Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các Vấn đề Nông thôn của Vương quốc Anh mới đây đã thông cáo với báo chí rằng nước này đang bổ sung một sửa đổi đối với Dự luật Animal Welfare Sentience Bill (Dự luật Phúc lợi Động vật có tri giác), nhằm công nhận các sinh vật như bạch tuộc, cua, mực và tôm hùm, cùng với tất cả các loài giáp xác ăn thịt khác và động vật thân mềm cephalopod là các sinh vật có tri giác, như biết đau đớn và vui vẻ.
Dự luật này được đề xuất lần đầu tiên vào tháng 5 và hiện đang được xem xét. Luật được đề xuất ban đầu bao gồm tất cả các loài động vật có xương sống nhưng không bao gồm động vật không xương sống.
Tuy nhiên, vào ngày 19/11, chính phủ Vương quốc Anh thông báo rằng, hai nhóm động vật không xương sống - động vật thân mềm cephalopod (bạch tuộc, mực và mực nang) và động vật giáp xác (cua, tôm hùm, tôm và tôm càng) - sẽ được đưa vào danh sách các loài có tri giác, có nghĩa là phúc lợi của chúng sẽ phải được xem xét khi chính phủ trong tương lai đưa ra các quyết định liên quan.
Động lực thúc đẩy sự bổ sung này là một báo cáo mới được Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE) công bố ngày 19/11 trong đó họ xem xét bằng chứng từ hàng trăm nghiên cứu khoa học về hai nhóm động vật không xương sống này.
“Sau khi xem xét hơn 300 nghiên cứu khoa học, chúng tôi kết luận rằng, động vật thân mềm cephalopod và động vật giáp xác nên được coi là động vật có tri giác và do đó nên được đưa vào phạm vi của luật phúc lợi động vật”, trưởng nhóm nghiên cứu Jonathan Birch, nhà triết học khoa học sinh học tại LSE, cho biết trong một tuyên bố.
Trong lịch sử, việc chứng minh loài động vật nào có tri giác vẫn là một việc phức tạp vì rất khó để xác định. Các nhà nghiên cứu viết trong báo cáo: “Có tri giác tức là mang khả năng có cảm giác, chẳng hạn như cảm giác đau đớn, thích thú, đói, khát, ấm áp, vui vẻ, thoải mái và phấn khích”.
Tuy nhiên, việc cảm nhận được đau đớn hiện được coi là tiêu chí trọng tâm mà các nhà hoạch định chính sách cân nhắc khi soạn thảo luật mới về quyền động vật.
Nghiên cứu mới tập trung vào bằng chứng về các hình thức tiếp nhận cơn đau khác nhau, chẳng hạn như sở hữu các thụ thể cảm nhận đau đớn và các vùng não cụ thể liên quan đến cảm giác đau, cũng như các thí nghiệm hành vi cho thấy những động vật này đưa ra lựa chọn để tránh các tình huống bị đau đớn hay căng thẳng.
Theo chính phủ Vương quốc Anh, việc được công nhận là có tri giác có nghĩa là phúc lợi của động vật giáp xác và cephalopod sẽ phải được xem xét trong bất kỳ quá trình ra quyết định nào trong tương lai. Dự luật Phúc lợi Động vật có tri giác cung cấp một sự đảm bảo quan trọng rằng sức khỏe động vật được xem xét một cách đúng đắn khi xây dựng luật mới.
Khoa học hiện đã chứng minh rằng, các loài động vật giáp xác và loài cephalopod có thể cảm thấy đau đớn và do đó, chúng cần được bảo vệ bởi đạo luật quan trọng này.
Tuy nhiên, danh sách mới sẽ không ảnh hưởng đến luật pháp hiện hành xung quanh những loài động vật này. Điều này có nghĩa là, một số hành vi đáng tranh cãi như bán động vật cho những người xử lý không được đào tạo, vận chuyển động vật trong nước lạnh và đun sôi động vật sống mà không làm ngất chúng hay các phương pháp giết mổ cực đoan khác vẫn hợp pháp ngay cả đối với động vật có tri giác.