Bài học từ lớp học thời chiến

GD&TĐ - Dù trong thời điểm khó khăn nhất, nhưng nền giáo dục cách mạng vẫn được duy trì ở miền Nam, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ, nơi có vùng kháng chiến rộng lớn. Ngày nay, những lớp học kháng chiến được tái hiện lại một cách sinh động, là địa chỉ đỏ để nhiều nhà trường đưa học sinh học tập trải nghiệm kết hợp với giáo dục lịch sử địa phương.

Lớp học văn hoá trong kháng chiến được mô phỏng lại ở khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi. Ảnh nguồn Internet
Lớp học văn hoá trong kháng chiến được mô phỏng lại ở khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi. Ảnh nguồn Internet

Niềm tự hào của giáo dục kháng chiến 

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, cả nước nói chung, Nam Bộ nói riêng có hơn 90% dân số không biết chữ. Tháng 8/1947,  Sở Giáo dục kháng chiến Nam Bộ thành lập là  sự kiện có ý nghĩa to lớn, một sự sáng tạo trong bối cảnh lúc bấy giờ.

Chia sẻ tại hội thảo “Chín năm xây dựng nền giáo dục kháng chiến ở Nam Bộ - Thành quả và kinh nghiệm (1945 - 1954) do Thành uỷ TPHCM tổ chức, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Võ Anh Tuấn cho biết: Hưởng ứng lời kêu gọi “chống giặc dốt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể nhân dân Nam Bộ, từ nông thôn tự do đến thành thị bị tạm chiếm, từ trẻ đến già, đều coi việc đi học bình dân học vụ là một hành động yêu nước. Nơi nào cũng có lớp bình dân học vụ, tổ chức trong các trường học, đình chùa, nhà dân, dưới bóng cây cổ thụ… Nơi giặc đóng đồn bót, không công khai được thì dạy bí mật.

Phong trào bình dân học vụ nhanh chóng đạt kết quả đáng khích lệ. Đầu năm 1948, xã Quới Xuân, huyện Gò Vấp của tỉnh Gia Định (cũ), tổ chức mừng công hoàn thành xóa mù chữ mặc dù đồn bót địch đóng khắp nơi. Đến cuối năm 1952, Nam bộ đã xóa mù chữ cho hơn 3 triệu đồng bào, tức là về cơ bản hoàn thành xóa mù chữ cho toàn thể nhân dân vùng do chính quyền cách mạng quản lý. 

Nội dung giáo dục toàn diện, đã xóa đi ngu dốt, nghèo nàn về văn hóa, trang bị sự hiểu biết về tri thức khoa học, văn hóa cho hàng vạn người dân trong vùng, giúp người dân đứng lên làm chủ cuộc đời, đóng góp vào sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập và xây dựng đất nước. 

Một dấu ấn nổi bật của giáo dục Nam Bộ kháng chiến là xây dựng sự đoàn kết thống nhất ý chí, chia sẻ kinh nghiệm quý báu, chân tình giữa những người thầy cùng dạy; đoàn kết giữa thầy trò; cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, học tập dân; việc gì có lợi cho dân thì cố sức làm - việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh, được dân tin yêu, tín nhiệm. 

Học sinh học tập trải nghiệm tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Ảnh nhà trường cung cấp
Học sinh học tập trải nghiệm tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Ảnh nhà trường cung cấp

Giáo dục lòng yêu nước  từ địa chỉ đỏ 

Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi, TP HCM) là một trong những địa chỉ đỏ có mô phỏng lạinhững lớp học văn hoá trong kháng chiến. Theo ông Trần Văn Toản, Trưởng phòng Phòng GD&ĐT huyện Củ Chi, kết thúc một học kỳ, nhiều trường học trên địa bàn đều chọn di tích lịch sử này để giáo dục cho các em về truyền thống cách mạng, về sự hy sinh lớn lao của quân, dân nơi đây góp phần cho độc lập dân tộc của Tổ quốc. Học sinh được xem những băng tư liệu, lắng nghe các hướng dẫn viên chia sẻ, đồng thời trực tiếp thấy các công trình bên trong địa đạo được tái hiện lại: Chiến hào, lớp học văn hoá, hầm ăn, phòng ở, nơi làm việc, bệnh xá… nên hiệu quả giáo dục rất cao. 

Thầy Nguyễn Tuấn Lê (nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thông Hội) vừa nhận công tác tại Trường Tiểu học Thị trấn Củ Chi (TPHCM) chia sẻ: Mỗi năm, Trường Tân Thông Hội đều tổ chức các hoạt động về nguồn kết hợp tham quan các địa chỉ đỏ, qua đó giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh. Việc học tập trải nghiệm được các giáo viên lên kế hoạch và chuẩn bị giáo án  cụ thể. Qua chương trình này, học sinh có thêm hiểu biết về lịch sử của địa phương mình, được trải nghiệm học tập một cách sinh động nên các em dễ ghi nhớ, nhớ lâu. Từ việc hiểu, nhớ lâu, việc học tập tại đây sẽnhân lên trong các em niềm tự hào về lịch sử quê hương. 

Em Nguyễn Mai Hương, học sinh Trường THPT Tam Phú - quận Thủ Đức, TPHCM) cho biết đến hai lần tại địa đạo Củ Chi, một lần với các bạn trong lớp khi còn học THCS và một lần đi cùng gia đình. Theo Mai Hương, đến đây em cũng như các bạn cảm nhận cuộc sống của quân dân trong lòng địa đạo thời kháng chiến cũng như ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Đặc biệt, em ấn tượng với mô phỏng lớp học văn hoá trong kháng chiến. Ở trong khó khăn, gian khổ, bom đạn nhưng những lớp học vẫn diễn ra. “Với em, điều này vô cùng đặc biệt và đáng khâm phục”, Mai Hương tâm sự. 

Qua tìm hiểu được biết, trước những năm 1975, Củ Chi gặp nhiều khó khăn trong công tác dạy và học. Trường lớp hầu như không có, các em phần lớn học tập trong nhà dân hoặc dưới hầm để tránh bom đạn. Riêng tại vùng tạm chiến chỉ có 23 điểm học tiểu học, 3 trường trung học và 2 trường THCS hoàn chỉnh, số người mù chữ từ 6 đến 20 tuổi chiếm hơn 14,02% dân số, 1/5 người dân chưa bao giờ được đến trường.

Sau ngày giải phóng, giáo dục Củ Chi dần được gây dựng lại, song song với việc xây dựng trường lớp, nâng cao chất lượng giảng dạy, huyện còn tập trung đẩy mạnh phong trào bình dân học vụ, xóa mù chữ, bổ túc văn hóa cho học sinh và người dân trên địa bàn. Trải qua 45 năm kể từ ngày giải phóng, giáo dục Củ Chi đã phát triển vượt bậc về mọi mặt từ cơ sở vật chất trường lớp đến chất lượng giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.