Sinh viên đang góp phần giải quyết vấn đề nóng của đô thị như ngập lụt, ô nhiễm và lãng phí nguồn nước, thiếu rau sạch…
Đây là những ý tưởng được các bạn trẻ đưa ra từ thực tế dưới sự hỗ trợ của tổ chức Chanllenge to Changge (CtC). Các sáng kiến này đang được áp dụng ở một số địa phương và được đánh giá là khả quan, thực tế.
Những thùng rau thủy canh
Mô hình trồng rau thủy canh hỗ trợ nông dân nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu của nhóm bạn trẻ Đoàn Thanh niên Sở KH – CN Đà Nẵng hiện đang được triển khai ở 20 hộ nghèo thuộc địa bàn. Tại mỗi hộ, các bạn trẻ đặt 40 – 45 thùng rau thủy sinh, trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật, vật tư giúp nông dân chuyển giao phương thức trồng rau mới, an toàn.
Trưởng nhóm Nguyễn Thị Út cho biết: Ưu điểm của công nghệ trồng rau thủy canh là hoàn toàn không sử dụng hóa chất, chỉ sử dụng dung dịch muối khoáng dạng ion nên tuyệt đối an toàn mà vẫn mang lại hiệu quả cao.
Rau được trồng trong các thùng xốp còn có khả năng thích ứng cao trong mùa mưa lũ. Nước lụt không nhấn chìm rau mà thùng xóp sẽ nổi lên theo nước khiến người dân vẫn có thể bảo đảm nguồn rau sạch ngay trong mùa mưa lũ.
Theo các thành viên nhóm, để thực hiện phương thức trồng rau sạch này, chi phí đắt hơn 1,5 – 2 lần so với phương pháp trồng thông thường.
Do đó, cái khó nhất lúc này đó là việc tạo thương hiệu rau sạch cho người nông dân, tạo đầu ra bền vững nâng cao thu nhập.
Tìm cách dự trữ nước mưa
Nhóm CT24 (Trường ĐH Cần Thơ) lại quan tâm đến vấn đề dự trữ nước mưa bằng hệ thống phun mưa bán tự động. “Với chi phí 7 – 8 triệu đồng cho việc lắp đặt toàn bộ hệ thống máy bơm, bộ lọc, bệ máng… người dân hoàn toàn có thể tận dụng nguồn nước mưa để làm mát hệ thống mái nhà và sử dụng nước cho mùa Hè.
Hiện tượng thiếu nước sạch đang là vấn đề đáng quan tâm hiện nay và là mối lo lớn trong tương lại, nhất là ở các đô thị lớn, mưa lớn gây ngập lụt nhưng tại nhiều thời điểm lại thiếu nước sạch, người dân muốn sử dụng nước máy phải chi phí rất tốn kém. Tại sao không sử dụng nguồn nước sẵn có?” - Lê Nhựt Tú (thành viên nhóm) phân tích.
Phải mất một năm ý tưởng mới hoàn thành, sau đó áp dụng tại 8 hộ nghèo ở phường Nam Bình (Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Hệ thống ống dẫn nước được lắp đặt từ trên mái nhà (nhà cấp bốn) dẫn nước xuống máng và dẫn xuống bồn chứa nước.
Tại đây, hệ thống công tơ và bình lọc nước cũng được lắp đặt tiện cho việc sử dụng nước sinh hoạt phun ngược nước làm mát mái vào mùa Hè.
9 thành viên nhóm sinh viên trường ĐH Cần Thơ quan tâm vấn đề truyền thông nâng cao năng lực cho sinh viên dân tộc Khmer về biến đổi khí hậu.
Rút kinh nghiệm từ bản thân vốn rất thụ động trong giao tiếp và tuyên truyền, các bạn trẻ nhằm phá vỡ “tảng băng” định kiến, nâng cao năng lực truyền thông.
“Thông qua các hội thảo, các buổi điền dã và thực hiện phim tư liệu đã giúp sinh viên tự tin, năng động và tuyên truyền rộng rãi về biến đổi khí hậu” - Bích Nghĩa chia sẻ.