Nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu (19/5/1890-19/5/2021), thầy giáo Hà Ngọc Đào (sinh năm 1941), Chủ tịch Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức tỉnh Đắk Lắk, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk (Cựu lưu học sinh Miền Nam) tâm sự những kỷ niệm sâu sắc về Bác Hồ.
Đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, những nếp nhăn theo năm tháng bắt đầu lộ rõ, nhưng mỗi khi có người hỏi về những kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời, thầy Hà Ngọc Đào đều vanh vách kể lại những lần được gặp Bác Hồ với một niềm xúc động và tự hào không thể xóa nhòa.
Ông kể:“Từ 1958 đến 1960, chúng tôi đi “lao động Xã hội chủ nghĩa” để xây dựng đường Cổ Ngư (Hà Nội). Tại đây, nhiều lần được Bác Hồ ghé thăm, trao đổi, nói chuyện động viên thanh niên đang làm đường. Lần nào Bác cũng bước xuống xe từ xa, trong bộ đồ kaki 4 túi, đội mũ cối, đi dép cao su và đi đến từng phân đội thanh niên để thăm hỏi. Giọng Bác ấm và truyền cảm lắm, như tiếp thêm nguồn năng lượng để chúng tôi cố gắng hơn”.
Luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các lưu học sinh miền Nam
Theo lời ông Hà Ngọc Đào, khi đang học lớp 8, hệ 10 năm ở trường Nguyễn Trãi 3 (đường Phan Đình Phùng, Thủ đô Hà Nội), ông đã tham gia xây dựng đường Cổ Ngư, tham gia nhiều hoạt động của trường. Tại các hoạt động này, đã nhiều lần được Bác Hồ tới thăm hỏi, động viên.
“Trường chúng tôi học mỗi khối (lớp 8 đến lớp 10) có 2 lớp dành cho các lưu học sinh miền Nam tập kết ra Bắc học. Mỗi lần tới trường, Bác không cho lái xe chở thẳng đến Hội trường như người khác, mà Bác tự đi thẳng xuống khu nội trú, khu bếp ăn của học sinh. Bao giờ Bác cũng gọi các học sinh miền Nam và ân cần hỏi: “Các cháu ăn uống có tốt không, chỗ ngủ nghỉ có thuận tiện không”. Rồi Bác căn dặn, các cháu phải học tập và rèn luyện thật tốt để mai này trở lại xây dựng quê hương” - ông kể.
Trong hành trang của mình, có một kỷ niệm làm ông nhớ mãi. “Hôm đó vào ngày nghỉ, lúc toàn thể học sinh đang tập trung để ăn cơm chiều, chúng tôi thấy xe của Bác tới rất bất ngờ. Như thường lệ, xe vẫn dừng ở xa. Lần này Bác tiến thẳng đến khu bếp ăn, rồi Bác hỏi ngay: “Các cô chú cấp dưỡng có gây khó dễ gì cho các cháu không?”. Tất cả chúng tôi đều không hiểu chuyện gì.
Rồi Bác nói ngay với giọng rất xúc động: Bác biết, có một vài em chưa vừa ý với cô chú cấp dưỡng, nhưng đã là học sinh thì phải coi các cô chú ấy như là cha mẹ mình. Đất nước còn khó khăn, mỗi người phải san sẻ một tý …”. Thì ra, trước đó có 1 học sinh vì phật ý với cấp dưỡng nên tự ý đổ phần ăn của mình, sau đó sự việc được báo lên cho Bác.
Chỉ một việc nhỏ thôi, nhưng bài học về giáo dục đạo đức, cách cư xử của Bác thật sâu sắc và gần gũi với chúng tôi”- ông Đào xúc động nói.
Luôn động viên và ghi nhận những cống hiến của thanh niên
Nói về tinh thần xung phong của tuổi trẻ lúc bấy giờ, ông Đào rất tự hào và cho rằng, bản thân mình may mắn được góp mặt vào thời điểm lịch sử trọng đại của đất nước.
Theo ông, lúc này cả miền Bắc đang náo nức xây dựng “Xã hội chủ nghĩa”, chuẩn bị nhân lực, vật lực để trở thành “hậu phương lớn” cho “tiền tuyến lớn”. Nhiều công trình lớn được triển khai khắp mọi nơi; tinh thần hăng say trong học tập, rèn luyện, lao động sản xuất lên ngút trời. Bản thân ông được tham gia vào các phong trào, trong đó có công trình xây dựng đường Cổ Ngư là một vinh dự lớn.
“Bao giờ cũng thế, Bác luôn xuất hiện bất ngờ và cũng luôn giản dị trong bộ đồ kaki, đôi dép cao su. Bác dành thời gian để hỏi han về tiến độ công việc, về những khó khăn cả trong công việc cũng như sinh hoạt và học tập của chúng tôi. Theo Bác, con đường này do thanh niên dùng công sức của mình để xây dựng, vì thế nên đổi tên là “đường Thanh Niên” - ông Đào nhớ lại.
Cũng theo ông Đào, ngày nay, đường Cổ Ngư được đổi thành đường Thanh Niên, đó chính là sự ghi nhận những cống hiến của tuổi trẻ trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và Nhà nước ta.
“Trong tiến trình đổi mới sự nghiệp giáo dục hiện nay, chúng ta nên kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; phải phát huy được tinh thần, trí tuệ và sức lực của tuổi trẻ thì công cuộc đổi mới sẽ thành công”- ông Đào chia sẻ.