Bác vĩnh hằng như thế giữa nhân dân

GD&TĐ - Cố thi sĩ Félix Pita Rodríguez (Cu Ba) viết: “Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ”.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Nghe Bác về, nhà khách được xây lên

Nhưng Bác nói: Bác không phải là khách, Bác đi về nhà Bác

Nếp tranh nhỏ, đỏ một bờ râm bụt

Bác nhổ rào, đi lối những ngày xưa.

Nơi chân trần chạy nắng dưới đường trưa

Cánh diều nhỏ xanh suốt ngày tuổi nhỏ

Năm mươi năm xa, vẫn bồi hồi lối ngõ

Cái gáo dừa, chum nước trắng hoa cau...

Giếng Cốc trước nhà, cây mít đằng sau

Lò rèn nhỏ ông Điền, Bác thường ra thụt bễ

Đỉnh núi Chung chăn bò, cùng bạn bè

một thuở

Chí anh hùng phơ phất ngọn cờ lau

Những đêm nào tuyết lạnh trắng trời Âu

Làng quê nhỏ bập bùng sân ánh lửa

Đêm phường vải, mắt người gieo câu ví

Ánh trăng ngời vạt áo lúc chia tay...

Nhà Bác nghèo, vườn chỉ bấy nhiêu thôi

Đừng khoanh rộng những điều không

phải lẽ!

Đừng huyền thoại thay cho điều giản dị

Khiến Bác thành xa lạ giữa quê hương!

Bác từ Làng Sen về với Núi Sông

Ngàn cánh hạc vỗ bay trời xứ sở

Ai cũng thấy đời riêng trong cuộc đời lãnh tụ

Bác vĩnh hằng như thế giữa nhân dân!

Nguyễn Sĩ Đại

(Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, số 317, tháng 5/2020)

Lời bình của Trịnh Tuấn Anh

Điều này thật đúng với Nguyễn Sĩ Đại với bài thơ Bác vĩnh hằng như thế giữa nhân dân. Dòng thi hứng được khơi nguồn từ sự kiện Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất vào tháng 6/1957.

Tư tưởng “Đất Nước Nhân dân” (Nguyễn Khoa Điềm) xuyên suốt trên nền cảm xúc “Từ Làng Sen Bác về với Núi Sông” qua sự hóa thân của vĩ nhân vào Tổ quốc, đã tạo nên cấu tứ độc đáo cho bài thơ.

Bằng bút pháp tự sự xen lẫn trữ tình, nhà thơ đã tái hiện khách quan, chân thực nhiều chi tiết xúc động về cuộc đời Bác Hồ kính yêu. Đó là những tư liệu sống có sức ngân rung, lay động sâu xa trái tim người đọc.

Toàn bài thơ là câu chuyện được hồi quang từ tầng sâu nội cảm (nghe) của nhân vật trữ tình (người kể ở ngôi thứ ba) về hàng loạt sự việc, hoạt động xoay quanh sự kiện trung tâm (Bác về).

Qua chuỗi sự kiện lớn, nhỏ; nhân cách lớn lao, nhất là phẩm chất đạo đức cao khiết của Bác, được tỏa sáng rạng ngời. Nhân cách ấy vĩ đại nhưng chẳng làm ai kinh ngạc: “Nghe Bác về, nhà khách được xây lên/ Nhưng Bác nói: Bác không phải là khách, Bác đi về nhà Bác/ Nếp tranh nhỏ, đỏ một bờ râm bụt/Bác nhổ rào, đi lối những ngày xưa”.

“Những ngày xưa” ấy là thế giới tuổi thơ đong đầy kỷ niệm gợi nhớ, gợi thương; là ân tình xóm làng sâu đậm dù xa quê gần hết cuộc đời (cả “Những đêm nào tuyết lạnh trắng trời Âu”) vẫn không dễ quên: “Nơi chân trần chạy nắng dưới đường trưa/Cánh diều nhỏ xanh suốt ngày tuổi nhỏ/Năm mươi năm xa, vẫn bồi hồi lối ngõ/Cái gáo dừa, chum nước trắng hoa cau.../Giếng Cốc trước nhà, cây mít đằng sau/Lò rèn nhỏ ông Điền, Bác thường ra thụt bễ/ Đỉnh núi Chung chăn bò, cùng bạn bè một thuở/Chí anh hùng phơ phất ngọn cờ lau” và: “Làng quê nhỏ bập bùng sân ánh lửa/Đêm phường vải, mắt người gieo câu ví/Ánh trăng ngời vạt áo lúc chia tay”.

