Bắc Kạn: 28 năm án oan, nhà giáo 74 tuổi vẫn đi đòi công lý (Kỳ 1)

GD&TĐ - Cách đây 17 năm, báo GD&TĐ đã nhận được đơn thư của nhà giáo Hoàng Lâm Thanh, về việc ông bị Phòng Giáo dục Ba Bể kỷ luật oan, sau 25 năm cống hiến cho giáo dục miền núi. 

Bắc Kạn: 28 năm án oan, nhà giáo 74 tuổi vẫn đi đòi công lý (Kỳ 1)

Khi phóng viên vào cuộc, câu chuyện mới được hé lộ và được làm sáng tỏ: Đã có chuyện khuất tất đằng sau vụ việc kỷ luật này. Dư luận tại địa phương, đặc biệt là đồng nghiệp của ông cùng thời gian công tác đã lên tiếng chia sẻ và ủng hộ ông. Rằng, kỷ luật nhà giáo Hoàng Lâm Thanh là vội vàng và chưa có sơ sở thuyết phục. Nhiều độc giả phản hồi và mong muốn công lý, công bằng sẽ đến với thầy Hoàng Lâm Thanh.

Nỗi oan sai và hành trình đi tìm công lý

Nhà giáo Hoàng Lâm Thanh - Giáo viên Toán, sinh năm 1943, dân tộc Tày, đã có 25 năm công tác giảng dạy tại các tỉnh miền núi (Cao Bằng, Bắc Kạn).

Ông đã có 6 năm kiêm nhiệm làm Bí thư đoàn trường (1964 - 1970); 9 năm làm Hiệu trưởng ở các trường: PTCS Khang Ninh, Địa Linh, Nam Mẫu (Bắc Kạn).

Năm 1986, 1987, ông còn được Trường Khang Ninh cử đi làm Trưởng đoàn kiểm tra trường bạn và Chủ tịch Hội đồng thi. Mọi việc không có vấn đề gì xảy ra. Dù ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành tốt công việc được giao, được đồng nghiệp và nhân dân địa phương quý mến, tin cậy.

Cho tới cuối năm học 1987 - 1988, bất ngờ ông nhận được giấy báo của Phòng Giáo dục Ba Bể gọi lên làm kiểm điểm và ngày 2/8/1988, ông nhận được quyết định kỷ luật của Chủ tịch UBND huyện Ba Bể thời bấy giờ là ông Cà Xuân Lỵ cho thôi việc vì đã mắc khuyết điểm:

- Chống quyết định phân công công tác của nhà trường và điều động coi thi của UBND huyện;

- Vi phạm quy chế chuyên môn, không hoàn thành chương trình. (Quyết định còn nêu rõ ông bị buộc phải bị thu hồi 3 tháng lương 3, 4, 5 và được hưởng 5 tháng lương, kể cả phụ cấp và 6 tháng lương thực kể từ ngày 1/8/1988).

Quá đau xót và bất ngờ trước án kỷ luật trên trời rơi xuống và nhất là án được áp đặt từ Phòng Giáo dục và UBND huyện, nên ông quyết tâm kháng án kỷ luật bất công này.

Kỷ luật mà không hề thông qua BGH nhà trường, và không hề có cuộc họp nào, và ngay cá nhân ông cũng không rõ tại sao ông lại bị kỷ luật.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, ông không còn nhớ mình đã dành bao nhiêu năm để làm đơn, chỉ biết thời gian ông bận tâm để giải quyết khối oan cho mình ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tinh thần và dĩ nhiên là kinh tế của gia đình.

Có một bàn tay sắp đặt án kỷ luật cho ông, áp đặt tàn nhẫn. Ông cho biết: Năm học 1986 - 1987, năm học đầu tiên của thay sách giáo khoa cải cách giáo dục, vì vậy Phòng Giáo dục và Trường PTCS Khang Ninh cũng như hầu hết các trường trên địa bàn chưa kịp đưa sách SGK về cho GV giảng dạy.

Vì là năm đầu tiên của cải cách, tình trạng thiếu sách ở các môn học là phổ biến. Bộ môn hình học ông dạy ngay từ đầu năm, không có sách (tất nhiên không chỉ có mình ông).

