Linh hoạt để bồi đắp khoảng trống trong triển khai chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới được đánh giá là phù hợp với nhiều cơ sở giáo dục vùng thuận lợi, song lại đang tạo ra không ít thách thức cho vùng khó.

Một giờ học của cô trò Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ). Ảnh NTCC.
Một giờ học của cô trò Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ). Ảnh NTCC.

Chặt chẽ từ khâu lựa chọn SKG

Những ngày đầu tháng 3 vừa qua, Sở GD&ĐT Điện Biên đã phối hợp cùng các nhà xuất bản Sách giáo khoa (SGK) liên tiếp tổ chức hội thảo giới thiệu sách theo chương trình mới. Hơn 300 điểm cầu được kết nối, với sự tham gia của trên 400 cán bộ quản lý và gần 6.000 giáo viên các cấp.

Đại diện Nhà xuất bản đã giới thiệu tổng quát về các bộ SGK; những quan điểm, ý tưởng xây dựng cũng như tính ưu việt của từng bộ sách, cuốn sách. Đặc biệt, những điểm mới về nội dung, cấu trúc, phương pháp tiếp cận của sách được hướng dẫn chi tiết, cụ thể tới từng giáo viên.

Ngay sau khi tiếp thu nội dung từ hội thảo, Trường PTDTBT THCS Trung Thu (huyện Tủa Chùa) đã chuyển các bộ SKG mới về từng tổ chuyên môn. Trên cơ sở đó, các tổ họp đánh giá, để đưa ra sự lựa chọn phù hợp với đối tượng học sinh địa bàn.

Theo thầy Ngô Sơn Ngân, Hiệu trưởng nhà trường thì bước đầu tiếp cận, cơ bản giáo viên đều cho rằng chương trình SGK mới khó hơn cho cả người dạy và học. Tuy nhiên, lại phù hợp và đáp ứng với yêu cầu đổi mới chung hiện nay của xã hội.

“Sách mới giúp cho việc dạy học chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Mỗi bộ sách mang một thông điệp, bản sắc riêng. Bởi vậy, chúng tôi yêu cầu các tổ chuyên môn phải nghiên cứu, lựa chọn rất kỹ lưỡng. Làm sao để sách gần gũi, phù hợp nhất với đối tượng học sinh và điều kiện thực tế vùng miền”, thầy Ngân cho hay.

Lựa chọn SGK được thực hiện chặt chẽ ngay từ cấp cơ sở.
Lựa chọn SGK được thực hiện chặt chẽ ngay từ cấp cơ sở.

Còn tại Trường PTDTBT TH và THCS Tân Lập, xã Háng Lìa (huyện Điện Biên Đông), cô giáo Trần Thị Vân Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay giáo viên nhà trường đều đã nắm bắt được nội dung, phương pháp cơ bản của các bộ SGK mới.

“Bước đầu, qua đánh giá của nhiều giáo viên thì chương trình có phần nặng hơn so với tiềm lực của giáo dục vùng khó. Nguyên nhân là do sự thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và cả năng lực, nhận thức của học sinh”, cô Vân Anh chia sẻ.

Bởi vậy, theo cô Vân Anh thì khâu lựa chọn SGK rất quan trọng. Các tiêu chí lựa chọn phải phù hợp đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương, điều kiện tổ chức dạy và học tại trường… Để đảm bảo tính phù hợp nhất, Ban giám hiệu nhà trường đã yêu cầu thực hiện qua nhiều bước ở cấp trường, trước khi hoàn tất gửi lên các cấp.

“Mỗi giáo viên phải tự nghiên cứu, đánh giá và chấm điểm sách. Sau đó từng tổ chuyên môn tổng hợp và họp nhiều lần để tham gia ý kiến rồi mới hoàn tất gửi lên ban giám hiệu. Như vậy, mỗi cá nhân đều có đánh giá riêng của mình, để làm rõ cái nào phù hợp, chưa phù hợp. Kết quả cuối cùng sẽ dựa trên cơ sở phát huy tinh thần tập thể, dân chủ”, cô Vân Anh nói.

