PPDH truyền thống vẫn được chú trọng hàng đầu
Chia sẻ của PGS.TS. Nguyễn Thị Tố Mai - Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương – trong tham luận tại hội thảo "Bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới”: Khi làm đề tài nghiên cứu khoa học xây dựng nội dung PPDH tiếp cận năng lực để trang bị cho sinh viên ĐHSP Âm nhạc đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông, nhóm đề tài đã khảo sát thực trạng trang bị kiến thức về PPDH âm nhạc cho sinh viên ĐH sư phạm Âm nhạc ở một số trường.
Qua khảo sát, nhận thấy các PPDH truyền thống vẫn được chú trọng hàng đầu. Các PPDH tích cực đã được triển khai đan xen với phương pháp truyền thống nhưng chưa có chiều sâu, nhiều người chưa hiểu bản chất và một số vận dụng rập khuôn, bắt chước theo người khác mà không theo đặc điểm đối tượng học sinh của mình. Chỉ có số ít tìm hiểu về PPDH theo tiếp cận năng lực, đa số chưa biết và chưa gắn được vào với PPDH tích cực.
Vì thế, cần có sự đổi mới, cải tiến trong vấn đề dạy học môn PPDH âm nhạc, thực tập sư phạm, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên.
Một số nguyên nhân cho vấn đề trên được đưa ra, đó là: Một số trường đào tạo sư phạm âm nhạc chưa thực sự đề cao môn PPDH, hay nói rộng hơn là nhóm nghiệp vụ sư phạm. Tài liệu, giáo trình mà giảng viên các trường hiện nay sử dụng giảng dạy ĐH sư phạm ân nhạc chủ yếu là các giáo trình về PPDH truyền thống, có ít tài liệu đề cập đến PPDH tích cực. Một số giảng viên dạy môn PPDH âm nhạc còn hạn chế về lý luận PPDH. Môn Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm chưa có sự kết nối với các PPDH âm nhạc.
Ảnh minh họa/ INT |
Cần điều chỉnh nội dung chương trình môn PPDH âm nhạc
Đưa ra một số giải pháp trong tham luận của mình, điều đầu tiên PGS.TS. Nguyễn Thị Tố Mai nhắc đến là điều chỉnh nội dung chương trình môn PPDH âm nhạc. Thời lượng, nội dung chương trình môn PPDH âm nhạc của một số cơ sở đào tạo còn có điểm chưa hợp lý. Bên cạnh đó, điều chỉnh nội dung chương trình chi tiết sao cho phù hợp, cân đối giữa lý luận phương pháp với thực hành vận dụng phương pháp cụ thể vào từng phân môn Âm nhạc ở phổ thông. Tránh tình trạng lý luận về phương pháp bị mờ nhạt hoặc quá nặng.
Giải pháp tiếp theo là bổ sung thêm một số PPDH theo tiếp cận năng lực vào chương trình, như dạy học giải quyết vấn đề, dạy học tự phát hiện, dạy học thông qua hoạt động trải nghiệm... vì hiện nay các phương pháp này gần như vắng bóng trong các tài liệu môn PPDH âm nhạc.
Đồng thời, biên soạn tài liệu về PPDH theo tiếp cận năng lực cho môn PPDH âm nhạc. Đây là việc làm rất cần thiết bởi giảng viên ĐHSP Âm nhạc hiện nay đang thiếu tài liệu ở mảng này.
Ngoài ra, cần thiết điều chỉnh một số vấn đề trong rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và thực tập sư phạm để sinh viên ĐH sư phạm Âm nhạc áp dụng tốt hơn các PPDH theo tiếp cận năng lực trong thực tiễn.
Về môn rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, cần có sự liên kết nhất định với môn PPDH âm nhạc để sinh viên được rèn luyện bằng bài giảng âm nhạc cụ thể hoặc có những tình huống dạy âm nhạc cụ thể.
Giải pháp cuối cùng được nhóm nghiên cứu đưa ra là bồi dưỡng cho giảng viên sư phạm Âm nhạc, đặc biệt là nhóm các giảng viên dạy bộ môn nghiệp vụ sư phạm về xu thế đổi mới PPDH, về lý luận PPDH, nhu cầu của thực tiễn cũng như việc áp dụng các PPDH mới. Cùng với đó, để đáp ứng yêu cầu của dạy học ở phổ thông, các trường sư phạm, trong đó có sư phạm âm nhạc cần có sự đổi mới, trang bị cho sinh viên - những thầy cô giáo dạy âm nhạc tương lai - các PPDH âm nhạc mới, dạy học theo phát triển năng lực.