Bác Hồ trong mắt các tác giả quốc tế

GD&TĐ - Tới nay, số lượng cụ thể các tác phẩm nước ngoài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa được thống kê chính xác. Song, có thể thấy họ luôn dành sự khâm phục, ngưỡng mộ và kính trọng với Bác.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Người kiệt xuất

Ngày 2/9/1945, trên Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn được cho là đã tạo thành một “làn sóng” không chỉ ở Đông Dương mà còn lan ra khắp châu Á, châu Âu và các quốc gia châu Phi, Mỹ La tinh. “Làn sóng” mang thông điệp rằng, dân tộc nào cũng có quyền tự quyết, hưởng tự do và bình đẳng. Cũng từ đó, người kiệt xuất - Hồ Chí Minh và đất nước nhỏ bé - Việt Nam trở thành mối quan tâm đặc biệt của các quốc gia khác, khi đã thành công biến điều “không thể thành có thể”.

Tới nay, số lượng tác giả nước ngoài nghiên cứu, viết sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chưa được xác định. Nhiều thống kê cho thấy, có khoảng trên 200 tác phẩm và công trình nghiên cứu, hàng trăm tạp chí, hàng nghìn bài báo của các tác giả trên thế giới viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tháng 9/1969, sau lễ tang Bác Hồ, tờ báo có sức ảnh hưởng lớn nhất nước Mỹ - Washington Post, đã viết: “Không một nhà hoạt động lớn nào trong thập kỷ cách mạng dân tộc đầy sôi động này lại có ảnh hưởng lớn trên thế giới, thực hiện nhiều sách lược đường lối với nhiều thách thức to lớn như vị lãnh tụ cộng sản Việt Nam - Ông Hồ Chí Minh. Con người mảnh khảnh, nhưng đôi mắt tinh anh sáng rực đã trải qua nhiều nghề nghiệp. Từ khi còn là bồi bàn trên tàu thủy, rồi làm nghề rửa bát, cấp dưỡng, giáo viên, thợ rửa ảnh và trở thành nhà tổ chức không mệt mỏi, vươn lên trên những nhân vật đương thời”.

Trong khi đó, số ra ngày 4/9 cùng năm của tờ New York Times (Mỹ) cũng ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong số các chính khách của thế kỷ 20, ông Hồ Chí Minh là nhân vật nổi bật về tính bền bỉ, dẻo dai và lòng kiên nhẫn trong việc tìm kiếm mục tiêu độc lập cho Việt Nam và thành công trong việc dung hòa chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa dân tộc”.

Sau ngày Bác qua đời, tờ báo Mỹ Daily World đã đăng hàng loạt bài viết với tiêu đề “Di sản của Hồ Chí Minh”. Trong số báo ra ngày 20/9/1969, Daily World nhấn mạnh: “Hồ Chí Minh không những tìm ra con đường đi tới tự do, mà còn sáng lập và xây dựng công cụ lãnh đạo là chính đảng Mác - Lênin... Người đã trở thành biểu tượng Anh hùng và cách mạng trên toàn thế giới. Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật vĩ đại nhất của thời đại. Cuộc đời và các tác phẩm của Người sống mãi để thôi thúc những thế hệ tiếp nối và những thế hệ chưa chào đời. Nhà lãnh đạo Việt Nam vĩ đại này đã để lại một di sản tinh thần thôi thúc ý chí mọi người và thúc đẩy những hành động lớn lao trong sự nghiệp tự do và chủ nghĩa cộng sản trong các nhà cách mạng trên toàn thế giới!”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng “bất tận” của các tác giả.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng “bất tận” của các tác giả.

Nhân cách Hồ Chủ tịch trong trái tim nhà báo Đức

Trong những tác giả nước ngoài viết về Bác, có lẽ, nhà báo Đức Hellmut Kapfenberger là một trong những người có nhiều tác phẩm nhất. Ngày 19/5/2020, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo Junge Welt (Thế giới trẻ) đã đăng bài viết của nhà báo Hellmut. Bài báo ca ngợi nhân cách, trí tuệ tuyệt vời của Hồ Chủ Tịch - người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam cũng như các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Bài báo gồm khoảng 2.700 chữ. Trong đó, phần đầu là những nghiên cứu của tác giả cũng như một số đánh giá của các chính khách, nhà sử học và nhà nghiên cứu trên thế giới về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở phần sau, tác giả tóm tắt quá trình chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Sau đó, Người về nước tiếp tục kháng chiến, đọc bản tuyên ngôn thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và triển khai các chính sách tái thiết, xây dựng đất nước.

Theo nhà báo Kapfenberger, ở tuổi 21, với hoài bão mở rộng kiến thức để tìm ra câu trả lời cho những bất công trong vấn đề thuộc địa, Nguyễn Tất Thành đã tới nhiều nước trên thế giới, hy vọng tìm lời giải. 35 năm sau, khi trở lại, người thanh niên đó được giao giữ chức vụ cao nhất của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng của nhiều tác giả nước ngoài.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng của nhiều tác giả nước ngoài.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” không phải là một khẩu hiệu đơn thuần. Điều đó xuất phát từ suy nghĩ về sự chung sống hòa bình, hạnh phúc giữa các dân tộc. Đó là điều Người theo đuổi cả cuộc đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu với việc giải phóng dân tộc, vững tin vào sự đoàn kết giữa những dân tộc bị áp bức trên thế giới và tương lai của giai cấp vô sản.

Ông Hellmut Kapfenberger (87 tuổi) là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Đức. Ông từng là nhà báo, Đại diện thường trú của thông tấn xã ADN và báo “Nước Đức mới” của CHDC Đức tại Việt Nam trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước.

Ông Kapfenberger đã đưa hàng trăm tin, bài, phóng sự về Việt Nam. Ngòi bút của ông được cho là đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đoàn kết với Việt Nam, cả trong chiến tranh cũng như những năm đầu xây dựng lại đất nước.

Sau khi về nước, nhà báo Kapfenberger tích cực tham gia các hoạt động đoàn kết với Việt Nam. Sau khi về hưu, ông dành nhiều thời gian để sưu tầm các tư liệu về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông là tác giả của nhiều cuốn sách viết về Việt Nam như “Hồ Chí Minh - Một biên niên sử”, “Berlin-Bonn-Saigon-Hanoi”. Đây là tác phẩm trình bày một cách hệ thống lịch sử quan hệ Đức - Việt Nam. Bên cạnh đó, “Việt Nam - Cuộc chiến tranh 30 năm 1945 - 1975” và “Đường mòn Hồ Chí Minh” cũng là những tác phẩm để lại dấu ấn của nhà báo Kapfenberger.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