Bài học cho Việt Nam về thực tập sư phạm

GD&TĐ - Thực tập sư phạm được xem là một thành tố hết sức quan trọng trong các chương trình đào tạo giáo viên tại học viện đào tạo giáo viên duy nhất của Singapore - Viện Giáo dục Quốc gia - National Institute of Education (NIE).

Bài học cho Việt Nam về thực tập sư phạm

Chương trình thực tập ở đây nhằm phát triển năng lực cho sinh viên một cách tự nhiên và là bắt buộc đối với tất cả sinh viên sư phạm, trải dài từ 1 đến 4 học kỳ với thời lượng khác nhau tuỳ thuộc vào cấu trúc của từng chương trình đào tạo.

ThS. Nguyễn Hoàng Đoan Huy - Viện Nghiên cứu Sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) - chia sẻ điều này trong tham luận tại hội thảo khoa học quốc tế “Kinh nghiệm của Malaysia và Singapore về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm".

"Cuộc đối thoại tập trung"

ThS. Nguyễn Hoàng Đoan Huy cho biết: Trọng tâm của chương trình đào tạo giáo viên mới được NIE xác định chính là chương trình thực tập sư phạm. Giai đoạn giảng dạy tập sự này là không thể thiếu trong hoạt động học tập trải nghiệm mà sinh viên NIE cần đạt được để làm quen với công tác giảng dạy thực tế, khi họ vận dụng lý thuyết vào thực hành và trau dồi kỹ năng giảng dạy của họ ngay chính trong môi trường nhà trường thực.

Theo đó, chương trình đào tạo giáo viên của NIE được thiết kế để giúp giáo viên “học cách dạy” cũng như “học từ việc tham gia giảng dạy”. Thông qua tập trung vào việc “dạy” cũng như học hỏi từ thực tiễn, sinh viên sư phạm ở đây có thể được chuẩn bị tốt hơn cho vai trò chuyên nghiệp của họ là giáo viên và là người học suốt đời.

Để đạt được điều này, NIE đã tạo cơ hội cho sinh viên thực hành và suy ngẫm về hoạt động giảng dạy tại trường phổ thông. Đồng thời, cũng trang bị nền tảng cơ bản cho những nghiên cứu, thử nghiệm sư phạm của sinh viên. Trong đó, họ sáng tạo và thử vận dụng các ý tưởng sư phạm dưới sự hướng dẫn và thảo luận cũng như hợp tác học tập với bạn bè và giáo viên hướng dẫn.

Cũng theo ThS. Nguyễn Hoàng Đoan Huy, trong giai đoạn thực tập sư phạm, giáo viên tương lai của Singapore được đưa vào môi trường lớp học thực để thực hành kỹ năng và kiến thức họ được trang bị trong các học phần đã được học trên ghế giảng đường.

NIE đã và đang thực hiện nhiều nỗ lực cải tiến quan trọng về cấu trúc chương trình thực tập sư phạm này để xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành cho sinh viên của mình.

Một trong những thay đổi quan trọng ở đây là việc sử dụng hình thức “Cuộc đối thoại tập trung” (Focused Conversations). Trong đó, cho phép giáo sinh chia sẻ với giáo viên hướng dẫn của mình tại các trường phổ thông về những gì mình được học của NIE, những vấn đề họ gặp phải trong suốt quá trình thực tập liên quan đến quản lý lớp học, thúc đẩy hoạt động học tập của học sinh cũng như hoạt động học tập của chính bản thân giáo sinh ở trường phổ thông nhằm phát triển năng lực dạy học của họ.

Việc sử dụng một khung chương trình thực hành mang tính phản biện/ suy ngẫm cũng cho thấy mang lại hiệu quả trong việc tạo điều kiện để giáo sinh có thể phát triển năng lực suy ngẫm của mình trong công tác giáo dục học sinh trong tương lai.

Hợp tác chặt chẽ với trường phổ thông

Sự hợp tác của NIE với các trường phổ thông đặc biệt quan trọng trong việc củng cố các cải tiến nhằm tăng cường mối quan hệ thực hành - lý thuyết.

Chia sẻ điều này, ThS. Nguyễn Hoàng Đoan Huy cho biết: Khoảng cách thực tiễn - lý thuyết đã được thừa nhận là thiếu sót chính yếu của giáo dục giáo viên trên toàn thế giới, cho dù tổ chức hoặc các cơ sở đào tạo sử dụng mô hình dựa vào trường đại học hay trường phổ thông.

Với mô hình "Đối tác nâng cao", NIE là người điều khiển hoạt động giáo dục chính thức của sinh viên về mặt học thuật, trang bị và phát triển cho họ các giá trị, kiến thức và kỹ năng để giúp họ vượt qua được thách thức của lớp học thế kỷ 21.

Song song với đó, các trường phổ thông có vai trò lớn hơn, tích cực hơn trong các vấn đề liên quan đến thực tập sư phạm và các thực hành hợp tác khác trong quá trình giảng dạy tại trường, tạo điều kiện phát triển nghề nghiệp và thu hẹp khoảng cách giữa học tập tại trường và “bối cảnh lớp học thực”.

Khi NIE thực hiện các nghiên cứu giáo dục và sư phạm, các trường phổ thông cũng sẽ được mời hợp tác bằng cách trở thành các địa bàn thử nghiệm và ứng dụng cho các nghiên cứu đó.

"Một mô hình như vậy sẽ góp phần phát triển và duy trì các mối quan hệ hợp tác mang lại hiệu quả hơn để NIE ngày càng đáp ứng kịp thời và đầy đủ hơn nhu cầu của sinh viên và trường phổ thông cũng như toàn xã hội" - ThS. Nguyễn Hoàng Đoan Huy chia sẻ.

5 nguyên tắc xây dựng mô hình thực tập sư phạm

Theo ThS. Nguyễn Hoàng Đoan Huy, mô hình thực tập sư phạm của NIE được xây dựng dựa trên 5 nguyên tắc nhằm đảm bảo cho công tác dạy học trong tương lai của sinh viên được thực hiện thành công nhất có thể, bao gồm:

Nguyên tắc 1: Thực tập sư phạm là một phần tích hợp xuyên suốt chương trình đào tạo.

Nguyên tắc 2: Thực tập sư phạm mang lại cơ hội hướng dẫn hiệu quả và ý nghĩa cho đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm và cán bộ giảng viên hướng dẫn của trường đại học.

Nguyên tắc 3: Thực tập sư phạm cho phép giáo sinh phát triển năng lực nghề nghiệp của họ thông qua trách nhiệm và cơ hội được thực hành chuyên nghiệp.

Nguyên tắc 4: Thực tập sự phạm được đánh giá thông qua hệ thống chuẩn được xây dựng không chỉ dựa trên nội dung kiến thức.

Nguyên tắc 5: Thực tập sư phạm cố gắng phát triển tư duy của người giáo viên, trong đó chú trọng đến tư duy phản biện cấu trúc và giao tiếp chuyên nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trích đoạn kinh điển 'Lý trưởng - mẹ Đốp' trong vở chèo cổ 'Quan Âm Thị Kính' biểu diễn tại sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'. Ảnh: BTC.

'Phi hề bất thành chèo'

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Mercury (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức talkshow và biểu diễn nghệ thuật 'Phi hề bất thành chèo' tại Nhà hát Chèo Việt Nam.