Australia: Dùng âm nhạc khơi gợi đam mê học tập

GD&TĐ - Theo thống kê, có tới 63% các trường học ở Australia không đào tạo môn học âm nhạc. Tuy nhiên, kể từ năm ngoái, một bộ phim tài liệu do hãng ABC sản xuất đã bắt đầu thay đổi điều đó.

2 HS tại Trường Challis xuất hiện trong “Don’t Stop the Music”
2 HS tại Trường Challis xuất hiện trong “Don’t Stop the Music”

Thiếu những lớp học âm nhạc

Anastasia - cô bé 11 tuổi mắc hội chứng Tourette (bệnh lý hệ thần kinh khiến người bệnh bị co giật) là một HS tại Trường Tiểu học Cộng đồng Challis thuộc thành phố Perth. Tệ hơn, mẹ cô bé đang phải đấu tranh với căn bệnh ung thư.

Tuy nhiên, Anastasia có một giọng hát tuyệt vời và có khả năng sáng tác bài hát. Cô bé cho biết, mỗi khi cảm thấy quá căng thẳng, em thường cất giọng hát để giúp bản thân bình tĩnh hơn.

“Cuộc sống của em có rất nhiều “thảm họa” và mọi thứ đang ngày càng khó khăn. Em cảm thấy sẽ dễ dàng hơn khi nói về những điều này thông qua bài hát, thay vì nói chuyện với mọi người”, Anatasia - người được hát trong bộ phim tài liệu gồm 3 phần của ABC mang tên “Don’t Stop the Music” (Đừng dừng tiếng nhạc) chia sẻ.

Anastasia không phải là HS duy nhất cảm thấy âm nhạc là một điều kỳ diệu. Taj, cậu HS lớp 3, người phải trải qua 40 cơn động kinh/ngày, cho biết, âm nhạc khiến em như được nhìn thấy “các vì sao ở khắp nơi”. Còn đối với Cody, “chơi guitar khiến em có thể mơ ước về tất cả những điều mà em chưa từng nghĩ mình có thể”.

Cả 3 HS trên đều được hỗ trợ bởi chương trình “Don’t Stop the Music” do ABC đồng sản xuất với Musica Viva và tổ chức xã hội Salvation Army (Đạo quân cứu thế). Đây được coi là một phần trong nỗ lực cải thiện sự thiếu sót đối với GD âm nhạc ở các trường học tại Australia, khi 63% tổ chức GD tại nước này không đào tạo môn âm nhạc cho HS.

Nhờ chương trình này, có tới hơn 7.000 nhạc cụ đã được tặng tới các trường. Tới nay, 2.500 nhạc cụ đã được trao tới khoảng 100 trường học; số còn lại sẽ được phân phối trong năm tới.

Ở Australia, một chương trình giảng dạy tại trường tiểu học chỉ bao gồm 17 giờ học âm nhạc, trong khi tại Phần Lan, có tới 350 giờ được dành ra cho môn học này. Ông Simon Blanchard, giáo viên âm nhạc tại Trường Tiểu học Challis chia sẻ: “Tôi không hề thấy tự tin khi dạy nhạc. Thậm chí, tôi cũng không biết là mình không biết những gì”.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Teri Calder, Nhà sản xuất tại ABC cho biết: “Nhiều trường công lập không thể cung cấp GD âm nhạc một cách tuần tự và đều đặn bởi sẽ rất tốn kém. Tuy nhiên, chương trình giảng dạy lúc nào cũng nhiều và cả nhu cầu được tiếp cận với môn học này cũng vậy”.

Trong “Don’t Stop the Music”, ca sĩ nhạc pop Guy Sebastian đã đích thân tặng hai cây đàn guitar cũng như trực tiếp đứng lớp giảng dạy trẻ nhỏ tại Trường Challis. “Trẻ em, hơn ai hết, là những người cần âm nhạc”, Sebastian - người từng là một giáo viên dạy nhạc, nhấn mạnh.