Rất nhiều lần, ông đã phản ánh và đề nghị được trang bị sách kịp thời cho thầy trò khi học bộ môn này. Ngày 30/4 ông mới nhận được sách.

Và nhà trường không hề có kế hoạch cho ông dạy hoàn thành chương trình môn hình học. Vì vậy ảnh hưởng tiến độ chương trình. Hè năm ấy, ông có quyết định đi coi thi, nhà trường cử GV khác dạy thay cho ông.

Nhưng bị đau răng nhức nhối, ông viết giấy xin nghỉ, thì Trưởng phòng Giáo dục Hoàng Kim Xảo viết giấy gọi ông ra Phòng Giáo dục, đề nghị giải trình lý do không đi coi thi.

Khi biết ông đau răng thật, ông Xảo yêu cầu ông vào Bệnh viện huyện khám và lấy giấy của bệnh viện để báo cáo lên Chủ tịch huyện.

Ông cho biết, một nguyên nhân nữa khiến ông bị áp tội “chống lệnh cấp trên” bởi lẽ: Hè năm 1986, ông cụ thân sinh ông bị ốm rất nặng, ông xin ở nhà chăm sóc bố.

Nhưng Trưởng phòng Hoàng Kim Xảo không chấp nhận, kiên quyết bắt ông phải đi. Và, chỉ sau mấy ngày khi ông đi học lớp bồi dưỡng cốt cán trên Sở, ông cụ đã mất. Ông cũng không thể ở bên cha mình trong phút cha lâm chung.

Kể câu chuyện trên trong căn nhà cấp 4, dốc cheo leo, bốn bề chỉ có tiếng hú gió của đại ngàn, ông Thanh buồn bã:

- Tôi cũng không hiểu sao, tình người trong ngành Giáo dục ở đây ngày ấy lại nông nỗi ấy. Tuy nhiên, điều tệ nhất là đằng sau những câu chuyện buồn kia là ứng xử bất thường của lãnh đạo Phòng Giáo dục (ông Xảo), và Chủ tịch huyện Cà Xuân Lỵ.

Ngay sau đó, ông Thanh cho biết, ngày nào cũng vậy, liên tục trong 16 ngày, ông đều bị Trưởng phòng Giáo dục gọi lên Phòng, viết bản kiểm điểm sao cho đúng mẫu gợi ý của Trưởng phòng đã sắp sẵn.

Nhưng ông chỉ viết đúng sự thật, không viết bừa, đổ lỗi cho người khác. Có sao viết vậy. Mình là con người đàng hoàng, không có gì khuất tất, hà cớ gì làm chuyện mờ ám, làm hại người khác.

Khi báo GD&TĐ số 103, số đặc biệt, ngày 27/11/1999, ra mắt độc giả, thì UBND và các cấp chính quyền tỉnh Bắc Kạn đã lập tức vào cuộc, rà soát lại toàn bộ nội dung vụ việc và quy trình kỷ luật của Phòng GD&ĐT Ba Bể, nơi ông Thanh công tác, giảng dạy. UBND tỉnh và các ban ngành liên quan đã phát hiện sai phạm trong việc thi hành kỷ luật của UBND huyện Ba Bể đối với nhà giáo Hoàng Lâm Thanh (theo QĐ số 295 ra ngày 2/8/1988).

Vì vậy, ngày 22/1/2002, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ra QĐ số 58/QĐ-UB QĐ do Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn Nông Văn Lệnh ký) về việc hủy bỏ QĐ số 295/UB-QĐTC ngày 2/8/1988 của UBND huyện Ba Bể kỷ luật ông Hoàng Lâm Thanh...                                                                                                                                                                             Trong QĐ còn nêu rõ: Giao cho UBND huyện Ba Bể chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Phòng Tài chính Ba Bể làm các thủ tục giải quyết chế độ cho ông Hoàng Lâm Thanh, thời điểm thanh toán chế độ được tính từ tháng 8/1988 trở về trước năm 1963 (25 năm). Nhưng, đã 28 năm trôi qua…

(Còn nữa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.