Chương trình GDPT mới chú trọng giáo dục hướng nghiệp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh từ ghế nhà trường được các địa phương quan tâm. Hướng nghiệp sớm giúp học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Hướng nghiệp sớm giúp HS định hướng nghề nghiệp và chọn lựa con đường học tập phù hợp.
Hướng nghiệp sớm giúp HS định hướng nghề nghiệp và chọn lựa con đường học tập phù hợp.

Cùng vào cuộc hướng nghiệp cho trò

Khi triển khai Chương trình GDPT mới, giáo dục hướng nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Qua đó, giúp học sinh nâng cao sự hiểu biết về nghề nghiệp, có thể định hướng đúng đắn và đưa ra quyết định chọn ngành, chọn nghề cho phù hợp.

Để hoạt động hướng nghiệp được hiệu quả, Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng quan tâm, chỉ đạo các cơ sở giáo dục phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm tư vấn, hướng nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 58/110 trường cấp THCS, 23/40 trường THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng nhu cầu về chuyên môn.

Các trường học quan tâm đến công tác giáo dục hướng nghiệp, hàng năm cử giáo viên làm công tác hướng nghiệp tham gia tập huấn hướng nghiệp do sở, ngành tổ chức. Tổ chức lấy ý kiến tham khảo học sinh ngay từ đầu cấp THPT trong việc lựa chọn nghề nghiệp để làm cơ sở định hướng cho các em trong suốt cấp học.

Về lâu dài, tỉnh Sóc Trăng triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông, giai đoạn 2018 - 2025”. Theo đó, Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH có các văn bản chỉ đạo thường xuyên, kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tốt các chương trình, đề án và kế hoạch đề ra.

Qua đó, công tác đào tạo nghề bước đầu đã có chuyển biến tích cực, chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, giúp người lao động tìm được việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn để ổn định cuộc sống, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn. Sở GD&ĐT phối hợp với các trường cao đẳng, đại học tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh cho tất cả học sinh khối 12 trên địa bàn tỉnh, thu hút hơn 8.000 học sinh tham gia/năm.

Theo Thạc sĩ Lê Minh Cảnh, Trưởng Phòng tuyển sinh, Hợp tác đào tạo và Nghiên cứu khoa học (Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng), từ đầu năm học, trường ban hành kế hoạch tuyển sinh và kế hoạch tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp; có kế hoạch phối hợp tổ chức tuyên truyền, tư vấn và định hướng nghề cho học sinh các trường THPT.

Trường còn tham gia hội nghị trực tuyến tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh đại học, cao đẳng do Sở GD&ĐT tổ chức. Đồng thời liên hệ với các Phòng GD&ĐT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, các trường THCS, THPT các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận thông tin đăng ký tư vấn tuyển sinh tại các địa phương…

Chương trình Kết nối chuyên gia hướng nghiệp đến từng HS do Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức.

Chương trình Kết nối chuyên gia hướng nghiệp đến từng HS do Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức.

Chủ động tư vấn, hướng nghiệp học sinh

Để công tác hướng nghiệp phát huy hiệu quả, các trường phổ thông ở TP Cần Thơ chủ động tổ chức tư vấn hướng nghiệp học sinh, tùy điều kiện mỗi trường có cách thức phù hợp. Ở cấp THCS, nhiều trường tạo điều kiện cho học sinh lớp 8, lớp 9 trải nghiệm thực tế ở nhà máy, xí nghiệp, tham quan trường nghề trên địa bàn… Cấp THPT, bên cạnh các tiết học giáo dục hướng nghiệp theo quy định, trước thềm mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT đều có nhiều hình thức tư vấn.

Tại Trường THPT Hà Huy Giáp (huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ), mỗi năm có 9 tiết dạy học để tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, trường dành riêng một buổi học để tư vấn và hỗ trợ học sinh điều chỉnh tổ hợp môn đúng với sở thích và năng lực học tập.

Trường THPT Trần Ðại Nghĩa (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), ngoài tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh, còn chủ động tổ chức Ðại hội Hội phụ huynh học sinh khối 12 sau mỗi học kỳ. Qua đó, phụ huynh được tư vấn và hướng dẫn lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực học tập, có phương án học tập và chuẩn bị cho thi tốt nghiệp THPT. Trường chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm theo sát việc học, định hướng học sinh chọn ngành nghề, tổ hợp môn thi…

Theo cô Đinh Kim Oanh, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), trong chương trình GDPT mới, việc định hướng phân luồng, hướng nghiệp từ lớp 10 sẽ giúp học sinh xác định nhóm tổ hợp tự chọn theo sở thích, năng lực của bản thân. Từ đó các em có sự đầu tư vào những bộ môn chủ yếu trong nhóm tổ hợp để chọn khối thi và nghề nghiệp thích hợp.

Việc định hướng sớm về nghề nghiệp giúp học sinh tự tin khi chọn ngành nghề phù hợp và đầu tư đúng mức cho khối thi. “Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018, chúng tôi kỳ vọng hoạt động hướng nghiệp bắt buộc từ lớp 10. Từ đó học sinh có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về nghề nghiệp tương lai, nắm vững nhu cầu xã hội, thị trường lao động.

Trải nghiệm trở thành hoạt động cần thiết trong chương trình, giúp học sinh có cơ hội học hỏi nhiều hơn và xác định việc học tiếp lên đại học hay chuyển qua học nghề để phù hợp với khả năng của bản thân. Tổ hợp tự chọn sẽ giúp học sinh thật sự phát triển năng khiếu cá nhân”, cô Kim Oanh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