Từ những tư liệu thực tế, tác giả đã làm sống dậy một không gian văn hoá đặc sắc của Làng Sen, Xứ Nghệ với những hình ảnh bình dị, mến thương (cánh diều, lối ngõ, gáo dừa, chum nước, hoa cau, góc sân nhà, đêm trăng hát ví...); với con người thấm đẫm nghĩa xóm tình làng. Miền quê Đất Việt nghèo khó nhưng chan chứa ân tình ấy đã sinh ra và nuôi dưỡng người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh.

Sự trường tồn của Người đã thấm tạc vào mỗi dáng sông, hình núi: “Từ Làng Sen Bác về với Núi Sông/ Ngàn cánh hạc vỗ bay trời xứ sở”; nói như Chế Lan Viên: “Trong trang sách mỗi em thơ đều có Bác/Tổ quốc ấy hình hài là di chúc/Ta nghe tiếng Người trong một điệu dân ca”.

Bằng cách nói giảm (về với Núi Sông), nhà thơ không chỉ làm dịu nhẹ nỗi đau mà còn tạo được cảm giác ấm áp trước sự ra đi của Bác khi Người đã thực sự hóa thân vào quê hương xứ sở. Đặc biệt, sự hóa thân ấy là biểu hiện cao nhất của đức hy sinh nên đã trở thành điều huyền diệu khi “Ai cũng thấy đời riêng trong cuộc đời lãnh tụ”.

Bởi lẽ, Bác đâu chỉ sống cho riêng mình, Cả đời Người là của nước non (Nguyễn Đình Thi). Người trọn đời: “Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa/Chỉ biết quên mình cho hết thảy/Như dòng sông chảy nặng phù sa” (Tố Hữu).

Cấu tứ bài thơ được phát triển nhất quán, lo gic trong mạch cảm xúc thành kính, ngưỡng vọng thiêng liêng: “Từ Làng Sen Bác về với Núi Sông”, giữa cõi trường sinh của “Ngàn cánh hạc vỗ bay trời xứ sở”, với Đất Nước lời ru (Văn Thành Nho) cùng tiên tổ nên “Bác vĩnh hằng như thế giữa nhân dân”.

Biết là “sống gửi thác về” theo quan niệm phật giáo, Bác đi “Vào cõi trường sinh nhẹ cánh bay” (Tố Hữu) nhưng sao vẫn thấy “nghe nhói ở trong tim” (Viễn Phương) trước anh linh Người. Bác vĩ đại và gần gũi nhưng dường như chúng ta vẫn chưa hiểu hết về Người vì “Ta như thế cây đời quen uống nắng/ Suốt ngàn năm chưa hiểu hết trởi cao” (Đào Cảng).

Vì vậy, chúng ta không tránh khỏi cảm giác bừng tỉnh trước lời khuyên thấm thía, hàm súc: “Nhà Bác nghèo, vườn chỉ bấy nhiêu thôi/ Đừng khoanh rộng những điều không phải lẽ!/ Đừng huyền thoại thay cho điều giản dị/ Khiến Bác thành xa lạ giữa quê hương!”.

Bằng chính “Cuộc đời thanh bạch chẳng vàng son/Mong manh áo vải hồn muôn trượng/Hơn tượng đồng phơi những lối mòn” (Tố Hữu), Bác đã để lại cho muôn đời sau một bài học lớn và tấm gương ngời sáng về sự chí công vô tư, về đức tính vô cùng khiêm tốn, giản dị.

Bài thơ gây ấn tượng sâu đậm bởi một tâm hồn lắng cảm, đầy chất nhân văn; hệ thống chi tiết, hình ảnh khai triển cấu tứ giàu phong vị dân gian; gói đọng nhiều ý tưởng hàm súc.

Nguyễn Sĩ Đại từng viết gần 20 bài thơ về Bác. Và ở bài này, nhà thơ khiêm nhường tự nhận: “Đã nói được một vài ý”. Dẫu vậy, những giá nghệ thuật giàu sáng tạo của nó đã có thể định vị đây là một trong những bài thơ hay nhât viết về đề tài Bác Hồ trong dòng thi ca Việt Nam đương đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