Hôm thứ Sáu vừa qua, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đưa ra kiến nghị chỉ trích quyết định từ chối mở khóa chiếc iPhone 5c thuộc về 2 kẻ khủng bố tại San Bernardino vào đầu tháng Mười hai vừa qua của Apple.
Công ty của Tim Cook khẳng định việc giúp các nhà điều tra mở khóa chiếc iPhone 5c này sẽ gây hại tới khả năng bảo mật của những chiếc điện thoại khác. Nhưng Bộ Tư Pháp lại bác bỏ điều này với khẳng định rằng Apple đã đi sai hướng.
Kiến nghị này khẳng định: "Apple không thiếu khả năng kỹ thuật để thực hiện lệnh này. Thay vào đó, Apple có vẻ đã phản đối do lo sợ điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới danh tiếng và chiến lược marketing nếu như giúp đỡ chính phủ, và có thể họ đang hiểu sai về Luật Tòa án (All Writs Act)".
Trong khi vụ kiện khổng lồ giữa chính quyền liên bang Mỹ và Apple, công ty có trị giá lớn nhất thế giới hiện mới chỉ bao trùm quanh một chiếc iPhone 5c duy nhất, hệ lụy của cuộc đấu pháp lý này sẽ bao trùm lên cả thế giới điện toán, đặc biệt là về sự đối lập giữa quyền riêng tư với an ninh quốc gia.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ khẳng định động cơ của Apple chỉ dựa trên "một ảnh hưởng tiêu cực đối với danh tiếng" của công ty, tờ Washington Post đưa tin.
Một lãnh đạo cao cấp của Apple sau đó đã khẳng định quyết định của Apple là dựa trên "nguyên tắc đạo đức" chứ không phải là quan hệ công chúng, đồng thời cho biết công ty này đang cố bảo vệ quyền dân sự cũng như an toàn dữ liệu của các khách hàng.
Một vị lãnh đạo khác cho biết Apple và chính phủ Mỹ đã ký thỏa thuận để giữ bí mật cho nội dung các cuộc thảo luận giữa hai bên, nhưng kiến nghị mới nhất của Bộ Tư Pháp Mỹ đã vi phạm các điều khoản này.
Ngay sau đó, Apple hé lộ rằng do các nhà điều tra đã tiến hành thay đổi mật khẩu iCloud của tài khoản, biện pháp hack qua tính năng sao lưu điện thoại đã thất bại.
Hiện tại, cả CEO Tim Cook cũng như giám đốc FBI James B. Comey đều đã được mời đến điều trần trước Quốc hội Mỹ.