Vào cái năm 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời một người con gái, bà về làm dâu nhà cụ nội, sống tại ngay nhà từ đường của dòng họ, do ông tôi thuộc chi trưởng.
Làm dâu một gia đình trung nông, có truyền thống khoa bảng - cụ ông là mội nhà nho đáng kính, cụ bà là con gái nhà quan, cả gia đình lại theo cách mạng - bà phải chịu đựng bao khó khăn. Cái làng quê bé nhỏ đó, một sự khuấy động nhỏ cũng là ồn ào. Bà phải sống khép mình lại.
Cái khó chồng thêm cái khổ: đó là những năm đầu của cuộc chiến tranh chống Mĩ, ông sau khi kháng chiến chống Pháp tiếp tục ở lại Điện Biên, để bà một mình thờ bố mẹ chồng.
Năm 1960, bà đẻ bố tôi, bên cạnh không có ai. Năm 1965, ông tái ngũ, đóng tại Hải Phòng. Năm 1966, cụ nội chết, trong một đêm máy bay giặc quần.
Bố lúc ấy đứng trên cây bàng đầu làng ngó về phía nơi ông đóng quân ở Tiền Hải (gốc của Tiếng Trống Đông Lâm năm 1930 cùng với Xô Viết Nghệ-Tĩnh) thì thấy cái dáng gầy gò của ông tôi đi qua đò Vô Hối về chịu tang. Xong xuôi, ông tôi giặt giũ quần áo, quét dọn nhà cửa, dặn dò tất cả mọi người, và sau đó là từ biệt để không bao giờ trở lại.
Bà lại tiếp tục cuộc sống âm thầm và cô đơn, sống cho những người khác: cụ bà, bố, và sau đó là cô tôi nữa. Một mẫu số chung cho tất cả những người phụ nữ miền Bắc lúc bấy giờ. Một cuộc chiến đấu giống như những người chồng, đứa con của họ.
Ông tôi xẻ dọc Trường Sơn vào Nam, vừa đi vừa đánh. Đến đầu năm 1968 lịch sử, đơn vị của ông – Tiểu đoàn 24 súng mày cao xạ 12 ly 7, Sư đoàn 9 – được lệch tham gia cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân.
Chính tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn – mảnh đất 18 thôn Vườn Trầu anh hùng đó – ông tôi đã ngã xuống tại cửa ngõ Sài Gòn chỉ vài giờ sau khi lệnh tấn công được phát động.
Chỉ có một mảnh giấy báo tử gửi về quê, không có đến cả một kỉ vật. Bà vẫn phải gồng mình lên để sống. Trong cái khổ cực vô bờ của những năm ác liệt đó, những người đàn ông mạnh mẽ nhất cũng có thể gục ngã.
Nhưng, có lẽ chính ngọn lửa của của bom đạn đã tôi rèn những người phụ nữ. Thái Bình lúc đó có phong trào “Thóc không thiếu một cân, Quân không thiếu một người” mà tất cả đều hưởng ứng nhiệt tình, trong đó có bà.
Bà tôi đã tham gia cách mạng, kháng chiến đơn giản như thế đó, tự nhiên như tình mẫu tử. Một nách hai con, bà tôi vẫn một lòng thờ chồng, cắn răng chịu đựng để hai con được học hành đầy đủ.
Có nhiều ngày bà phải chịu đói cho bố tôi có cái ăn, hay nhường nốt manh chiếu rách cho cô tôi vào một đêm đông rét buốt. Không có việc gì mà bà tôi chưa từng làm, tất cả chỉ vì con mình, vì cuộc kháng chiến của chúng ta.
Cho đến bây giờ, bà cũng như dòng Trà Lý kia, bao năm vẫn không thay đổi. Bà tôi vẫn in dáng lưng tôm của mình lên những viên gạch rêu phong ẩm ướt. Cả một đời khổ cực, đến bây giờ khi tay đã run, bà tôi vẫn không được nghỉ.
Cả họ tôi dưới quê neo người, bà lại nhận trách nhiệm trông coi từ đường, có lẽ không khi nào bàn thờ hương hoả bám bụi, không khi nào khoảng sân trước miếu có một chiếc lá rụng. Giỗ chạp gì, bà tôi cũng xông vào, giúp đỡ nhiệt tình và tận tâm.
Cứ vào rằm bà lại ra phần mộ của họ tộc - một khu đất rộng mà có lần nào tôi đã nghe loáng thoáng ai bảo là có cái dáng “yên ngựa” – để mà cắt cỏ và chăm sóc phần mộ các cụ, tức phần hồn cho người chết và tinh thần cho người sống. Ơ cái thứ cỏ Nhật kia, mày có thương bà tao thì chớ mà mọc!
Cuộc đời của bà nội tôi đã trôi qua như thế đấy, giống như bao người phụ nữ khác trong thế kỉ trước. Họ không đòi hỏi, không phàn nàn, không nhận lại gì cả cho dù mất rất nhiều. Họ đã dũng cảm trong chiến đấu cũng như dũng cảm trong lao động.
Đó là một thứ anh hùng trong bao cái anh hùng đã giúp chúng ta thắng lợi trong hai cuộc chiến, và cao hơn nữa là đã định nghĩa dân tộc này. Người mẹ, người vợ, người chị Việt Nam là như thế đó.
Hai năm trước, hài cốt ông tôi được tìm thấy và di chuyển về quê. Ngôi mộ nằm ngay sát phần của cụ ông, cụ bà. Và cũng từ đó, bà trồng một cây chè mới trước cửa nhà.
Bà vẫn còn sức để trèo lên cây hái lá tươi uống mỗi sáng, và gánh bùn ao bón cho cây. Cầu chúc cho bà vẫn được như thế để mỗi khi Tết về, tôi lại được thấy nụ cười của bà.