Thảm án nơi rừng sâu
Nhiều năm đã qua nhưng vụ thảm án kinh hoàng xảy ra với gia đình anh Lô Văn Thọ, vào chiều ngày 2/7/2015, vẫn khiến người dân bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An) chưa hết ám ảnh.
Bản Phồng, nơi xảy ra vụ thảm án, nằm sát khu vực biên giới Việt - Lào có địa hình hiểm trở, chủ yếu là rừng núi hoang vu, dân cư thưa thớt. Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Tày với hơn 500 nhân khẩu. Cuộc sống của các gia đình chủ yếu dựa vào cây ngô, cây lúa qua những mùa rẫy trên nương.
Trước khi xảy ra sự việc kinh hãi ấy, cuộc sống của gia đình anh Thọ, nạn nhân của vụ thảm sát, cũng diễn ra bình thường như những người dân khác trong bản. Người dân ở đây cho biết, trước khi vụ án mạng đau lòng xảy ra họ không thấy điều gì bất thường. Anh Thọ và vợ vẫn sống hòa thuận, không hề có xích mích hay mâu thuẫn nào. Vì thế, khi nghe tin và trực tiếp đến hiện trường thì không ai tin được vào thảm cảnh đang diễn ra trước mắt mình...
Vào khoảng 15 giờ ngày 2/7/2015, hai cha con ông Vi Văn Hoài (56 tuổi), cùng ngụ tại bản Phồng với gia đình nạn nhân, vào khe Kèn Tạ đánh cá thì phát hiện xác chị Lê Thị Yến (26 tuổi) cùng con trai Lô Việt Chung (gần 1 tuổi) và bà Viêng Thị Dương (63 tuổi, mẹ anh Thọ) nằm bên bờ khe.
Con trai ông Hoài hoảng sợ la to khi phát hiện ba xác chết dính đầy máu. Tiếp đó, cha con ông Hoài phát hiện anh Thọ nằm chết trước lán. Hai cha con chạy vào bản, nhờ điện thoại để báo cho cơ quan chức năng.
Xác định đây là vụ án nghiêm trọng, Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo phòng PC45 phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Kết quả khám nghiệm ban đầu cho thấy, cả bốn người trong gia đình anh Lô Văn Thọ bị giết, trên thi thể của bốn nạn nhân có nhiều vết chém.
Người dân bản Phồng cho biết, anh Lô Văn Thọ là người hiền lành, sống khép kín và không có mâu thuẫn với ai. Gia đình anh là một trong những hộ nghèo nhất bản. Anh Thọ và chị Yến sống cùng nhau, có con chung nhưng chưa đăng ký kết hôn. Trước khi về sống chung với anh Thọ, chị Yến từng có quan hệ tình cảm với hai người đàn ông khác. Một người ở xã Tam Thái, huyện Tương Dương. Sau khi chia tay, anh ta đã phải đi tù vì phạm tội cách đây 4 năm. Người thứ hai là ở cùng bản với chị Yến. Họ quen nhau cách đây hai năm, hiện anh này đang đi làm ăn ở miền Nam.
Việc điều tra phá án gặp khó khăn do hiện trường nằm trong rừng sâu |
Ba quả chanh “tố cáo”
Sau khi xảy ra vụ án, cơ quan Công an tỉnh Nghệ An và Đồn Biên phòng Tam Hợp đã phát động toàn dân tố giác tội phạm. Sở dĩ Vi Văn Hai lọt vào tầm ngắm là do ba trẻ em ở bản Phồng cho biết, trưa 2/7/2015 “có thấy chú Mằn” đi vào khu vực lán rẫy nhà anh Lô Văn Thọ (nạn nhân).
Từ đó, cơ quan công an quyết định theo dõi “nhất cử, nhất động” của Hai nhưng do chưa có chứng cứ vững chắc nên không thể bắt giữ ngay. Một chiến sĩ biên phòng cho biết thêm, khi xác minh hồ sơ lý lịch, anh vẫn chưa tin Hai giết bốn người bởi “nó trầm tính và ít nói, lại không nghiện ngập, chưa có tiền án, tiền sự”.
Người dân bản Phồng cũng đánh giá Hai là người hiền lành. Không những thế, Hai còn rất “bản lĩnh”. Lúc vụ án được phát hiện, Hai có mặt ngay từ đầu, đứng xem công an khám nghiệm hiện trường và giúp gia đình nạn nhân rất tích cực. Khi làm lễ an táng Hai cũng có mặt, sau đó lại vào rẫy làm việc bình thường.
Ban chuyên án đã phải cử hơn 60 cán bộ, điều tra viên và chiến sĩ bộ đội biên phòng âm thầm bám núi, ngủ rừng theo dõi Hai, phòng khi hắn bỏ trốn sang Lào. Bản Phồng là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đi lại rất khó khăn.
Từ thị trấn vào bản Phồng mất gần hai giờ đồng hồ, từ bản Phồng vào tới vị trí gây án thêm bốn giờ đồng hồ nữa. Các chiến sĩ công an điều tra phải ăn lương khô qua ngày. Có nhiều ngày phải đi từ sáng tinh mơ đến tối đất mới ra khỏi bản.
Phải huy động rất nhiều dân để thu thập thông tin điều tra nhưng việc bất đồng về ngôn ngữ, nghe nói tiếng dân tộc để thu thập tài liệu là một khó khăn lớn. Các cán bộ, chiến sĩ cũng nhiều lần đến lán của Hai và người dân gần đó vận động nếu ai lỡ ra tay thì đầu thú để hưởng khoan hồng nhưng Hai vẫn tỏ ra rất bình thản.
Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến khi ấy hai lần vào hiện trường, đến “thăm” căn lán của gia đình Hai. Ông quan sát kỹ đặc điểm từng loại cây trồng trên lán đến từng con dao dùng sinh hoạt. Kết quả cho thấy rẫy của gia đình Hai không có cây chanh có quả, trong khi gia đình nạn nhân có cây chanh có quả. Như vậy, điểm đột phá của vụ án nằm ở chỗ hai cây chanh và ba quả chanh có tại nhà bố đẻ của hung thủ là ông Vi Văn Tiệp.
Khoảng 18 giờ ngày 19/7, sau 17 ngày tích cực điều tra phá án, Ban chuyên án Công an tỉnh Nghệ An đã điều tra, làm rõ và bắt đối tượng Vi Văn Hai (tên gọi khác là Vi Văn Mằn), 20 tuổi, ngụ bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương. Trưa 21/7, Ban chuyên án tìm được con dao mà nghi can Vi Văn Hai dùng để chém chết bốn người nhà anh Thọ. Qua quá trình đấu tranh, Hai đã khai nhận hành vi phạm tội.
Lời khai “lạnh gáy” của hung thủ
Sáng 30/9/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử lưu động tại hội trường Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện miền núi Tương Dương và tuyên án tử hình đối với Vi Văn Hai về tội “Giết người”. Tại phiên tòa, Hai vẫn giữ vẻ mặt bình thản. Đôi lúc hắn ngó nghiêng như đang tìm kiếm ai...
Hai khai trước tòa, sáng 2/7/2015, hắn cùng một số người được một hộ dân trong bản mời uống rượu để cảm ơn đã kéo gỗ giúp về làm nhà. Tại đây, sau khi uống rượu, Hai tham gia đánh bài quỳ rồi cầm dao đi hái chanh để ăn.
Khi đang hái chanh trong vườn của một người dân thì anh Lô Văn Thọ thấy và tỏ ý không đồng tình việc Hai tự ý hái chanh mà chưa xin phép chủ nhà. Hai bên lời qua tiếng lại. Khi Hai chối mình không dẫm lúa của người khác như anh Thọ nói, anh này đã “đe”: “Chú nói cho cẩn thận, không anh cho chú biết mặt”. Hai không nói gì.
Một lát sau, Hai vào nhà hỏi xin anh Thọ muối để chấm chanh ăn. Sau đó, Hai xin anh Thọ một cái túi bóng để mang chanh về thì chị Yến, vợ anh Thọ, thấy và xin một quả ăn. Anh Thọ tỏ ý không bằng lòng rồi đi ra ngoài lán đứng. Một lát sau, anh Thọ đi vào nói Hai: “Chú ra đây “chơi” vợ anh à”.
Hai nói: “Em mô có được chơi”. Chị Yến nói với anh Thọ: “Sao anh lại nói thế, em với chú có chi mô”. Bà Dương, mẹ anh Thọ, vào bảo tất cả im lặng rồi đi ra khe để tắm... Anh Thọ nhìn thẳng vào mặt Vi Văn Hai rồi nhảy vào đấm. Hai tránh được và bỏ chạy ra hướng cửa...
Cây chanh trong vườn nhà anh Thọ, nơi xảy ra vụ việc |
Anh Thọ đuổi theo Hai. Thấy con dao của anh Thọ để dưới sàn lán, Hai liền cầm lấy rồi quay lại. Anh Thọ thấy Hai cầm dao thì quay đầu bỏ chạy. Hai đuổi kịp, chém nhiều nhát vào lưng, cổ nạn nhân khiến anh Thọ tử vong. Thấy vậy, chị Yến hoảng sợ địu con chạy, Hai liền cầm dao đuổi theo. Trên đường đuổi theo chị Yến, Hai chạy qua chỗ bà Dương và sát hại bà này trước khi ra tay với chị Yến và cháu Chung.
Sau khi gây án Vi Văn Hai cầm dao lên nhà anh Thọ lấy túi chanh, lấy dao, áo của mình. Trước khi bỏ đi, Hai nhặt thanh củi đang cháy để đốt lán anh Thọ nhưng không cháy. Hai vứt con dao gây án cách hiện trường khoảng mấy chục mét rồi về nhà lấy chanh mời mọi người ăn.
Sau phiên tòa, Vi Văn Hai có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt xuống tù chung thân. Thế nhưng, đến ngày 28/6/2016, Tòa án cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm, xử lưu động tại Hội trường xét xử TAND tỉnh Nghệ An thì Vi Văn Hai bất ngờ xin rút đơn kháng cáo, chấp nhận bản án tử hình mà tòa sơ thẩm đã tuyên.
Nguyên nhân của vụ thảm án hoàn toàn bột phát do những cự cãi nhỏ nhặt giữa hung thủ và nạn nhân. Có thể đó cũng do sự “trợ giúp” của men rượu khiến Vi Văn Hai trong chốc lát mất đi nhân tính. Hai khá bình thản rồi vòng vo gian dối trong quá trình khai nhận.
Nhưng khi nhắc đến vợ, con, bố mẹ, người thân, Vi Văn Hai đã khóc. Tình tiết này được Đại tá Nguyễn Hữu Cầu chú ý, ông cho rằng những giọt nước mắt ân hận đó đã muộn màng nhưng là chút nhân tính còn sót lại của kẻ thủ ác.