ThS. Dương Thị Thuý Hà (Viện Nghiên cứu Sư phạm – Trường ĐHSP Hà Nội) – chia sẻ một số ưu điểm nổi bật của ngành giáo dục tại quốc đảo này giúp nền giáo dục Singapore đứng đầu châu Á tại Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh nghiệm của Malaysia và Singapore về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm".
Đổi mới và đáp ứng nhu cầu xã hội
Theo ThS. Dương Thị Thuý Hà, Singapore xác định đổi mới giáo dục đại học là tất yếu, là nhu cầu tự thân để phát triển kinh tế xã hội.
Để hỗ trợ quá trình đổi mới đầy cam go này, nhà nước có cơ chế chính sách bảo lãnh, bao gồm các chính sách khuyến khích, thúc đẩy và bảo vệ với giáo dục đại học, đó là:
Khuyến khích đổi mới bằng giải pháp đặt hàng đối với các trường đại học trong các lĩnh vực mà họ có năng lực đảm nhận theo những nguyên tắc chặt chẽ.
Nhân tố con người, đặc biệt những cương vị lãnh đạo chủ chốt của giáo dục được đặc biệt coi trọng. Đó là là chọn người có năng lực và tâm huyết, dám thể hiên quan điểm cá nhân, và chấp nhận hi sinh cho sự nghiêp đổi mới. Hệ thống những nhân lực chủ chốt này bắt đầu từ những lãnh đạo cao nhất, vì đổi mới giáo dục đại học liên quan đến toàn xã hội và thực chất là một cuộc đổi mới về xã hội.
Giảng viên đại học ở Singapore được tuyển dụng phải là những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh giáo dục, đặc biệt phải có nhiều kinh nghiệm sống, làm việc và học tập ở nước ngoài. Nói cách khác một thành viên được tuyển dụng vào đại học ở Singapore cần phải đạt 1 lúc 2 chuẩn: chuẩn đào tạo (bằng cấp) và chuẩn nghề nghiệp (có khả năng làm việc xuất sắc thực tiễn).
Đào tạo gắn với nhu cầu xã hội phát triển
ThS. Dương Thị Thuý Hà cho biết: Giáo dục đại học Singapore được chia thành hai khu vực là trường công và trường tư. Các trường công thuộc sự quản lý của Bộ Giáo dục và được hỗ trợ tài chính. Các trường tư tự túc về mặt tài chính.
Việc mở ra những ngành học mới, thành lập những trường mới, các tổ chức giáo dục tư nhân phải nghiên cứu kĩ, thăm dò và dự đoán được những ngành học có khả năng thu hút sinh viên dựa trên nhu cầu của xã hội, của nền kinh tế và xu hướng giáo dục trong nước cũng như của thế giới.
Quá trình này luôn được tính toán và cân nhắc rất cẩn thận; khi mở là được xét trên nhu cầu thực tế của xã hội, vì vậy sinh viên tốt nghiệp rất dễ dàng tìm được việc làm.
Ở mỗi giai đoạn, Singapore có một chiến lược phát triển giáo dục nhất định, nhưng giai đoạn nào thì cũng bám lấy tiêu chí nhu cầu của xã hội đối với đào tạo.
Xã hội đang cần người làm công việc gì thì trường học đào tạo ngành nghề đó. Đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường thì trường đó cũng sẽ tạo được thế mạnh cũng như thương hiệu cho riêng mình. Đây là một vấn đề căn bản mà các trường đại học tại Việt Nam mới chỉ chú ý đến trong những năm gần đây.
Cơ hội thực tập và việc làm hấp dẫn
Ở Singapore, quá trình cải cách giáo dục đã thực hiện hơn 20 năm qua. Đối với Singapore, ở mỗi giai đoạn đều có một chiến lược phát triển giáo dục nhất định, nhưng giai đoạn nào thì cũng bám lấy tiêu chí nhu cầu của xã hội đối với đào tạo. Xã hội đang cần người làm công việc gì thì trường học đào tạo ngành nghề đó.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ThS. Dương Thị Thuý Hà cho biết: Sinh viên tại Singapore có thể học tập tại nhiều quốc gia khác trên thế giới khi tham gia chương trình chuyển tiếp, hoặc các kỳ trao đổi sinh viên, thực tập… Bên cạnh kiến thức chuyên môn, những kinh nghiệm và kỹ năng học tập được qua việc trải nghiệm là yếu tố quan trọng mà các nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm.
Nhờ sự phát triển ngày càng mạnh mẽ, Singapore đang trở thành nơi thu hút sự đầu tư của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Google, Facebook, ANZ, Dell, Samsung, Louis Vuitton…
Những ngày hội việc làm được tổ chức thường xuyên ở các trường, hay các kỳ thực tập bắt buộc chính là cơ hội “vàng” để sinh viên tiếp xúc với nhà tuyển dụng, hiểu thêm về môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp, từ đó tích lũy kinh nghiệm và kiến thức cần thiết để tự tin khi ứng tuyển.
Sự phân cấp nhưng cũng linh hoạt trong hệ thống giáo dục Singapore giúp sinh viên dễ dàng hơn trong việc định hướng kế hoạch học tập cho bản thân. Học sinh, sinh viên hoàn toàn chủ động trong việc định hướng con đường học tập và tương lai nghề nghiệp của mình dựa trên khả năng của bản thân.