Tác dụng kỳ diệu của âm nhạc

Tiến sĩ Anita Collins, một nhà GD thần kinh – âm nhạc và là nhà tư vấn cho trường Challis nói: “Phát triển âm nhạc là điều không thể thiếu đối với sự phát triển của con người”. Đặc biệt, đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và những trẻ chỉ nghe được ít hơn 30 triệu từ khi lên 5, âm nhạc giúp các em vượt qua những khó khăn bằng cách dạy HS lắng nghe âm thanh.

“Đây là cách rèn luyện ý thức thu thập thông tin, thính giác, để tạo ra ý nghĩa và lấy thông tin từ tất cả các âm thanh xung quanh chúng ta. Bởi vậy, việc học âm nhạc chưa bao giờ quan trọng đối với sự phát triển của trẻ như bây giờ, vì thế giới của chúng ta ngày càng trở nên ồn ào hơn”, TS Collins nhận định.

Mới đây, một nghiên cứu được thực hiện ở Canada đã so sánh những HS được học âm nhạc với những trẻ không học. Kết quả cho thấy, những năm cuối cấp hai, những HS học âm nhạc thường đạt điểm Tiếng Anh, Toán và Khoa học vượt trội hơn các bạn đồng trang lứa.

“Những đứa trẻ được đào tạo về âm nhạc có xu hướng thể hiện tốt hơn trong thành tích học tập, vai trò lãnh đạo trong trường học, cuộc sống và thích nghi với những thay đổi, cũng như đưa ra quyết định sáng suốt”, TS Collins cho hay.

Ông Hywel Sims, Giám đốc Điều hành Musica Viva Australia cho biết: “Học cách chơi một nhạc cụ sẽ kích thích não bộ của chúng ta theo một cách độc đáo, mang lại nhiều lợi ích, trong đó bao gồm cả khả năng đọc - viết. Ngoài ra, học âm nhạc cũng khiến trẻ em có một cuộc sống tràn ngập niềm vui - một món quà mà chúng tôi tin rằng mọi người đều xứng đáng có được”.

Trong một phân cảnh của “Don’t Stop the Music”, một dàn nhạc đã được mời tới chơi tại căng tin của trường Challis. Khi tiếng nhạc vang lên, các HS đứng xung quanh chăm chú nhìn và lắng nghe, vừa thể hiện sự háo hức, nhưng cũng không kém phần lo lắng.

Bởi lẽ, rất nhiều em nhỏ tại đây chưa từng được nghe nhạc sống. “Khi lần đầu tiên nhìn thấy dàn nhạc, em bắt đầu run rẩy”, Samuel - một cậu bé trong trường chia sẻ.

Kể từ sau đó, Samuel - cậu HS vốn thường chơi thể thao, đã quyết định học đàn violin. Chỉ trong vòng 4 tuần, tần suất tới trường của cậu đã tăng vọt từ con số 27% lên 95%.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi trẻ em đều có thể dễ dàng khi được tiếp cận với âm nhạc. Một HS trong dàn hợp xướng cho biết: “Mỗi khi chúng em hát chưa tốt, em cảm thấy vô cùng buồn bực”. Trong khi đó, một HS khác chia sẻ về việc học guitar khi được nam ca sĩ Sebastian hướng dẫn: “Thật kỳ diệu. Đó là trải nghiệm tuyệt vời nhất mà em có được trong cuộc đời mình”.

Về phía Anastasia, em hy vọng một ngày nào đó sẽ giành chiến thắng trong chương trình X-Factor và được hát cùng thần tượng Adele. “Nếu em trở nên nổi tiếng, em sẽ dùng số tiền kiếm được để giúp mẹ”, cô bé 11 tuổi nói. 

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trách nhiệm của cha mẹ là truyền đạt cho con khái niệm về sự kiên nhẫn. (Ảnh: ITN).

Vì sao bố mẹ nên dạy con tính kiên nhẫn?

GD&TĐ - Ngay cả việc học về tính kiên nhẫn cũng cần một lượng thời gian đáng kể. Bạn cần chuẩn bị sẵn kiến ​​thức cơ bản trước khi dạy con về tính kiên nhẫn.