôi khá tự tin và mặc dù lớp học chưa thật sự đồng đều về trình độ; nhiều em vẫn còn tỏ vẻ xa lạ với những gì thầy giới thiệu và giảng giải. Quả thực, tất cả học sinh đều biết, đều hiểu và trả lời to, rõ, rành rọt về những đơn đo thời gian trong chương trình.
Với khí thế hào hứng đó, tôi đặt thêm câu hỏi: Vậy, vì sao năm thường chỉ có 365 ngày còn năm nhuận lại có 366 ngày?
Nhiều trò giơ tay phát biểu. Cô học trò Hà My dáng người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhảu đã giành được quyền ưu tiên trả lời. Nhưng câu trả lời của trò đã làm thầy sững người.
Toàn văn câu trả lời của Hà My như sau: “Dạ thưa thầy, con nghĩ năm nhuận có 366 ngày là vì trong 4 năm mọi người trên cả thế giới sống và làm việc rất tích cực, mọi người biết tiết kiệm thời gian, mỗi năm như vậy dư ra được một ít thời gian nên gom lại 4 năm dư ra một ngày. Vì vậy, năm nhuận có 366 ngày hơn năm bình thường 1 ngày là do như vậy đấy ạ!”.
Câu trả lời dõng dạc của Hà My không làm cả lớp bật cười, không làm ồn ào, náo nhiệt mà ngược lại làm cho tất cả các bạn đăm chiêu, suy nghĩ. Thầy cũng phải lặng người, phải suy tư để xử lí tình huống bất ngờ trước suy nghĩ lạ lẫm mà thầy chưa bao giờ gặp phải.
Tôi đề nghị cả lớp dành tặng Hà My một tràng pháo tay thật to vì sự mạnh dạn, vì câu trả lời to, rõ, rành rọt, mạch lạc. Tiếp đến, tôi nhẹ nhàng bước lên bục giảng, đứng giữa lớp với gương mặt rất tươi như đang được tiếp thêm động lực. Tôi mở đầu bằng câu nhận xét: Câu trả lời của bạn Hà My là ý tưởng hay, là sự suy nghĩ tích cực và rất sáng tạo các em ạ.
Tôi giảng giải thêm: Câu trả lời của bạn My không là kết quả tính toán bằng số học và kết quả đó cũng không phải là phương pháp giải toán mà các em đã được học, đã thường dùng.
Để có một năm nhuận hơn 1 năm thường 1 ngày, những nhà khoa học căn cứ vào chu kỳ quay của trái đất và cách tính cụ thể các em sẽ được học ở những lớp học trên. Tuy nhiên thông qua môn học toán, kiến thức toán học giúp chúng ta có những suy luận rất hay, gắn kết với thực tiễn cuộc sống, làm cho cuộc sống của chúng ta mỗi ngày có những trải nghiệm thú vị, tươi vui; cuộc sống mỗi ngày trở nên hiệu quả và chất lượng hơn.
Câu chuyện diễn ra rất nhanh chóng, mặc dù tôi đã kịp thời xử lí tình huống nhưng qua đó đã để lại cho tôi nhiều bài học quý trên bước đường trải nghiệm với sự nghiệp giáo dục của mình.
Học trò của chúng ta, nếu chủ quan nhìn một cách hời hợt qua loa, các em chỉ là những mảnh giấy trắng tinh trong mỗi cấp học. Nhưng thật ra, trên tờ giấy tinh khôi ấy luôn sẵn có những đường nét vô hình đang chờ đợi, đang sẵn sàng hiển thị những đường nét, những hình ảnh để dâng cho đời những những bức họa muôn màu.
Người thầy không thể tự cho mình là đủ. Người thầy phải “Học, học nữa, học mãi” và học tập suốt đời. Người thầy phải luôn dõi theo từng hoạt động của học trò để hiểu được các em đang có gì, đang cần gì và các em đang muốn gì. Phải lắng nghe các em nói, các em trình bày, phải thấu hiểu những ý tưởng của các em. Phải cập nhật từng biểu hiện đó vào bộ sưu tập tâm lý lứa tuổi của cá nhân thầy, đưa những ý tưởng sáng tạo ấy bổ sung vào bài giảng mỗi ngày.
Với cách làm đó, tiết dạy sẽ rất phù hợp với từng đối tượng học sinh, thầy sẽ gần gũi, thân thiện. Và đây chính là chìa khóa mà thầy nhẹ nhàng trao cho trò trong từng giờ học để các em tiếp cận, khai thác, khám phá từng giai đoạn, thời kỳ và nhịp độ phát triển của xã hội.