Bài giảng video tạo hứng thú khi dạy học trực tuyến

GD&TĐ - Mùa dịch Covid-19, thầy cô ở Cần Thơ không chỉ bận rộn trong việc xây dựng kế hoạch giảng dạy, soạn giáo án và lên lớp mà còn tranh thủ thời gian suy nghĩ, thiết kế bài giảng và dựng các video clip để hỗ trợ HS.

Giáo viên Trường THPT Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ làm video bài giảng. Ảnh: TG
Giáo viên Trường THPT Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ làm video bài giảng. Ảnh: TG

Mong trò học tốt hơn

Thầy Trần Hoàng Công, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ cho biết, năm học 2021 - 2022, nhà trường có 1.412 học sinh. Để phòng dịch Covid-19, các em phải học trực tuyến. Do những khó khăn khách quan lẫn chủ quan, việc tiếp thu kiến thức từ xa của các em có những hạn chế. Để bổ trợ kiến thức cho trò, thầy cô nhà trường tích cực dựng video clip giảng dạy. Sau khi hoàn thành các video clip, giáo viên gửi cho học sinh qua Zalo, để các em có thể xem và tự học tại nhà.

“Nhà trường đặt ra mục tiêu phấn đấu mỗi bộ môn sẽ hoàn thành ít nhất một clip/tháng. Các clip này sẽ được dùng làm cơ sở học liệu cho nhà trường trong năm học này và những năm học tới. Ngoài ra, thông qua các video clip bài giảng, học sinh có thể ôn lại bài nhằm củng cố kiến thức, xem lại những phần chưa hiểu khi học tại trường”, thầy Công chia sẻ.

Ở Trường THCS Thới Long, quận Ô Môn (TP Cần Thơ), thời gian qua, các tổ chuyên môn đều thực hiện ghi hình các tiết dạy, sau đó trích dựng thành các video gửi cho học sinh. Nhờ vậy học sinh dễ hiểu, khắc sâu kiến thức, những em chưa nắm hết các kiến thức trong lúc học trực tuyến có thể xem lại bài giảng.

“Nhà trường nằm ở vùng ven của thành phố. Khó khăn lớn nhất là lực lượng giáo viên lớn tuổi đông, khi tiếp nhận công nghệ thông tin có nhiều hạn chế. Do đó nhà trường phải thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn công nghệ thông tin cho giáo viên. Ngoài ra, qua thời gian giảng dạy trực tuyến, nhà trường luôn chủ động nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả của giáo viên. Thầy cô rất tích cực trong việc dựng video ôn kiến thức cho trò”, thầy Nguyễn Văn Bướm, Hiệu trưởng Trường THCS Thới Long cho biết.

Theo ông Nguyễn Phúc Tăng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ, năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục bắt đầu bằng hình thức trực tuyến đối với học sinh trung học trên địa bàn. Để nâng cao chất lượng dạy và học, Sở khuyến khích các trường thực hiện các video bài giảng gửi cho học sinh học phụ thêm ở nhà trong thời gian này. Ngoài ra, các video này sẽ được đưa vào dữ liệu phục vụ cơ sở học liệu trực tuyến cho học sinh tham khảo.

“Việc xây dựng các video bài giảng giúp học sinh củng cố kiến thức tốt hơn. Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu các trường xây dựng video bài giảng, đồng thời khuyến khích thầy cô sáng tạo các hình thức truyền đạt và nội dung bài giảng để video sinh động hơn, qua đó thu hút các em theo dõi”, ông Nguyễn Phúc Tăng chia sẻ.

Cô Huỳnh Hương Đan Thảo, giáo viên tổ Sinh - Công nghệ của Trường THCS Thới Long kiểm tra, chỉnh sửa các video bài giảng. Ảnh: TG
Cô Huỳnh Hương Đan Thảo, giáo viên tổ Sinh - Công nghệ của Trường THCS Thới Long kiểm tra, chỉnh sửa các video bài giảng. Ảnh: TG

Vượt khó làm video

Trường THPT Hà Huy Giáp thuộc vùng sâu của thành phố Cần Thơ. Thế nhưng ngay từ đầu năm học, các thầy cô đã nỗ lực ứng dụng công nghệ làm clip, tạo nên nhưng tiết học sinh động, giúp các em dễ tiếp thu kiến thức.

