Bài giảng trực tuyến dùng chung, cách tiếp cận mới nhiều hứa hẹn

GD&TĐ - Với bài giảng trực tuyến dùng chung, sinh viên là trung tâm của buổi học. 

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp. Ảnh: INT
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp. Ảnh: INT

Giảng viên đóng vai trò là người giải đáp thắc mắc, hỗ trợ người học cách tư duy và lĩnh hội kiến thức cũng như cách áp dụng những gì đã học vào thực tế.

Mô hình lớp học đảo ngược

Tại ĐHQG TPHCM, Triết học Mác – Lênin là môn học đầu tiên sử dụng bài giảng trực tuyến dùng chung, được thí điểm tại hai trường thành viên là ĐH Quốc tế và ĐH Kinh tế - Luật. Những bài giảng được biên soạn trong các video để sinh viên có thể học trực tuyến trước khi tham gia giờ học trực tiếp với giảng viên. Hệ thống bài giảng video không thay thế hoàn toàn giờ học trên giảng đường. ĐHQG TPHCM đã biên soạn 81 video bài giảng cho môn Triết học Mác – Lênin.

Theo PGS.TS Vũ Tình, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM, thành viên ban soạn thảo bài giảng trực tuyến dùng chung, giờ học trực tiếp sẽ là thời gian để sinh viên thảo luận, nêu thắc mắc và được giảng viên giải đáp.

Giảng viên sẽ không kết luận ý kiến của sinh viên là đúng hay sai mà chỉ nhận định quan điểm của sinh viên có thuyết phục, logic hay chưa cũng như cách khắc phục để quan điểm trở nên thuyết phục hơn. Cũng trong giờ học trực tiếp, giảng viên sẽ cung cấp cho sinh viên nguồn tài liệu tham khảo và các công cụ học tập để người học mở rộng và vận dụng kiến thức vào đời sống.

Như vậy, trước khi đến trường học, sinh viên phải đọc trước đề cương môn học, nghe các bài giảng trực tuyến và trả lời câu hỏi trắc nghiệm để củng cố kiến thức. Ngoài ra, trong video bài giảng cũng có một số câu hỏi mang tính gợi mở kiến thức rộng hơn cũng như liên hệ với thực tế.

PGS.TS Vũ Tình phân tích: “Trong mô hình lớp học đảo ngược Flipped Classroom, người học là trung tâm thay vì mô hình truyền thống đặt giảng viên là trung tâm. Nội dung kiến thức mà giảng viên truyền đạt phụ thuộc vấn đề do người học đặt ra sau khi tự học qua các bài giảng video. Dành nhiều thời gian trên lớp cho thảo luận sẽ giúp sinh viên hiểu bài học sâu hơn, phong phú hơn”.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM.

Người học và người dạy đã sẵn sàng?

Trước thông tin về việc áp dụng thí điểm mô hình lớp học đảo ngược, sinh viên N.B.T. (Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) cho biết: “Triết học Mác – Lênin là môn học quan trọng với sinh viên nhưng cũng khá khó để tiếp cận.

Triển khai bài giảng trực tuyến với môn học này sẽ là một phương pháp tốt và mới mẻ để giúp sinh viên học nhanh, hiểu nhanh và sâu sắc hơn kiến thức về triết học, nền tảng cho các hoạt động của con người. Việc không bị áp lực trước nhận định đúng – sai sẽ giúp sinh viên tự tin bày tỏ quan điểm cũng như dễ lắng nghe góp ý để hoàn thiện kiến thức. Tuy nhiên, để áp dụng thành công cách học mới này, sinh viên cần có kỹ năng học tập chủ động cũng như biết cách quản lý thời gian với một ý thức kỷ luật cao hơn”.

ThS Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TPHCM nhìn nhận, mô hình lớp học đảo ngược với vai trò trọng tâm là sinh viên là xu hướng giáo dục rất đáng quan tâm. Mô hình này giúp sinh viên nâng cao tính chủ động trong học tập như tìm kiếm tài liệu tham khảo; thuận tiện trong tiếp thu bài giảng và hình thành kỹ năng đặt vấn đề, thảo luận tại lớp. Trong thời gian tới, trường sẽ thực hiện thí điểm mô hình này cho môn Xác suất thống kê, theo chủ trương của ĐHQG TPHCM.

Mô hình Flipped Classroom là một trong năm xu hướng đổi mới công nghệ giáo dục của Mỹ. Theo chia sẻ của PGS.TS Vũ Tình, tại Trường ĐH Touro của Mỹ, giảng viên chỉ dùng khoảng 1/3 tiết dạy cho việc thuyết giảng. Thời gian còn lại, giảng viên sẽ lắng nghe người học trình bày những gì họ nhận được sau khi tự học qua các bài giảng video trực tuyến.

Trên thực tế, một số trường đại học đào tạo khối ngành khoa học tự nhiên còn phân vân về phương pháp học qua bài giảng trực tuyến dùng chung. Một giảng viên cho biết mô hình này có thể áp dụng cho bài giảng các môn khoa học xã hội nhưng với các môn khoa học tự nhiên, cần cân nhắc để đảm bảo hiệu quả môn học. Ngoài ra, việc thiết kế bài giảng cho các môn khoa học cơ bản phụ thuộc nhiều vào năng lực và sự sẵn sàng của giảng viên.

Theo PGS.TS Vũ Minh Tâm, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM, bài giảng trực tuyến dùng chung môn Triết học Mác – Lênin áp dụng cho các trường thành viên có thể đạt hiệu quả và sức lan tỏa cao. Môn học thứ 2 áp dụng mô hình này là Xác suất thống kê. Đi đôi với áp dụng hệ thống bài giảng trực tuyến dùng chung là xây dựng cơ sở dữ liệu số, bồi dưỡng, tập huấn giảng viên... Đây là nỗ lực để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo trong toàn hệ thống.

Lớp học đảo ngược (Flipped classroom) gồm nhiều học phần, có sự liên kết chặt chẽ giữa việc học và đánh giá kết quả; có phản hồi cho người học trong từng giai đoạn. Các hoạt động trước khi đến lớp được thiết kế cẩn thận để sinh viên nắm được khái niệm chính của môn học, giúp phát triển sự tự tin và động lực để tham gia vào các cuộc thảo luận trên lớp.

Hoạt động đánh giá sau giờ học được kết nối rõ ràng với trải nghiệm học tập trước khi lên lớp và lớp học trực tiếp, giúp việc học trở nên phù hợp, thực tế và bền vững. Một số lợi ích từ lớp học đảo ngược là tính linh hoạt, sinh viên học theo tốc độ của mình, tự chịu trách nhiệm về việc học, tiết kiệm thời gian, có thể học ở trình độ cao hơn. (Theo nghiên cứu của Đại học Adelaide, Úc)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