Tại buổi làm việc, hàng loạt khó khăn, thách thức trong việc thực hiện chương trình GDPT mới của Quận 12, TPHCM được nêu ra.
Ngân sách chi cho chương trình GDPT mới hạn hẹp
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng GD&ĐT Quận 12 cho biết tổng số trẻ mầm non của quận là 28.183 em, số học sinh tiểu học là 48.565 em, trung học cơ sở là 30.326 em. Tỉ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt 28,3%, còn ở cấp trung học cơ sở là 24,6%.
Quận 12 hiện thiếu nhiều giáo viên các môn tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật… Thiếu giáo viên khiến hầu hết thầy cô phải dạy kiêm nhiệm. Giáo viên lớn tuổi nhiều kinh nghiệm nhưng kỹ năng chưa tương thích với bối cảnh và chương trình mới, một số lại chưa thích nghi, nên việc tổ chức các hoạt động giáo dục chủ yếu theo thói quen cũ.
Tuyển dụng giáo viên khó khăn cộng thêm gia tăng dân số cơ học hàng năm quá nhanh khiến các mục tiêu giáo dục không đạt kết quả. Thông tin chi tiết về tỉ lệ học sinh/số phòng học, ông Hùng cho biết, năm 2022- 2023, Quận 12 có khoảng 125.000 học sinh 3-18 tuổi. Đến năm 2025 dự kiến quận sẽ có 132.000 học sinh trong độ tuổi 3-18.
"Thống kê và rà soát mạng lưới trường lớp các cấp toàn quận hiện có 2.874 phòng học. Trong đó, mầm non 1.100 phòng, Tiểu học 735 phòng, THCS 570 phòng... Để đạt mục tiêu 300 phòng/10.000 dân theo quy định, năm 2023 dự kiến Quận 12 cần phải có 3.344 phòng, tới năm 2025 phải có 4.400 phòng học theo lộ trình. Tuy vậy, nguồn lực tài chính cho giai đoạn này đang rất ít"- ông Hùng nói.
Đại diện Ban quản lý dự án của Quận 12 cho biết: Hiện Ban đang triển khai thi công 1 trường với quy mô 20 phòng, cộng thêm Trường Đông Hưng Thuận đã được phê duyệt là 45 phòng học nên sắp tới sẽ có 65 phòng học mới. Về kế hoạch trung hạn, UBND TP bố trí cho UBND Quận 12 là 5 trường trong giai đoạn 2021-2025 với quy mô 130 phòng. Trong khi nhu cầu quận cần trong giai đoạn này vô cùng lớn, thêm khoảng 1.700 phòng học.
Không chỉ đối mặt khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất khi nguồn vốn của UBND TP cấp chi ít, mà việc bố trí kinh phí tài chính của quận cho các trường trong việc thực hiện chương trình GDPT mới cũng khá hạn hẹp.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND Quận 12. |
Bà Võ Thị Mộng Thu, Trưởng phòng Tài chính- Kế hoạch, UBND Quận 12 thông tin: Hiện nay kinh phí TP bố trí cho quận 12 tính theo công thức 50% trên tổng chi thường xuyên của quận.
Năm 2023, TP bố trí 57% trên tổng chi của quận. Về phía quận, tính bình quân hàng năm bố trí ngân sách khoảng 10 tỉ đồng để hỗ trợ các trường mua sắm trang thiết bị học tập. Với kinh phí đào tạo, các đơn vị sẽ đảm bảo cho giáo viên khi thực hiện các chương trình bồi dưỡng, còn thiếu bao nhiêu quận sẽ hỗ trợ.
Về hỗ trợ kinh phí mua sách, đồ dùng học tập, UBND quận đã hỗ trợ cấp Tiểu học hàng năm. Lớp 1 năm 2020 có 475 triệu quận hỗ trợ, năm 2021 có 217 triệu đồng. Năm 2022, quận hỗ trợ hơn 800 triệu đồng mua sách các lớp 1 đến lớp 3. Tính cả 3 năm quận chi hơn 2 tỉ đồng hỗ trợ,
Ở cấp THCS, năm 2021 quận hỗ trợ tiền mua sách, thiết bị học tập là 4,8 tỉ đồng, năm 2022 là hơn 5 tỉ đồng; Hỗ trợ lực lượng giáo viên tham gia học trên hệ thống có tính phí cấp Tiểu học là 1.200 giáo viên, cấp THCS là 1.100 giáo viên, với kinh phí hơn 1 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Vĩnh Bảo Châu, Phó trưởng phòng GD&ĐT Quận 12 nhìn nhận: Khó khăn dạy 2 buổi/ngày là khó khăn dài lâu vì công tác xây dựng trường lớp được thực hiện thường xuyên, nhưng tốc độ gia tăng dân cư quá nhanh.
Mục đích việc tổ chức học 2 buổi/ngày là tổ chức dạy học các môn tự chọn, tổ chức các hoạt động khác, hướng dẫn học sinh tự học, tự rèn luyện… Tuy vậy, mục tiêu trên không thể thực hiện nên Phòng Giáo dục đã vận dụng linh hoạt nhiều giải pháp dạy học qua hệ thống dạy học trực tuyến, tận dụng các ứng dụng khác trên nền tảng công nghệ khi buổi chiều không thể lên lớp.