Việc triển khai dạy học Tiếng Anh cho học sinh lớp 3 tại Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Tân Lập trong năm học 2022 - 2023 gặp khó do chưa có giáo viên.
Việc triển khai dạy học Tiếng Anh cho học sinh lớp 3 tại Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Tân Lập trong năm học 2022 - 2023 gặp khó do chưa có giáo viên.

Linh hoạt để "bồi đắp" phần thiếu

Vì liên cấp, nên Trường PTDTBT TH và THCS Tân Lập đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong triển khai chương trình mới. Dẫu vậy, cô Vân Anh cho rằng vẫn không tránh khỏi vướng mắc nhất định trong năm học tới, do những thiếu hụt mang tính đặc thù mang lại. Chính bởi vậy, sự linh hoạt từ mỗi giáo viên, nhà trường và ngành giáo dục địa phương là cần thiết.

Đơn cử như đối với chương trình lớp 3 của năm học tới sẽ có thêm môn Ngoại ngữ. Trong khi theo cô Vân Anh, trường chỉ có 1 giáo viên thuộc cấp THCS, và 1 tuần đã kín lịch giảng dạy tại 8 lớp, không thể cân đối. Hoặc có môn tổ hợp phải bố trí 2 – 3 giáo viên, khiến nhà trường khó khăn trong việc sắp xếp lịch giảng dạy.

“Ngoài ra, để áp dụng theo chương trình mới, nhiều đồ dùng dạy học phải đi theo bộ, trong khi nhà trường không có. Bởi vậy, thầy cô phải tận dụng tối đa những gì sẵn có và khai thác triệt để từ sở trường, sở đoản của bản thân để phục vụ cho từng bài giảng. Ví dụ như môn hóa học, đa phần giáo viên hiện nay đều sử dụng thí nghiệm ảo trên mạng”, cô Vân Anh nói.

Cô Vân Anh cũng cho rằng, để giảm áp lực từ sự thiếu đồng bộ, về phía nhà trường và các thầy cô giáo đã chủ động linh hoạt “thiên biến vạn hóa”. Tuy nhiên, trên thực tế có một số vấn đề trường không thể tự quyết định thì vẫn cần sự linh hoạt, quan tâm hơn nữa từ các cấp.

Giáo viên phải linh hoạt trong mỗi tiết học để bồi đắp những thiết học về thiết bị giảng dạy.
Giáo viên phải linh hoạt trong mỗi tiết học để bồi đắp những thiết học về thiết bị giảng dạy.  

Tương tự, tại Trường PTDTBT THCS Trung Thu, để triển khai chương trình mới đối với lớp 6, năm học này giáo viên phải tận dụng tối đa công nghệ trong từng bài giảng. Với quan điểm “SGK chỉ là bộ khung sườn”, nhiều thầy cô đã tự tìm tòi, sáng tạo, thiết kế thêm những bộ đồ dùng bổ trợ.

“Hiện nay chương trình học kỳ 2 đã qua hơn nửa, mà trường vẫn chưa được đầu tư bộ đồ dùng dạy học cho khối lớp 6 theo đúng chương trình. Nhưng vì đây là khó khăn chung của toàn ngành nên nhà trường chỉ còn cách động viên và đều nhận được sự ủng hộ của các thầy cô giáo”, thầy Ngân chia sẻ.

Đối với Trường THPT Búng Lao (huyện Mường Ảng) là nơi theo học thường xuyên của hơn 700 con em đồng bào các dân tộc, đến từ nhiều địa phương trong khu vực. Xác định rõ những thách thức, nhà trường đã tạo bước đệm bằng việc chủ động “nhập cuộc” từ 2 năm nay.

“Mặc dù năm học tới (2022 – 2023) mới bắt đầu triển khai chương trình mới đối với lớp 10, song trong 2 năm học vừa qua trường đã cho toàn thể giáo viên soạn giáo án theo phương pháp và cách thức mới, trên nền tảng SGK cũ. Hiện nay, giáo viên đều đã thành thạo với cách làm này, nhất là trong việc vận dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động dạy – học, sao cho phù hợp với đối tượng học sinh”, thầy Tống Văn Đỗ, Hiệu trường nhà trường chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.