Cô Bùi Thị Duyên - Tổ trưởng Bộ môn Ngữ văn của trường cho biết, do không có thiết bị chuyên dụng nên hầu như thầy cô đều sử dụng điện thoại cá nhân để quay, mượn phòng học của trường để làm “phim trường” thực hiện các bài giảng.

Những giáo viên hóa thân thành YouTuber “không chuyên” mang kiến thức đến cho học trò. “Từ cách đặt máy, góc quay đến hướng nhìn của giáo viên, chúng tôi phải tự tìm tòi học hỏi qua Internet. Điều kiện ở vùng sâu nên chúng tôi cũng khó tiếp cận công nghệ thông tin. Mỗi clip có thời lượng hơn 30 phút nhưng các thầy cô phải làm cả tuần mới xong, vì cần thời gian quay đi quay lại rồi cắt gọt, chỉnh sửa video”, cô Duyên chia sẻ.

Thầy cô giáo thường xuyên xem lại những góp ý của học trò, đồng nghiệp qua các video để hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: TG
Thầy cô giáo thường xuyên xem lại những góp ý của học trò, đồng nghiệp qua các video để hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: TG

Theo cô Quách Thị Phượng, giáo viên dạy môn Văn, do là YouTuber không chuyên nên các thầy cô luôn có nhiều tình huống “khó đỡ”. Gió, tiếng ồn, ánh sáng hoặc tiếng bước chân, chuông điện thoại reo cũng trở thành những tác nhân khiến việc thu hình, thu âm bị gián đoạn. Có thầy cô quá quen theo cách dạy truyền thống nên khi chuyển sang quay clip vẫn chưa quen, “sa đà” vào bài giảng, quên mất thời gian, vậy là phải làm lại.

“Có clip bài học, các em có thể mở lại xem nhiều lần. Như vậy chẳng những đối với học sinh khá giỏi, các em yếu kém trung bình vẫn có thể tự bồi đắp kiến thức. Các em mở clip ra thì cảm nhận được lớp học của mình, cảm thấy gần gũi, thoải mái. Khi các em thoải mái rồi thì cảm thụ tác phẩm văn học tốt hơn”, cô Phượng nói thêm.

Cô Huỳnh Hương Đan Thảo, giáo viên tổ Sinh - Công nghệ của Trường THCS Thới Long cho hay, hiện nay kênh YouTube của cô có hơn 15 video bài giảng qua PowerPoint. Mỗi video này cô Thảo phải mất 2 ngày để soạn xong 1 bài học và 1 buổi để ghi âm, ghi hình. Khi tình hình dịch phức tạp phải dạy học trực tuyến, cô đã tham khảo bài giảng trên YouTube và quyết định tự làm để phù hợp với học sinh của mình. Quá trình làm rất công phu. Có nhiều video bài giảng qua PowerPoint sau khi dựng xong, thấy được nhưng khi nghe lại cô Thảo lại không ưng ý, vậy là phải bỏ, xuất lại và chỉnh lại từ đầu.

Ngoài việc chia sẻ với đồng nghiệp, cô Thảo còn gửi cho lãnh đạo nhà trường xin góp ý chỉnh sửa để hoàn thiện các video bài giảng, chỉn chu hơn khi đến với trò. Bên cạnh đó cô còn sưu tầm, lồng ghép các trò chơi trong bài giảng. Hiện cô đã tìm được khoảng 150 trò chơi phù hợp với bộ môn của mình và các bộ môn khác, đồng thời thực hiện lồng ghép hơn 50 trò chơi trên PowerPoint giúp học sinh hứng thú hơn khi học trực tuyến.

Càng khó, thầy cô ở TP Cần Thơ càng linh hoạt sáng tạo. Làm clip bài giảng của thầy cô có thể không chuyên, nhưng những video hàm chứa nhiều kiến thức và đong đầy tình cảm, yêu thương dành cho trò, với mong muốn các trò học được tốt hơn trong thời gian “đặc biệt”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.