"Đặc biệt, Phòng Giáo dục yêu cầu các trường chủ động phối hợp với phụ huynh khi bài tập cần các tình huống thực tiễn nhằm giúp giáo viên tương tác tốt hơn với học sinh. Cho học sinh tìm hiểu bài trước rồi lên lớp tiếp tục trao đổi và làm rõ các vấn đề muốn biết với giáo viên là giải pháp tình thế quận 12 đang triển khai khi tỉ lệ học 2 buổi/ngày còn thấp" - bà Châu nói.
"Năm 2022 - 2023 đầu ra học sinh của quận chỉ 6.000 em nhưng đầu vào của lớp 1 là 10.000 em (40%). Đây rõ ràng là áp lực không hề nhỏ với quận trong việc thực hiện các mục tiêu giáo dục"- bà Nguyễn Thị Mai Hoa nói.
Chia sẻ với Quận 12, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho biết: Từ trao đổi với lãnh đạo Quận 12, đoàn giám sát đã có nhiều gợi mở và góc nhìn về những khó khăn, thách thức trong việc triển khai chương trình GDPT mới của địa phương. Đặc thù của quận 12 là dân nhập cư nhiều, áp lực an sinh xã hội lớn, điều đó tác động lớn đến các mục tiêu giáo dục của quận.
Thành viên đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt câu hỏi với lãnh đạo UBND Quận 12 về việc triển khai chương trình GDPT mới. |
Thách thức nhiều nhưng không thể bỏ cuộc
Bà Võ Thị Chính, Phó chủ tịch UBND Quận 12, TPHCM chia sẻ: Theo thống kê dự kiến đến năm 2023, dân số quận sẽ đạt trên 760.000 dân. Trong đó, bình quân mỗi năm quận 12 tăng thêm khoảng 4.000 học sinh.
Trong các mục tiêu trình lãnh đạo UBND TP, Quận 12 đặt mục tiêu cố gắng phấn đấu đến năm 2025 đạt 60% học sinh được học 2 buổi/ngày. Tuy vậy, hiện chỉ đạt trên 25% cho cả hai cấp Tiểu học và THCS (còn xa chỉ tiêu để phấn đấu, khi áp lực di dân hàng năm vẫn lớn).
Thực tế, để đạt được chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân thì quận cần phải có thêm 1.700 phòng học mới đáp ứng được mức chỉ tiêu trên. Con số trên rất khó thực hiện bởi hiện nay trong giai đoạn trung hạn sắp tới Quận 12 chỉ có 5 dự án với quy mô khoảng 195 phòng học.
"Theo quy định của Chính phủ, đầu tư xây dựng trường ngoài công lập phải phù hợp quy hoạch, đối với tư nhân khả năng chuyển đất thổ cư thành đất quy hoạch đất giáo dục rất khó vì nhiều lý do. Tôi kỳ vọng Luật Đất đai sửa đổi lần tới sẽ tháo gỡ được vấn đề, cho phép chủ đất sở hữu loại hình đất khác đất quy hoạch giáo dục được tạm thời chuyển đổi thành đất giáo dục, hoặc cho phép họ đầu tư giáo dục trên đất của mình (kề cả đất thổ cư có diện tích lớn). Có vậy mới có thể tháo gỡ phần nào khó khăn về trường lớp khi chúng ta đẩy mạnh mục tiêu xã hội hóa. Khó khăn là rất nhiều nhưng chúng ta không được phép bỏ cuộc"- bà Chính chia sẻ.
Giải quyết những khó khăn trước mắt, hàng năm UBND quận 12 thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ thêm kinh phí cho các trường ngoài công lập, giúp giảm chi phí gửi con cho phụ huynh để giảm áp lực cho trường công.
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND Quận 12, TPHCM khẳng định Quận 12 đã đặt nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm trong mọi kế hoạch phát triển, đặc biệt chỉ tiêu ưu tiên về giáo dục thường xuyên được rà soát định kỳ.
Hiện theo rà soát quy hoạch 182 trường học, 57 vị trí được thực hiện, sắp tới quận sẽ quyết liệt thực hiện thêm nhiều chính sách để tháo gỡ dần khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND Quận 12 thông tin về những khó khăn của quận trong việc triển khai chương trình GDPT mới. |
Chia sẻ với lãnh đạo Quận 12, đội ngũ CBQL, giáo viên các trường... bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho biết: Việc triển khai chương trình GDPT mới và thay SGK lần này thật sự là cuộc đại cách mạng khi thay đổi cách tiếp cận, mục tiêu. Trong khi đó công tác chuẩn bị và triển khai gấp gáp, phải vừa chạy vừa xếp hàng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đoàn rất chia sẻ với địa phương và ngành giáo dục.
"Lần giám sát này Quốc hội sẽ có cái nhìn tổng thể xem các mục tiêu đang triển khai ra sao, vướng mắc nào cần phải tháo gỡ…Thực tế, đối với giáo dục không được phép thử sai, vì vậy chúng ta phải quyết tâm làm, làm một cách thận trọng, đi chậm, thậm chí đi từng bước nhưng phải làm đúng, phải đảm bảo mục tiêu trên tình thần chậm mà chắc"- bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội nói.