Nỗ lực cải cách và đổi mới mô hình tăng trưởng
Tiếp thu, giải trình ý kiến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - cho biết: Bối cảnh mới đang đặt ra cho chúng ta rất nhiều việc phải làm và phải làm ngay. Đó là: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó đã có sự xác định xây dựng chiến lược 10 năm 2021-2030 là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chúng ta đã đặt ra rất nhiều mục tiêu lớn, khát vọng lớn phải đạt được. Chúng ta đang nằm trong bối cảnh một thế giới đang thay đổi hết sức nhanh chóng và bất định. Những vấn đề tác động của đại dịch Covid-19 vừa qua, những vấn đề hội nhập quốc tế của Việt Nam đang đặt ra cho chúng ta rất nhiều.
Bên cạnh đó, những vấn đề về liên kết phát triển vùng hay chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế đô thị, kinh tế biển, những vấn đề mới chúng ta đang đặt ra từ đại hội vừa qua phải được cụ thể hóa cùng với đợt điều chỉnh kế hoạch lần này.
“Như vậy, việc thúc đẩy nhanh hơn, thực chất hơn, hiệu quả hơn là một việc hết sức cần thiết hiện nay. Nếu chúng ta trì hoãn và chậm hơn nữa sẽ xảy ra một số vấn đề, tức là thách thức chúng ta phải đối mặt như: không thể thực hiện được quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khó khăn trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước hiện nay.
Ngoài ra, chúng ta không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, không ứng phó được với biến đổi khí hậu cũng như các thiên tai, dịch bệnh hiện nay, không tiếp cận được với cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, không tận dụng được các cơ hội hội nhập quốc tế mà chúng ta đang ký các hiệp định FTA hiện nay” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, đồng thời cho rằng:
Đây là những vấn đề đặt ra, nhiều đại biểu đã nêu sự cần thiết mà chúng ta phải tiếp tục ban hành kế hoạch lần này. Chúng ta phải thực hiện cho được và coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất hiện nay của cả nền kinh tế. Nếu chúng ta không làm nhanh thì sẽ vướng phải những thách thức như vậy.
Đây là một trong những nội dung hết sức lớn, hết sức quan trọng, cấp bách đối với nền kinh tế của nước ta hiện nay, nhất là trong việc chúng ta đang nỗ lực cải cách và đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới việc phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế, nhưng phạm vi thì lại rất rộng, rất khó và phức tạp.
Phải tính đến lợi ích tổng thể
Theo Bộ trưởng, vấn đề đạt được và chưa đạt được có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có một nguyên nhân hết sức cơ bản, đó là ý thức, trách nhiệm, sự quan tâm, tư duy, tầm nhìn của chúng ta chưa theo kịp, đang còn rất bất cập, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, nhất là ở các cấp, các ngành và kể cả các địa phương.
“Nếu chúng ta không ý thức và chúng ta không coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phải làm thì tất cả đề án cơ cấu này của Trung ương Đảng hay của Quốc hội đặt ra, chúng ta sẽ không hoàn thành và không đạt được.
Như vậy, chúng ta sẽ không tái được cơ cấu nền kinh tế” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu vấn đề, đồng nhấn mạnh: Nội hàm và bản chất của quá trình cơ cấu này thực chất là một quá trình phân bổ lại nguồn lực cho phát triển trên phạm vi ở tầm quốc gia.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, từ đó chúng ta có thể nâng cao được năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Còn về bản chất thì đây thực chất là một quá trình phải thay đổi hệ thống thể chế, chính sách để phù hợp với tình hình mới.
Ngoài ra, điều chỉnh trong quá trình chỉ đạo điều hành để hình thành được cơ cấu kinh tế mới hợp lý hơn, hiệu quả hơn. “Như vậy, chúng ta không chỉ tập trung vào cơ cấu lại các ngành và các thành phần kinh tế hay các không gian kinh tế, mà còn phải quan tâm đến những lĩnh vực quan trọng, có tiềm năng, lợi thế hoặc là dư địa mới, lớn và cơ hội mới, để làm sao trở thành những ngành mũi nhọn mang tính lan tỏa, dẫn dắt, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Trong ba lĩnh vực trọng tâm như: đầu tư công, rồi doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng chưa đạt hiệu quả đúng như trong kế hoạch; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi: Sản xuất còn mang tính gia công, lắp ráp nhiều, nội địa hóa còn thấp, phụ thuộc vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn lớn. Năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, tính chống chịu của chúng ta còn rất thấp, chưa kể những thách thức mới trong thời gian tới.
“Đấy là những ý kiến mà đại biểu đã nêu mà chúng tôi thấy phải phân tích kỹ và sâu hơn nguyên nhân tại sao chúng ta không đạt được. Từ đó có những giải pháp xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ sát thực tiễn hơn, khả thi hơn, với các giải pháp cụ thể hóa và quyết liệt hơn. Đấy là cái mà chúng tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu trong thời gian tới đây để có những kế hoạch hiệu quả hơn” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Về đột phá trong giai đoạn tới, người đứng đầu Bộ Kế hoạch đầu tư cho hay: Sẽ tập trung vào ba vấn đề lớn là: thể chế, chuyển đổi số và khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. "Đây là ba mũi đột phá mà chúng tôi cho rằng đó là trọng tâm, trọng điểm" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
“Chúng tôi chỉ nhấn mạnh một điều là: tất cả các bộ, các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu phải thấy được trách nhiệm của mình, ý thức được; phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu để quyết tâm thực hiện, với tư duy, tầm nhìn mới và phải vượt qua được các tư duy nhiệm kỳ, tư duy về lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành, để chống các cát cứ chia cắt.
Phải tính đến lợi ích tổng thể của nền kinh tế, tính đến liên vùng, liên ngành, từ đấy chúng ta mới giải quyết được. Nếu chúng ta đi theo từng phân khúc, chia cắt nó ra thì rất khó mang lại hiệu quả chung cho cả nền kinh tế”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.